Câu chuyện đằng sau bức ảnh dự cảm về ngày thống nhất non sông
Phía sau bức ảnh nổi tiếng 'Hai người lính' khi ấy vẫn là chiến trường còn ngổn ngang hầm hào, chiến lũy và cả một sợi dây thừng phân cách hai bên, song thực chất không gì ngăn được ước mong hòa hợp.
Kể từ khi được công bố năm 2007, bức ảnh "Hai người lính" của cựu phóng viên ảnh Việt Nam Thông tấn xã - ông Chu Chí Thành luôn gây chú ý, bởi nó là minh chứng rõ nét cho khát khao hòa hợp dân tộc của người Việt Nam.
Gần đây, bộ 4 ảnh gồm "Hai người lính," "Tay bắt mặt mừng," "Những bàn tay lưu luyến" và "Cầu Quảng Trị" đã giành được Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý về Văn học nghệ thuật.
Điều không xuất hiện trên bộ ảnh là bối cảnh đằng sau mà ít ai biết. Sau khi Hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam năm 1973 được ký, lệnh ngừng bắn có hiệu lực, song chiến trường tại chốt Long Quang, xã Triệu Thạch, tỉnh Quảng Trị bấy giờ vẫn ngổn ngang hầm hào, chiến lũy và vũ khí...
Giữa hai chiến tuyến giăng một sợi dây thừng làm ranh giới. Thế nhưng sợi dây thừng mỏng manh ấy không ngăn nổi những khoảnh khắc thân mật, đầy thương mến giữa những người cùng mang một dòng máu Việt Nam, những người anh em, đồng bào.
Dẫu ít được nói đến hơn, nhưng bức ảnh thứ tư - "Cầu Quảng Trị" cũng mang tính biểu tượng không kém phần quan trọng. Thay lời tác giả, cây cầu dẫu đổ nát, nhưng lại thay lời dự báo cho buổi hừng đông của tương lai thống nhất, giống như chính cái bá vai đã diễn ra một cách rất tự nhiên của hai người lính nọ./.