Câu chuyện cảm động về ban nhạc biểu diễn trên Titanic cho đến khi chìm cùng tàu
Sau khi con tàu đâm phải tảng băng trôi vào ngày 14/4/1912, ban nhạc trên tàu Titanic vẫn tiếp tục chơi nhạc nhằm trấn an hành khách trong quá trình sơ tán. Họ vẫn chơi nhạc cho đến khi con tàu chìm xuống Bắc Đại Tây Dương.

Hình ảnh vẽ cảnh tàu Titanic chìm vào sáng sớm ngày 15/4/1912. Ảnh: Alamy Stock
Theo trang allthatsinteresting.com, giữa hỗn loạn và bi kịch khi Titanic chìm vào ngày 15/4/1912, nhiều người sống sót vẫn nhớ một điều: âm nhạc. Ban nhạc trên tàu Titanic đã tiếp tục chơi nhạc khi con tàu đang chìm dần, mang lại niềm an ủi cho cả những người đang chạy trốn khỏi tàu và những người chấp nhận ở lại chịu chung số phận.
Một cách phi thường, tám thành viên của ban nhạc Titanic vẫn chơi nhạc cho đến những khoảnh khắc cuối cùng. Một số nhân chứng sau này kể lại rằng bài nhạc cuối cùng họ chơi là “Nearer, My God, to Thee” (tạm dịch: Lạy Chúa, xin cho con gần Ngài hơn), trong khi người khác cho rằng đó là bản “Autumn” (Mùa thu). Dù là bản nhạc nào, thì ban nhạc cũng đã mang đến niềm an ủi cần thiết cho hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu Titanic.
Được lưu danh trong văn hóa đại chúng, ban nhạc Titanic vẫn là biểu tượng của lòng dũng cảm âm thầm, sự tận tụy vô vị lợi và phẩm cách khi đối diện với một trong những thảm họa hàng hải kinh hoàng nhất thế giới.
Tám thành viên của ban nhạc Titanic

Wallace Hartley, trưởng nhóm nhạc trên tàu Titanic. Ảnh: allthatsinteresting
Ngày 10/4/1912, tám nhạc công được công ty C.W. và F.N. Black tại Liverpool thuê biểu diễn đã lên tàu RMS Titanic tại Southampton, Anh. Con tàu khi ấy đã gây chấn động vì kích thước và sự xa hoa, sắp bắt đầu chuyến đi đầu tiên tới New York (Mỹ) và ban nhạc có nhiệm vụ biểu diễn phục vụ hành khách trong suốt hành trình.
Các nhạc công gồm có: Wallace Hartley (violin), trưởng nhóm; Theodore Ronald Brailey (piano); John Law Hume (violin); John Frederick Preston Clarke (contrabass); Roger Marie Bricoux (cello); George Alexandre Krins (violin); Percy Cornelius Taylor (piano) và John Wesley Woodward (cello).
Hartley, 33 tuổi, sống ở Lancashire (Anh), là trưởng ban nhạc. Anh có kinh nghiệm biểu diễn trên tàu, từng chơi nhạc trên các tàu như RMS Lucania, RMS Lusitania và RMS Mauretania thuộc hãng Cunard. Anh nhận lời mời biểu diễn trên Titanic với hy vọng tiến xa hơn trong sự nghiệp. Một tuần trước chuyến đi, anh dành thời gian bên vị hôn thê tại Yorkshire và tin rằng công việc này sẽ thay đổi cuộc đời mình. Theo một cách nào đó, điều đó đã thành sự thật.
Brailey, 24 tuổi, sống ở Walthamstow (Anh), bộc lộ niềm đam mê âm nhạc từ sớm, theo học trường nhạc và từng biểu diễn trên tàu RMS Carpathia. Hume, 21 tuổi, là thành viên duy nhất ở Scotland, có cha là giáo viên âm nhạc và đã bắt đầu tạo dựng danh tiếng riêng. Khi rời đi, anh để lại vị hôn thê Mary Costin đang mang thai.

