Câu chuyện của những người lính phi công hai đầu chiến tuyến ngày ấy - bây giờ
Cuộc chiến nào cũng có mất mát và hy sinh, vụ ném bom ở Khâm Thiên trong chiến dịch 12 ngày đêm Giáng sinh là biểu hiện cụ thể của quá khứ đau thương mà Đế quốc Mỹ đã từng gây ra cho Việt Nam. Chính sau vụ ném bom ấy cả nhân loại đã lên tiếng phản đối, buộc Chính phủ Hoa Kỳ khi đó phải ngồi vào bàn đàm phán Paris.
Ký ức đau thương đó không chỉ nhắc nhớ về một giai đoạn lịch sử nhiều mất mát mà còn cả niềm tự hào dân tộc lớn lao, niềm tự hào về sự mạnh mẽ bước qua đau thương, chiến thắng kẻ thù. Điều đặc biệt là chính những người trong cuộc hiểu đến tận cùng giá trị của hai từ hòa bình và cũng chính họ, những người trong cuộc chiến ấy mong muốn sẽ gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, để chiến tranh không bao giờ xảy ra nữa.
Khâm Thiên mùa đông năm 1972, nghe tin Mỹ ngừng ném bom, nhân dân trở về từ nơi sơ tán để đón Giáng sinh, không ai trong số họ nghĩ rằng thảm họa xảy ra chỉ một ngày sau đó. B52 của Mỹ rải thảm toàn bộ khu phố.
Gần 50 năm sau, Đài tưởng niệm nạn nhân ở Khâm Thiên thỉnh thoảng vẫn đón vị khách Mỹ đến thắp hương tưởng nhớ các nạn nhân chiến tranh. Ông là Đại tá, phi công Marshall Michel đã từng là lái máy bay F4, bay trinh sát vòng ngoài trong chiến dịch 12 ngày đêm Giáng sinh. Sau chiến tranh ông là nhà nghiên cứu về chiến tranh trên không ở Việt Nam và đã có những cuốn sách viết riêng về chiến dịch này.
Đại tá, Tiến sỹ MARSHALL MICHEL, Phi công F4, Không quân Hoa Kỳ, Nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh trên không: "Chúng tôi có đến 200 máy bay và trang thiết bị hiện đại vào thời điểm đó. Bộ đội tên lửa của Việt Nam rất thông minh, họ di chuyển thế trận và bắn rơi ngày càng nhiều máy bay trong 3 đêm đầu tiên. Tổng thống Nixon lúc đó rất tức giận, ông ấy cho rằng điều đó là không thể vì B52 là máy bay ném bom tốt nhất, là siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm. Nhưng lúc đó ông ấy sợ rằng chiến dịch sẽ thất bại."
Việc tìm hiểu về chiến tranh trên không ở Việt Nam đã giúp ông Marshall Michel cùng những người phi công Mỹ hiểu hơn tại sao lực lượng phòng không không quân nhỏ bé và lạc hậu của Việt Nam có thể đánh thắng được lực lượng không quân và hải quân hiện đại và hùng hậu của Mỹ, và cũng đã giúp phi công hai nước hiểu nhau và tôn trọng lẫn nhau.
Đại tá DAVID VOLKER, Phi công B52, Không quân Hoa Kỳ: "Tôi trong biên đội đánh B52 đánh chỗ đèo Mụ Giạ. Số 3 nhìn rõ anh Rạng bay vượt qua, các sĩ quan điện tử B52 không nhìn thấy anh Rạng bật radar, vì thế khi tên lửa anh Rạng bay qua và nổ dưới cánh của tôi là hoàn toàn bất ngờ. Tôi rất tôn trọng và đây là một người rất dũng cảm, một phi công tiêm kích phải làm như vậy."
Đại tá, Phi công, AHLLVT NGUYỄN VĂN NGHĨA, Nguyên Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam: "Bây giờ chúng tôi đã là bạn và chúng tôi không không bao giờ muốn chiến tranh và cùng lên tiếng chống chiến tranh, để cho con cháu chúng ta được học hành và được phục vụ tổ quốc."
Đại úy CHUCK ALLEN JACKSON, Phi công F4 Không quân Hoa Kỳ: "Tôi nhảy dù ở trên núi, gia đình bắt tôi đã đối xử với tôi rất tốt, tôi muốn ăn gì, uống gì, thậm chí là băng lại vết thương của tôi, sau đó thì họ giao cho dân quân và tôi được dẫn về Hà Nội. Tôi rất biết ơn gia đình người Việt nay, tôi đã đến và tỏ lòng biết ơn vì họ rất tốt."
Không lãng quên quá khứ, không lãng quên những hy sinh xương máu của các thế hệ đi trước, nhưng chiến tranh cũng cho thấy ý nghĩa và giá trị của hòa bình và hạnh phúc và những cựu phi công hai nước hiểu về điều đó hơn ai hết. Họ đang nỗ lực làm những việc ý nghĩa để xoa dịu nỗi đau của quá khứ và vun đắp cho mối quan hệ của hai đất nước trong tương lai.
Thực hiện : Phan Xanh Minh Công Vũ Hiếu