Câu chuyện chương trình, sách giáo khoa vẫn chưa ngã ngũ
Đến thời điểm này, câu chuyện sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn chưa có những kết luận cuối cùng.
Đến thời điểm này, câu chuyện sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn chưa có những kết luận cuối cùng.
Một chương trình- một bộ sách giáo khoa hay nhiều nhiều bộ sách giáo khoa; "Chương trình" quan trọng hay "sách giáo khoa" quan trọng?
Liệu lần đổi mới này có đạt được những kỳ vọng như mục tiêu của Bộ Giáo dục đã đề ra hay không vẫn rất khó trả lời vào lúc này.
Dù xã hội mong chờ, đội ngũ nhà giáo và học sinh hy vọng sẽ có những bộ sách giáo khoa phù hợp cho những năm tới nhưng nhìn vào thực tế đang diễn ra thì chúng ta thấy vẫn còn nhiều băn khoăn.
Ngày 12/3, phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Chuyện sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới lại tiếp tục được bàn luận.
Tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chia sẻ: “Điều băn khoăn nhất của tôi là sách giáo khoa”.
Tất nhiên, những "băn khoăn" của Chủ tịch Quốc hội cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh hiện nay.
Chương trình quan trọng hay sách giáo khoa quan trọng?
Từ chương trình, sách giáo khoa hiện hành trở về trước thì chúng ta luôn coi trọng sách giáo khoa. Xem sách giáo khoa là pháp lệnh.
Mọi công việc giảng dạy của giáo viên phải bám vào sách giáo khoa, các kỳ thi cũng phải bám vào sách giáo khoa để ra đề thi.
Tuy nhiên, Chương trình giáo dục phổ thông mới lần này thì khác, chúng ta thấy đang đề cao “chương trình” hơn “sách giáo khoa”.
Chính vì vậy, tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì ông Phan Thanh Bình- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng cho rằng:
“Sách giáo khoa là công cụ, tài liệu giảng dạy chứ không phải là duy nhất. Cái quan trọng nhất là chương trình giáo dục phổ thông là pháp lệnh.
Một kiến thức có thể từ nhiều nguồn, và sử dụng kiến thức trên internet để giảng dạy”
Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ thì cho biết: "Đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông lần này rất khác.
Lần trước đổi mới từ sách giáo khoa, sách giáo khoa là cơ sở pháp lý để tất cả công việc phải đi theo.
Còn lần này phát triển phẩm chất năng lực. Nội dung quan trọng là soạn Chương trình giáo dục phổ thông và Chương trình các môn học".
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ còn nhấn mạnh: "Sách giáo khoa lần này sẽ cụ thể hóa Chương trình có tính pháp lệnh thống nhất trong toàn quốc.
Người dạy theo Chương trình mới không nhất thiết bám chặt sách giáo khoa, ngoài ra còn nhiều tài liệu khác để khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp vì mục đích chính của đổi mới lần này là đổi mới dạy và học".
Tất cả giáo viên đã chuẩn bị để đổi mới chương trình và sách giáo khoa mới chưa?
Chúng tôi đã theo dõi suốt quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới lần này từ những ngày mới manh nha cho đến dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, dự thảo Chương trình môn học và cả khi ban hành chính thức 2 văn bản này.
Điều chúng tôi nhận thấy rất rõ là Bộ Giáo dục và các thầy làm chương trình tổng thể và chương trình môn học đang rất kỳ vọng vào lần đổi mới này.
Tất nhiên, dư luận cả nước cũng đều mong muốn việc đổi mới sẽ thành công. Song, thực tế thì sao?
Chuyện 2 môn tích hợp thì chúng tôi đã có rất nhiều bài phân tích, phản biện trước đây nên không đề cập lại nữa.
Nhưng, câu chuyện chương trình và sách giáo khoa đến bây giờ mà cấp vĩ mô vẫn chưa ngã ngũ thì có lẽ việc đổi mới tới đây có phần sẽ rất bị động.
Thời gian áp dụng đại trà cho chương trình, sách giáo khoa mới chỉ còn hơn 1 năm nữa.
Nhưng, chúng ta vẫn chưa quyết được “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” hay “một chương trình một bộ sách giáo khoa”. Đây có lẽ là điều mà nhiều người còn băn khoăn, nghi ngại.
Nếu cứ như cá nhân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các thầy soạn thảo chương trình tổng thể, chương trình môn học đang luôn đề cao “chương trình”…
Nhưng, chúng tôi tin rằng nếu được làm phiếu điều tra kỹ càng thì phần lớn giáo viên hiện nay không biết chương trình tổng thể, chương trình môn học là gì?
Thậm chí, nếu hỏi môn học của mình đang dạy sẽ có hình hài ra sao trong chương trình giáo dục phổ thông mới thì đa phần giáo viên cũng không biết bởi chưa bao giờ họ đọc đến nó.
Trong khi chương trình môn học lần này nhìn chung vẫn khá nặng về kiến thức đối với các cấp học ở phổ thông.
Giáo viên có thể xem nhẹ sách giáo khoa được không? Khi mà trình độ, khả năng của một bộ phận giáo viên có hạn, khi mà sách giáo khoa đã trở nên quen thuộc của cả thầy và trò?
Việc đề cao "chương trình" hơn "sách giáo khoa" theo chúng tôi là phù hợp nhưng trong thực tế giảng dạy, quan sát, tìm hiểu từ đồng nghiệp thì chúng tôi vẫn thấy rất khó thực hiện nếu đề cao "chương trình".
Chính vì vậy, thời điểm áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới đã và đang cận kề nên lãnh đạo Bộ Giáo dục cần nhanh chóng chốt lại các phương án của mình một cách cụ thể để định hướng cho giáo viên trong toàn ngành.
Nếu không, việc đổi mới tới đây sẽ vấp phải rất nhiều trở ngại bởi sự chậm trễ, dùng dằng ở trên và sự thờ ơ, lãnh đạm dưới cơ sở.
Tài liệu tham khảo:
//giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chu-tich-Quoc-hoi-ban-khoan-nhat-la-ve-sach-giao-khoa-post196424.gd
//vietnamnet.vn/vn/giao-duc/chu-tich-quoc-hoi-co-nhung-mon-hoc-khong-the-co-nhieu-bo-sach-513081.html