Câu chuyện dưới mái nhà sàn

Cánh đồng Bản Pàu vừa gặt xong một vụ lúa, chỉ còn lại những gốc rạ. Tuyến đường dài lên thôn có mùi khói đốt đồng cay cay nơi sống mũi, mùi sữa non của hương cốm mới và cả vị mặn mòi của những giọt mồ hôi. Cuối đường là những nếp nhà sàn được bà con dân tộc Tày bảo tồn nguyên vẹn. Tất cả tạo nên bức tranh xóm núi đẹp và yên bình.

Người Tày ở Dương Quỳ (Văn Bàn) giữ nếp nhà sàn như giữ hồn cốt của dân tộc mình. Những căn nhà sàn lợp mái cọ kề vai nhau yên bình dưới chân núi, mặt hướng ra cánh đồng Bản Pàu, Tông Pháy, Tông Hốc, suối Nậm Chăn hiền hòa, chở che cho biết bao thế hệ sinh ra và lớn lên ở nơi này.

Nhà sàn 3 tầng của cụ Hoàng Văn Khiêm ở thôn Bản Pàu hôm nay nhộn nhịp. Một số du khách ghé thăm, tìm hiểu về kiến trúc, 2 nhiếp ảnh gia đang chọn những góc đẹp trong căn nhà để thực hiện bộ ảnh. Dưới bếp, những thanh gỗ đã ngả sang màu đen vì ám khói nhiều năm, chõ xôi đưa mùi cơm mới, cụ Hoàng Văn Khiêm cùng các con, cháu và bà con trong thôn ngồi bên bếp lửa ôn lại chuyện xưa. Cụ Khiêm năm nay 86 tuổi, là một trong những người cao tuổi nhất thôn Bản Pàu.

Căn nhà của cụ Khiêm là chứng nhân của thời gian. Cuộc đời cụ gắn với căn nhà sàn bao nhiêu năm là từng ấy thời gian cụ được nhìn lớp con cháu sinh ra, trưởng thành trong nếp nhà thân thuộc. Từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, gia đình cụ Khiêm khi đó có 21 thành viên cùng chung sống. Vì muốn con cháu quây quần trong một nhà, cụ Khiêm quyết định thiết kế căn nhà sàn theo kiến trúc truyền thống gồm 3 gian, 2 chái nhưng dựng cao 3 tầng. Ròng rã gần 4 năm, cụ Khiêm cùng người thân nắm cơm, gói muối vào rừng chọn những cây gỗ đinh to, đẹp để làm nhà. Những ngày ngủ trong rừng, ăn cơm với muối, chuối rừng nướng, dùng cưa tay xẻ cây rừng mới có được gỗ dựng nhà. Cụ Khiêm nhớ lại: "Ngày đó, trong rừng còn nhiều gỗ to, vài người ôm không xuể; chặt, dùng cưa tay xẻ rồi đục, đẽo 4 cây rừng làm được 24 cột nhà. Bây giờ những cây gỗ quý như vậy không còn nữa".

Năm 1982, căn nhà được dựng có sự chung tay, giúp sức của cả làng. Đến nay, căn nhà đã tồn tại được 41 năm nhưng cụ chưa từng một lần phải sửa chữa. Cách đây 1 năm, cụ chỉ chà lại để cột bóng, đẹp hơn. Các con, cháu của cụ đều đã có gia đình riêng nhưng trong nhà sàn 3 tầng hiện vẫn có 4 thế hệ chung sống. Trong căn nhà đặc biệt này, mỗi dịp tết đến, con cháu tập trung đông đủ, cùng nhau nấu cơm, vui chơi, ca hát…

Trong căn bếp được dựng bên phải nhà sàn, cụ Khiêm chỉ tay vào chõ xôi: "Chõ này được làm năm tôi 7 tháng tuổi. Cái chõ bằng tuổi đời của tôi nhưng vẫn bền, chắc, gia đình vẫn dùng để xôi cơm nếp thường xuyên. Tôi vẫn dặn con, cháu cố gắng gìn giữ những đồ vật và nét văn hóa truyền thống của dân tộc, nếu để mất đi, sau này không thể tìm lại được".

