Câu chuyện đầy nghị lực của cậu bé câm điếc bẩm sinh
Ngay từ khi sinh ra, cậu bé Tạ Việt Vượng (sinh năm 2011) đã không thể nghe và nói. Để chắp cánh cho tương lai của con trai, mẹ của Việt Vượng đã không màng khó khăn, vất vả để chuẩn bị cho con hành trang tốt nhất trên đường đời.
Câu chuyện đầy ấm áp về tình mẫu tử và hành trình vượt qua nghịch cảnh của Tạ Việt Vượng sẽ được kể lại trong Trạm yêu thương với chủ đề “Luôn bên con”.
Tạ Việt Vượng là con trai cả của chị Tống Thị Nga(Huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Vượng sinh ra đã là một cậu bé bị điếc bẩm sinh.
Chị Nga cho biết: “Có 5 cấp độ của bệnh điếc thì con đã bị điếc ở cấp độ 4. Khi mới chào đời,Vượng không thấy biểu hiện nào bất thường cả. Cậu bé rất nhanh nhẹn, bụ bẫm, chỉ khoảng 15 ngày tuổi đã biết bi bô hóng chuyện”.
Cho đến 7 tháng tuổi, chị Nga thấy các anh chị nghịch ngợm trêu đùa ở bên cạnh mà Vượng vẫn ngủ rất ngoan, không có phản ứng gì. Linh cảm của người mẹ đã nhắc nhở chị Nga, đến 10 tháng tuổi chị Nga đã đưa Vượng đi khám nhưng bác sĩ bảo có thể Vượng chỉ chậm nói chứ không có vấn đề gì.
Đến khi Vượng 1 tuổi mà vẫn không thấy con trai nói, chị Nga đã đưa con lên Hà Nội khám thì nhận được chuẩn đoán Vượng bị điếc cấp độ 4.
Nghe chẩn đoán từ bác sĩ, chị Nga như đứt từng khúc ruột, nhưng không để bản thân suy sụp lâu, chị đã cố gắng gạt đi những đau thương, chấp nhận vất vả để đồng hành cùng con.
Ở Nam Định, chị Nga là một công nhân may, còn chồng là công nhân. Kinh tế gia đình vốn khó khăn, giờ lại càng chật vật hơn. Thế nhưng, để con có tuổi thơ đầy đủ như bao bạn bè cùng trang lứa, vợ chồng chị Nga đã không quản khó khăn vất vả, làm ngày làm đêm, dành dụm tiền bạc mua cho Vượng một máy trợ thính, mong đó là phương tiện giúp con tìm hiểu và khám phá thế giới.
Đến tuổi đi nhà trẻ, khó khăn lại chồng chất khó khăn khi Vượng khó hòa nhập cũng các bạn bình thường. Chị Nga đã quyết định đưa Vượng đến trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật tại thành phố Nam Định, nhưng linh cảm của người mẹ nhận thấy đây chưa phải là nơi dành cho Vượng, vì chị mong muốn con trai được học ở một môi trường tốt hơn, hướng tới tương lai tươi sáng.
Từ đó chị đưa Vượng lên Hà Nội để học tại trường Nhân Chính. Lúc này chị Nga lặn lội với đủ mọi nghề để lo cho con đi học, chị đi rửa bát thuê, bán đồng nát, đi trông trẻ,…
Mặc dù
bản thân gặp nhiều thiệt thòi, nhưng Vượng luôn mong muốn mình được hòa nhập với đám bạn cùng trang lứa. Thích những chỗ đông người, khát khao được lớn lên như bao đứa trẻ khác, Vượng luôn muốn gặp gỡ thật nhiều người, được đi nhiều nơi để khám phá thể giới.
Chị Nga chia sẻ: “Bản thân bố mẹ chỉ vất vả nửa đời thôi, nhưng mà con sẽ vất vả cả đời”. Vì thế, chị luôn mong muốn làm những gì tốt nhất có thể cho Vượng, vất vả đến mấy cũng phải cho con đi học. Đi học là một bước tiến để trang bị cho tương lai tốt hơn. Nếu có kiến thức thì con sẽ đỡ vất vả.
Điều chị Nga mong muốn nhất là Vượng có thể học tập và chinh phục những cột mốc mới trên con đường học vấn. Món quà của Trạm yêu thương sẽ phần nào san sẻ gánh nặng trên vai người mẹ tảo tần hết lòng vì con trên chặng đường còn rất nhiều gian nan phía trước.
Câu chuyện cảm động về tình mẫu tử của chị Tống Thị Nga và cậu bé Tạ Việt Vượng chắc chắn sẽ lấy đi nước mắt của khán giả Trạm yêu thương trong khung giờ quen thuộc 10h00 thứ Bảy ngày 02/11/2024 trên kênh VTV1.