Câu chuyện cá chết và lo lắng về chất lượng nước trên các dòng sông
Thời gian qua hiện tượng cá chết nổi trắng các dòng sông tại Nam Định, Hải Dương, Bắc Giang… đã làm dấy lên sự lo ngại về chất lượng nước trên các dòng sông.
Hiện tượng cá chết xuất hiện tại nhiều tỉnh
Những ngày qua, hiện tượng cá tự nhiên trên sông Đáy đoạn chảy qua địa phận huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) bỗng chết nổi trắng sông. Nước sông chuyển sang màu đỏ bất thường so với màu nước tự nhiên thường ngày.
Anh Nguyễn Văn Cương người dân địa phương cho hay: Cá chết nổi trên khúc sông dài gần chục km, kéo sang cả địa phận tỉnh Ninh Bình. Không chỉ cá tự nhiên trên sông bị chết, các sinh vật sinh sống trên lớp bùn cửa sông, cửa biển như cua, cáy, còng còng… cũng bỏ chạy ra khỏi hang, tìm đường tháo chạy. Nhiều loài cá khác như cá bống cũng phải tìm cách ngoi lên mặt sông. Người dân địa phương tranh thủ đi bắt cá, có những gia đình vớt được cả tạ cá bống mỗi ngày.
Đây là lần đầu tiên hiện tượng cá tự nhiên chết nổi trên sông Đáy, kéo dài từ xã Nghĩa Phú, Nghĩa Hòa tới xã Quỹ Nhất, chiều dài khoảng 18km. Tại khu vực bến phà Quỹ Nhất, người dân chứng kiến cảnh tượng cá chết nổi trên sông với mật độ dày đặc, bị sóng đánh trôi ra cửa sông.
Rất nhiều người dân đã tranh thủ đi bắt cá, cua, cáy, rạm… Những con vật này bò đầy lên bờ, không có phản ứng khi bị bắt, hệt như đang bị… say thuốc. Người dân cho rằng, nguyên nhân có thể do việc xả thải ra môi trường của một cơ sở sản xuất nào đó dọc tuyến sông.
Tại tỉnh Bắc Giang sáng ngày 9/4, trên sông Cầu, đoạn giáp ranh giữa thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) và xã Phù Lãng (thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) lại xảy ra tình trạng cá chết (nhiều con có trọng lượng từ 1-1,5 kg) dạt vào bờ.
Được biết, đây là lần thứ 3 xảy ra hiện tượng cá chết trên sông Cầu tại khu vực này trong hơn chục ngày trở lại đây. Trước đó, vào những ngày cuối tháng 3 và các ngày 2 và 3/4, trên đoạn sông đã xảy ra tình trạng cá chết. Theo một người dân ở tổ dân phố Thắng Lợi Hạ, thị trấn Nham Biền, ngoài mùi tanh, hôi thối do cá chết, nước trên đoạn sông này cũng có màu đen hơn bình thường. Khu vực sông bị ô nhiễm kéo dài khoảng 1 km. Người dân sở tại nghi vấn cá chết là do các nhà máy, trang trại chăn nuôi trong khu vực xả chất thải chưa qua xử lý ra sông.
Từ ngày 4-8/4, hiện tượng cá lồng chết xuất hiện tại một số hộ ở các vùng nuôi thuộc các huyện Nam Sách, Tứ Kỳ, Thanh Hà, Ninh Giang, Cẩm Giàng, Kim Thành, thị xã Kinh Môn và thành phố Chí Linh. Theo ước tính bước đầu kể từ ngày 30/3, lượng cá lồng chết ước khoảng gần 1.000 tấn. Tổng số hộ có cá nuôi lồng bị chết khoảng 400 hộ, với hơn 4.000 lồng, chủ yếu tại xã Tiền Tiến và phường Nam Đồng (TP Hải Dương).
Lo ngại chất lượng nguồn nước
Trả lời báo chí ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết: Ngày 9/10, tỉnh Nam Định đã cử đoàn công tác của Sở TNMT, NN-PTNT, các ban ngành huyện Nghĩa Hưng đang phân tích nguyên nhân. Khi có kết quả phân tích tỉnh Nam Định sẽ có thông báo ngay.
Ngày 10/5, UBND huyện Nghĩa Hưng đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Nam Định và các Sở NN-PTNT, TNMT về việc cá chết trên sông Đáy đoạn chạy qua địa bàn huyện. Trước đó, UBND huyện đã giao Phòng NN-PTNT phối hợp với Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định cử cán bộ chuyên môn xuống các xã, thị trấn dọc ven sông Đáy kiểm tra. Trước tình trạng cá chết bất thường ở huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), cùng với việc đề nghị các lực lượng chức năng xác định nguyên nhân, chính quyền đã khuyến cáo người dân không ăn hoặc bán cá chết.
