Câu chuyện của những que diêm nhỏ
Ngày bé, tôi rất thích ngắm những que diêm được xếp ngay ngắn trong chiếc hộp vuông vuông, bé tí teo. Đầu diêm màu hồng xinh xẻo tỏa mùi hăng hắc mãi vấn vít trong trí nhớ.
Đọc tin Công ty Diêm Thống Nhất sẽ "khai tử" những que diêm, lòng tôi chợt chùng xuống trong buổi tối mùa đông lạnh buốt. Những thứ cũ kĩ, không hợp thời sẽ bị đào thải. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Đã lâu, tôi không dùng diêm, và cũng chẳng thấy chúng hiện diện quanh mình. Ở nhà, đến quán café, hay một quán nước vỉa hè, đến đâu cũng thấy người ta dùng bật lửa.
Vài năm nữa thôi, có tìm mỏi mắt, tôi cũng chẳng nhìn thấy cái hộp bé tí, màu tím tím, nâu nâu in hình con chim bồ câu trắng ấy nữa. Có lẽ, chúng sẽ hiện diện trong những quán café được bài trí theo lối cũ, tái hiện một quá khứ chưa xa. Đó là cách những thứ bình thường trở thành kỉ vật.
Dòng kí ức miên man đưa tôi về lại thời thơ ấu, cách đây cả mấy cái mười năm. Khi ấy, tôi còn là đứa nhóc con, mới vào tiểu học. Kì tích đầu đời của cô nhóc ốm nheo ốm nhách khi ấy, không phải là biết đọc, biết viết; mà là biết ăn cơm bằng đũa và biết quẹt diêm nhóm bếp.
Trẻ con thời ấy có đứa còn chẳng đi học mẫu giáo, lon ton lên thẳng lớp một. Người lớn cũng chẳng đua nhau bắt bọn nhóc học thêm như bây giờ, dù có muốn học cũng chẳng ai dạy. Biết làm việc nhà và biết ăn cơm bằng đũa có lẽ là “tiêu chí” để xem ai giỏi hơn. Trong nhóm bạn cùng chơi, có mỗi tôi ăn cơm bằng thìa và không biết quẹt diêm để nhóm bếp.
Biết thế, đứa háo thắng như tôi tức tối ra mặt. Quyết tâm tập ăn cơm bằng đũa cho kì được mới thôi. Chỉ mất vài hôm lóng nga lóng ngóng, cuối cùng tôi cũng có một bữa cơm ngon lành và trọn vẹn, không vương vãi hột nào ra ngoài với đôi đũa trên tay. Thế nhưng, việc quẹt diêm nhóm bếp lại là chuyện khác.
Con nít, ăn cơm còn chửa xong thì làm sao nấu nướng được mà le te ở dưới bếp. Hậu đậu, nhỡ may bị bỏng thì còn khổ cả người lớn. Bà tôi vẫn thường nói vậy khi cô cháu gái xuống bếp thỏ thẻ xin nấu cơm giúp bà. Nghe xong câu ấy, tôi chỉ biết tiu nghỉu đi lên nhà.
Hôm ấy, bà tôi về dưới quê ngoại từ tờ mờ sáng. Cả buổi ở nhà với gì út, tôi cố gắng tỏ ra ngoan ngoãn hơn thường ngày, tự giác quét nhà, quét sân mà không cần ai nhắc nhở. Đến trưa, “cô cháu ngoan” mới thỏ thẻ với dì, muốn quẹt diêm để thử nhóm bếp. Tôi háo hức chờ đợi cái gật đầu của dì, cuối cùng dì cũng đồng ý.
Tôi hăm hở lấy bao diêm trên nóc chạn bát. Đầu que diêm hồng hồng, mới xinh xắn làm sao. Chỉ cần quẹt nhẹ một cái thôi mà, chuyện này dễ ợt. Tôi đã thấy bà và dì làm bao nhiêu lần rồi, chẳng lẽ đến lượt mình lại không làm được.
Cầm que diêm đầu tiên lên, tôi vừa quẹt một cái nó đã gẫy làm đôi. Đến que thứ hai, dù đôi tay dùi đục của tôi đã cẩn thận hết sức, nhưng không có ngọn lửa nào xuất hiện. Nài nỉ mãi, dì mới cho tôi đụng vào que diêm thứ ba. Ngọn lửa vừa lóe lên, tôi thích thú ra mặt, hớn hở khoe với dì. Luống cuống thế nào làm que diêm rơi xuống đất, hai dì cháu chỉ biết nhìn nhau cười ngặt nghẽo.
Thời đó, bật lửa ga rất hiếm, hầu như nhà nào cũng dùng diêm. Thỉnh thoảng đi chợ, bà tôi lại mua cỡ năm, sáu bao để dùng dần. Những hộp diêm nhỏ xinh được gói cẩn trong bao giấy màu đỏ bắt mắt. Trên nhà, sẽ có một hộp diêm được cất ngay nóc tủ chè, phòng khi mất điện có cái thắp đèn dầu. Dưới bếp, cái hộp màu tím tím, nâu nâu ấy, được đặt ngay ngắn trên chạn bát để có cái nhóm lửa.
Thi thoảng hàng xóm có người sang xin que diêm, nhưng kiểu gì nếu trong nhà còn dư, bà tôi cũng cho người ta cả bao. Ngày nào tôi cũng đợi diêm hết, rồi nhanh nhảu xin bà cái vỏ hộp để chơi đồ hàng. Hôm đó, con cánh cam xinh xinh sẽ có một ngôi nhà mới.
Năm lớp hai, lần đầu tiên đọc truyện Cô bé bán diêm, tôi đã về quẹt hết một bao diêm để xem đôi dép mới và hộp bút màu mà tôi ao ước có hiện ra trong ánh lửa hay không. Đang hí hửng ngắm những đốm lửa nhỏ và chờ đợi điều kì lạ thì mẹ về. Vừa nghe thấy tiếng xe đạp lạch cà lạch cạnh, tôi luống cuống thu dọn những que diêm cháy tàn dưới đất.
Tối hôm đó, lúc lên giường chuẩn bị đi ngủ, mẹ vẫn còn lẩm bẩm: “Bao diêm mới bóc ra lúc sáng, chẳng hiểu sao lại hết rồi!”. Tôi nằm im trong chăn, lòng thấp thỏm lo lắng.
Vài năm sau, bật lửa ga xuất hiện, những bao diêm Thống Nhất dần bị bỏ xó. Ngày tôi lên cấp hai, chỉ có bà cụ già bán nước ở gần cổng chợ vẫn bán diêm cho khách đến hút thuốc lào, hay rít vài hơi thuốc lá cho đỡ lạnh. Ngày bà cụ mất, bao diêm nhỏ cũng theo người đi về chốn xa. Mùi lưu huỳnh hăng nồng đã không còn phảng phất trong gió.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cau-chuyen-cua-nhung-que-diem-nho-post1025382.html