Câu chuyện đằng sau 'cơn địa chấn' Hồ Thiên Nga của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam
Vở ballet Hồ Thiên Nga do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) trình diễn thời gian qua đã tạo nên cơn 'địa chấn' về nghệ thuật tại Việt Nam với nhiều nguyên nhân. Trong đó, dàn diễn viên trẻ đầy tài năng là một trong những lý do chính để kéo khán giả đến với sàn diễn.
Trong khi cặp Thu Huệ - Đàm Hàn Giang xuất hiện trong vai Hoàng tử Siegfried và Công chúa Odette với sự chín chắn, kỹ năng và bản lĩnh sân khấu thì cặp Văn Nam - Thu Hằng lại thể hiện được sự mong manh như những đám mây, thuần khiết như những viên pha lê, mang hơi thở của những câu chuyện cổ tích. Từ câu chuyện của những nghệ sĩ trẻ, bằng tình yêu, niềm đam mê với nghệ thuật, sẵn sàng gạt qua nỗi lo cơm áo, có thể hy vọng và tin tưởng vào một sự phát triển nghệ thuật ballet, nhạc vũ kịch của Việt Nam trong tương lai.
Thu Hằng là một diễn viên múa tuy không quá trẻ, nhưng được thử sức ở nhiều chuyên ngành múa khác nhau. Nói về cơ duyên đến với múa, Hằng chia sẻ: "Lúc còn nhỏ, mình ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang. Nhưng một lần được ông nội dẫn đi chơi ở Cung thiếu nhi Hà Nội, mình mải mê ngắm các bạn múa. Về nhà, ông đã nói với bố mẹ cho mình đi học múa. Vậy là, mình bén duyên với múa từ đó và đến nay đã được 22 năm".
Tốt nghiệp Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) năm 2011, nhưng mãi đến năm 2016, Thu Hằng mới về đầu quân cho VNOB qua tài thuyết phục của NSƯT Trần Ly Ly. Hằng đã giành được nhiều giải thưởng về múa, trong đó có Huy chương Vàng tại Liên hoan nghệ thuật 4 nước Đông Dương năm 2014 trong tác phẩm "Hạn hán" và tác phẩm "Mùa xuân thiêng liêng" tại Liên hoan múa quốc tế năm 2017. Cô cũng đóng vai chính trong nhiều tác phẩm múa nổi tiếng như Mối tình thành cổ, Cái chết và cô gái, Bobro, LeBanc…
Nói về vai diễn của mình trong Hồ Thiên Nga, Thu Hằng tâm sự: "Đây là vai diễn đầy thử thách. Nàng Odette tinh khiết như một viên pha lê, trong suốt và mong manh, đau khổ nhưng vẫn luôn tồn tại sự khao khát về một tình yêu mãnh liệt. Với tính cách vai diễn như vậy, muốn lột tả được hết vẻ đẹp trong sáng ấy, người diễn viên phải rũ bỏ được hoàn toàn những góc tối trong con người, khơi gợi và nuôi dưỡng những gì trong sáng và thuần khiết của bản thân khi hóa thân thành nàng thiên nga Odette".
"Hoàng tử" của Thu Hằng trong Hồ Thiên Nga là nghệ sĩ trẻ Văn Nam, một hoàng tử đúng nghĩa về ngoại hình. Được mệnh danh là "Nam Tây", Văn Nam từng giành giải thưởng Diễn viên múa xuất sắc nhất Cuộc thi Liên hoan Múa quốc tế năm 2017. Học tập tại cái nôi của đào tạo ngành múa Việt Nam đúng chuyên ngành Ballet - Đương đại, Văn Nam từng được biết đến qua các vai chính trong Kẹp hạt dẻ, Hồ Thiên Nga, Mùa xuân thiêng liêng, Vườn địa đàng, Người đãng trí, Đèn lồng, Mùa Đom đóm, Gió, Bến bờ, Cái chết và cô gái, Bolero….
Trong vai Hoàng tử Siegfried, không ý lại vào lợi thế về ngoại hình cùng với kỹ năng sân khấu và kinh nghiệm trên sàn diễn Ballet, Văn Nam luôn có tâm thế sẵn sàng học hỏi những thần tượng Ballet trên thế giới đã từng rất thành công trong vai diễn này. Anh chia sẻ: "Tôi luôn dành thời gian xem lại các kỹ thuật trình diễn của những vũ công Ballet nổi tiếng thế giới, đặc biệt là khi được giao vai Hoàng tử Siegfried. Tôi rất thích cách trình diễn đầy ma lực nhưng cũng rất nam tính của diễn viên múa Andris Liepa (Nga). Nhưng tất nhiên, xem là để học, để tìm ra những nét riêng cho bản thân mình khi biểu diễn trên sân khấu. Còn quan trọng nhất của một diễn viên là tạo ra những đặc trưng của riêng mình trong mỗi vai diễn, để công chúng không thể nào quên".
Là những diễn viên múa hết mình cho sự nghiệp, Thu Hằng, Văn Nam hay cả Thu Huệ, Đàm Hàn Giang, NSƯT Thu Quỳnh, và nhiều diễn viên khác, đều đang phải đánh đổi nhiều thứ khác trong cuộc sống để gắn bó với nghiệp múa. Được biết, để có được thành công trên sân khấu Hồ Thiên Nga nói riêng và Ballet Việt nói chung, các diễn viên múa đã phải đồ mồ hôi, nước mắt và cả máu trên sàn diễn mỗi ngày, từ 8h sáng đến 5h chiều, trong suốt 6 tháng trời. Không chỉ dừng lại ở đó, mỗi khi màn đêm buông xuống, xong hết công việc thường nhật trong gia đình, họ lại "lén lút" xem lại những màn diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng hay học lại những kỹ năng đã tập trong ngày.
Thậm chí, họ còn phải bỏ đi những show diễn kiếm thêm chút tiền ngoài trong suốt thời gian tập trung cho Hồ Thiên Nga để có thể tỏa sáng trên sân khấu. Nhọc nhằn là vậy, khổ luyện là thế, nhưng mức lương và cả thù lao diễn cộng thêm bồi dưỡng tập cho một soloist chỉ vài triệu đồng.
Tính đến thời điểm này, có lẽ chỉ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) mới có thể cho ra mắt một Hồ Thiên Nga với toàn bộ 4 chương và có đầy đủ 2 ekip. Đây được coi là một nỗ lực không mệt mỏi của Ban lãnh đạo và cán bộ, diễn viên của Nhà hát. Nhưng không chỉ dừng lại là đơn vị biểu diễn, VNOB còn đã, đang và sẽ là nơi ươm mầm và phát tiết những tài năng nghệ thuật của Việt Nam để nâng tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Với những ekip như Thu Huệ - Đàm Hàn Giang, Thu Hằng - Văn Nam hay những cặp soloist trong tương lai, với sự định hướng đầy sáng suốt của NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc Nhà hát, "đoàn tàu" VNOB chắc chắn sẽ tiến bước xa hơn với Hồ Thiên Nga nói riêng và các tác phẩm khác nói chung trong năm tới. Điều quan trọng nhất hiện nay là cơ chế đặc thù cho những tài năng nghệ thuật nói chung và Ballet nói riêng để có được chính sách đào tạo dài hơi, từ khâu phát hiện đến đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ. Điều đó mới có thể giúp cho Ballet nói riêng và nghệ thuật hàn lâm nói chung có được nguồn nhân lực xứng tầm, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của công chúng hiện đại và khẳng định vị thế trong thời kỳ hội nhập./.