Một trang trên tờ Illustrated London News giới thiệu những thành viên trong ban nhạc. Ảnh: allthatsinteresting
Clarke, 28 tuổi, sống ở Manchester (Anh), từng là nhân viên bảo hiểm trước khi theo đuổi âm nhạc toàn thời gian. Trước khi lên Titanic, anh biểu diễn tại Nhà hát Argyle ở Birkenhead và cùng Dàn nhạc Giao hưởng Liverpool danh tiếng.
Bricoux, 20 tuổi, là thành viên trẻ nhất, sinh tại Cosne-Cours-sur-Loire (Pháp), từng biểu diễn trên tàu RMS Carpathia. Krins, 23 tuổi, đến từ Spa (Bỉ), theo học Nhạc viện Hoàng gia Lìege từ năm 13 tuổi, từng phân vân giữa quân đội và làm việc trong cửa hàng của cha nhưng cuối cùng chọn âm nhạc.
Taylor, 40 tuổi, thành viên lớn tuổi nhất, sinh ra ở London, từng là nhân viên văn phòng trước khi chuyển sang chơi cello. Woodward, 32 tuổi, đến từ Staffordshire (Anh), từng biểu diễn tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia và Dàn nhạc thành phố Eastbourne danh tiếng. Titanic lẽ ra là chuyến đi biển cuối cùng của anh trước khi về an cư tại Anh.
Tám người lên tàu Titanic tại Southampton vào ngày 10/4/1912, cùng sử dụng vé số 250654. Chỉ vài ngày sau, họ cùng nhau hy sinh.
Ban nhạc Titanic chìm cùng con tàu
Ban nhạc bắt đầu công việc ngay sau khi lên tàu. Ngày biểu diễn đầu tiên là 11/4/1912, khi tàu cập cảng Queenstown (Ireland) để đón thêm hành khách. Trước buổi biểu diễn lúc 10 giờ sáng, Hartley đã viết thư về cho cha mẹ: “Chỉ viết vài dòng báo rằng con đã lên tàu an toàn. Hơi vội một chút nhưng con cũng đang dần ổn định. Đây là con tàu tuyệt vời, chắc chắn sẽ có nhiều người giàu trên này… Ban nhạc rất tuyệt và các anh em rất dễ chịu. Con có lẽ sẽ về nhà vào sáng chủ nhật. Yêu bố mẹ. Con Wallace”.
Hartley và các thành viên khác trong ban nhạc trên tàu Titanic đã phải làm việc vô cùng bận rộn trong những ngày sau đó. Không chỉ phải soạn danh sách biểu diễn cho từng ngày, anh còn cùng các thành viên trong ban nhạc phải thuộc lòng hàng trăm bản nhạc. Hành khách có thể yêu cầu chơi bất kỳ bài nào họ thích và riêng hành khách hạng nhất còn được phát một cuốn sách nhạc gồm 352 bài để lựa chọn.
Một hành khách nhớ lại: “Không có gì trên tàu được yêu thích hơn ban nhạc. Không ai muốn rời đi. Ai cũng muốn nghe ban nhạc chơi một bản mình yêu thích”.
Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi chỉ sau vài ngày trong chuyến đi. Vào 23 giờ 40 phút đêm 14/4, Titanic đâm vào tảng băng trôi. Thuyền trưởng Edward Smith vẫn duy trì tốc độ cao dù có cảnh báo về băng và con tàu bắt đầu chìm.
Tàu chỉ có đủ thuyền cứu sinh cho khoảng một nửa số hành khách và thủy thủ đoàn. Dù phụ nữ và trẻ em được ưu tiên, nhưng rõ ràng không phải ai cũng sống sót. Trong bi kịch ấy, ban nhạc Titanic đã đưa ra quyết định: tiếp tục chơi nhạc.
Những giây phút cuối cùng của ban nhạc Titanic