Theo kết quả quan trắc đánh giá chất lượng nước sông Cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang năm 2023 tại một số vị trí như: Xã Vân Hà (gần cống tiêu Đặng Xá), cầu Như Nguyệt, cầu Yên Lư, khu vực sông qua xã Thắng Cương cũ... cho thấy đều bị ô nhiễm. Cụ thể là một số thông số như BOD5, COD, DO, TSS, Cadmi, Amoni, Nitrit... có mức ô nhiễm dao động từ 1,05 - 9,92 lần. Trong đó, vị trí có chất lượng nước rất xấu là khu vực sông gần cống tiêu Đặng Xá. Nguyên nhân sông Cầu khu vực qua thị xã Việt Yên, huyện Yên Dũng bị ô nhiễm được xác định là do nước thải từ sông Ngũ Huyện Khê của Bắc Ninh chảy ra và các tỉnh đầu nguồn chảy về và từ các khu dân cư, đô thị, nhà máy ven sông thải ra.
Theo ông Ngô Văn Xuyên, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang: Vấn đề ô nhiễm khu vực giáp ranh giữa tỉnh Bắc Giang và các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương nêu trên đã kéo dài nhiều năm nay. Tuy nhiên, do chủ thể gây ô nhiễm nằm ngoài địa bàn tỉnh Bắc Giang nên việc giải quyết gặp nhiều khó khăn, chưa có giải pháp hữu hiệu xử lý dứt điểm.
Còn tại tỉnh Hải Dương trước hiện tượng cá lồng chết bất thường, các đơn vị chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của tỉnh Hải Dương đã khẩn trương kiểm tra thực tế, xác định nguyên nhân.
Qua kiểm tra phân tích yếu tố dịch tễ, mổ khám, xét nghiệm, kết quả mẫu bệnh phẩm, lấy mẫu môi trường nước và tham khảo ý kiến của một số chuyên gia, các ngành chức năng nhận định: Cá nuôi lồng trên sông bị chết không do yếu tố dịch bệnh, không do ngộ độc thức ăn mà do thiếu ô-xi hòa tan trong nước. Thực hiện xét nghiệm nhanh tại các điểm có cá chết cho thấy hàm lượng ô-xi hòa tan (DO) rất thấp, hàm lượng khí độc cao (NH4+-N, NO2-N).
Còn người dân địa phương thì cho rằng nguồn nước thải độc hại xả vào sông Thái Bình thông qua hệ thống thủy lợi. Trước giải thích của cán bộ chuyên môn, cá chết là do nồng độ ô-xi trong nước thấp, người dân đã đề nghị các ngành chức năng làm rõ nồng độ ô-xi thấp là do đâu. Ngày 15/4, UBND tỉnh Hải Dương đã có Văn bản số 1379/UBND-VP gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị hỗ trợ xác định nguyên nhân gây giảm nồng độ ô-xi trong nước.
Theo các chuyên gia qua các vụ việc trên có thể thấy chất lượng nước trên các sông Đáy, sông Cầu, sông Thái Bình đang trong tình trạng đáng báo động. Vì vậy, để đảm bảo an ninh nguồn nước cần quan trắc thường xuyên để cảnh báo kịp thời khi xuất hiện những diễn biến bất thường.
Nhất là trên lưu vực có rất nhiều nhà máy nước sạch lấy nguồn nước thô từ các sông này để sản xuất nước sạch. Người dân đang sử dụng nước từ các nhà máy sản xuất nước sạch này cho sinh hoạt, ăn uống hàng ngày có quyền được thông tin đầy đủ, trung thực và chính xác về nguyên nhân nước sông thay đổi dẫn đến cá chết hàng loạt.
Liên quan đế câu chuyện nguồn nước từ các sông được lấy vào các nhà máy xử lý nước sạch rồi cung cấp cho người dân sinh hoạt, nhiều ý kiến người dân lo lắng, liệu rằng chất lượng có được đảm bảo? Mặc dù các đơn vị cung cấp nước khẳng định là "oan toàn", nhưng an toàn đến đâu thì vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Theo quy định tại Thông tư số 41/2018/TT-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giam sát chất lượng nước sạch sử dụng chi mục đích sinh hoạt thì Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (thuộc Sở Y tế) đang là đơn vị có thẩm quyền được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch tại các Nhà máy nước sạch với mức độ 1 năm 1 lần, trừ những trường hợp đột xuất. Các nhà máy nước sạch chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nước sạch do đơn vị cung cấp. Tần suất thử nghiệm đối với thông số chất lượng nước sạch nhóm A: không ít hơn 01 lần/1 tháng. Tần suất thử nghiệm đối với thông số chất lượng nước sạch nhóm B: không ít hơn 01 lần/6 tháng.