Bia tưởng niệm ban nhạc Titanic ở Southampton, Anh. Ảnh: Wikimedia Commons
Trong sự hỗn loạn của cuộc sơ tán, nhiều người sống sót kể rằng họ nghe thấy tiếng nhạc vang lên. Ngay sau khi tàu va phải băng, tám nhạc công đã mang theo nhạc cụ và bắt đầu chơi nhằm giữ bình tĩnh cho hành khách.
Archibald Gracie, một người sống sót, viết: “Chính lúc đó ban nhạc bắt đầu chơi và tiếp tục chơi nhạc khi các xuồng cứu sinh được hạ xuống. Chúng tôi cho rằng đó là quyết định sáng suốt giúp giảm bớt hoảng loạn”.
Ngay cả khi con tàu đang chìm dần, họ vẫn chơi nhạc. Một nhân chứng kể rằng nhìn thấy Hartley bám vào lan can cầu thang lớn khi tàu đang chìm, nói với những người còn lại trong ban nhạc: “Thưa các quý ông, xin chào tạm biệt”.
Vẫn còn tranh cãi về bản nhạc cuối cùng mà họ chơi. Một số cho rằng đó là “Nearer, My God, to Thee”, số khác khẳng định đó là “Autumn”. Một người sống sót kể: “Khi tiếng la hét trên mặt nước dần tăng, một âm thanh khác vang lên, rõ ràng lúc đầu, rồi nhỏ dần. Đó là giai điệu của bài thánh ca ‘Nearer, My God, to Thee’, do ban nhạc chơi trong phòng ăn. Một số người trên mặt nước bắt đầu hát theo, rồi im lặng khi nhận ra rằng đối với những người chơi bản nhạc ấy, âm nhạc là nghi lễ cuối cùng trước khi lìa đời. Những âm điệu thanh bình hòa cùng tiếng kêu thảm thiết của người sắp chết, tạo nên bản giao hưởng bi ai”.
Tuy nhiên, ông Gracie viết: “Tôi không nhận ra bản nhạc nào, nhưng tôi biết đó là nốt nhạc vui tươi, không phải thánh ca. Nếu đúng là họ chơi ‘Nearer My God to Thee’, tôi chắc chắn đã nhận ra và coi đó là tín hiệu báo tử khiến mọi người hoảng loạn — điều mà chúng tôi đã cố gắng ngăn chặn đến mức tối đa”.
Dù vậy, Hartley từng nói với bạn bè rằng nếu chẳng may ở trên một con tà đang chìm thì anh sẽ chơi bản “Nearer, My God, to Thee”. Nhưng sự thật về bản nhạc cuối cùng đã vĩnh viễn chìm theo họ.
Cuối cùng, 706 người sống sót, còn 1.517 người thiệt mạng. Bi thảm thay, sau này người ta phát hiện nhiều xuồng cứu sinh rời đi khi vẫn còn trống chỗ một nửa và có thể chứa khoảng 500 người nữa.
Di sản dũng cảm của những nhạc công trên tàu

Người ta phát hiện cây đàn violin của Wallace Hartley được buộc chặt vào người anh sau khi tàu Titanic bị chìm. Ảnh: Hiệp hội Titanic Anh
Sau thảm kịch, thi thể của Hartley, Clarke và Hume được tàu CS Mackay-Bennett vớt lên. Năm người còn lại mãi mãi mất tích trên biển. Con tàu CS Mackay-Bennett cũng thu được đồng hồ vàng, sổ tay, ví và nhẫn vàng khắc chữ “J.F.P.C.” của Clarke; violin vẫn đeo trên thi thể Hartley; hộp đựng thuốc, đồng hồ và con dao có tay cầm đính ngọc trai của Hume.
Hartley là người duy nhất trong ban nhạc được đưa về quê hương mai táng tại Lancashire, trong một đám tang được công chúng chú ý rộng rãi. Hume và Clarke được an táng tại nghĩa trang Fairview ở Halifax (Nova Scotia thuộc Canada) - nơi yên nghỉ của nhiều nạn nhân Titanic.
Những năm sau, nhiều buổi hòa nhạc tưởng niệm ban nhạc Titanic đã được tổ chức. Ngày nay, nhiều tượng đài ghi nhớ họ đã được xây dựng tại Southampton, Nova Scotia và Australia. Nhưng lòng dũng cảm của họ có lẽ được thể hiện rõ nhất qua cảnh phim nổi tiếng trong Titanic (1997) của đạo diễn James Cameron.
Hơn một thế kỷ trôi qua, thế giới vẫn không ngừng cảm phục tinh thần của ban nhạc Titanic. Như Hartley từng nói trước thảm họa: “Tôi luôn cảm thấy rằng, khi con người bất ngờ đối mặt với cái chết, âm nhạc mang lại sức mạnh nhiều hơn mọi khẩu súng trên đời”.