Không chỉ nhà cụ Khiêm, các thôn có người Tày sinh sống ở Dương Quỳ như Khuân Đo, Bản Pàu, Tông Pháy, Tông Hốc... vẫn giữ được nhiều căn nhà có tuổi đời vài chục năm.

Xã Dương Quỳ hiện có 1.300 hộ dân, trong đó có khoảng 800 gia đình còn gìn giữ nếp nhà sàn truyền thống. Đồng bào Tày Dương Quỳ ngày nay đa phần gìn giữ tiếng nói riêng của dân tộc; phụ nữ mặc váy đen, đầu đội khăn vuông. Nhiều hộ vẫn tự thêu, may trang phục truyền thống; tự dệt vải làm đồ thổ cẩm; ngày lễ, tết cùng nhau “túc mắc lẹ” đánh yến, ném còn, hát then... Trong mỗi nếp nhà, nhịp sống sôi động thường ngày hòa trong nét văn hóa truyền thống tạo nên dấu ấn riêng được bảo tồn qua nhiều thế hệ.

Những căn nhà sàn “nép mình” bên núi rừng, ruộng lúa thơ mộng và yên bình thu hút du khách tìm đến trải nghiệm, khám phá. Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch, chính quyền địa phương khuyến khích người dân bảo tồn và phát huy giá trị của nhà sàn truyền thống. Riêng thôn Bản Pàu hiện có 17 hộ đủ điều kiện về cơ sở vật chất và khả năng đón khách du lịch, tương lai có thể phát triển thành homestay phục vụ nhu cầu lưu trú, trải nghiệm của du khách.

Đồng chí La Xuân Thắm, Bí thư Đảng ủy xã Dương Quỳ tự hào: Người dân nhiệt tình hưởng ứng chủ trương của chính quyền địa phương. Các hộ chỉnh trang nhà ở, quét dọn đường làng, ngõ xóm, trồng thêm nhiều hoa và cây xanh quanh nhà. Xã Dương Quỳ đã khuyến khích được 2 hộ phát triển nhà sàn truyền thống làm homestay và đã có khách du lịch biết tới. Đây là những homestay mẫu để các gia đình có nhu cầu tới học hỏi, cùng nhau phát triển.

Đi cùng Bí thư Đảng ủy xã, chúng tôi lên thôn Khuân Đo. Bên Quốc lộ 279, Chén homestay nổi bật bởi căn nhà sàn truyền thống nhưng được sơn sửa, trang trí bắt mắt với nhiều đồ vật mang nét đặc trưng của dân tộc Tày như thổ cẩm, váy, áo Tày... Chén homestay độc đáo từ tên gọi đến không gian. Hiện homestay này có thể đón tối đa 30 khách cùng lúc, bao gồm không gian ở tập thể và một số phòng riêng. Chén homestay bắt đầu đón khách vào dịp 2/9 năm nay, đến nay đã có lượng khách ổn định, đặc biệt vào dịp cuối tuần.

Bí thư Đảng ủy xã Dương Quỳ cho biết: Chén homestay giống như một cơ sở lưu trú mẫu tại địa phương. Chúng tôi khuyến khích các hộ giữ nguyên những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, sử dụng các vật dụng thường ngày để trang trí. Địa phương mong trong tương lai Chén homestay sẽ là trạm thông tin du lịch để phân phối khách du lịch đến các nhà sàn khác, chung tay đưa Dương Quỳ trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Rời Chén homestay, chúng tôi tiếp tục ngược con dốc nhỏ tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Ngay, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Khuân Đo. Sau khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đi tham quan, học tập tại một số điểm du lịch cộng đồng, chị Ngay đã chỉnh trang lại nhà ở, mua sắm thêm một số vật dụng cần thiết, biến ngôi nhà đang ở thành điểm lưu trú cho du khách. Hiện nhà sàn của chị Ngay đủ cho khoảng 25 đến 30 khách nghỉ tập thể.

Chị Ngay chia sẻ: "Từ dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, nhà bắt đầu có khách đến nghỉ. Ngoài ngủ, sử dụng các dịch vụ ẩm thực, tôi huy động câu lạc bộ văn nghệ của Chi hội Phụ nữ thôn đến biểu diễn khi khách có nhu cầu, vừa quảng bá nét đẹp văn hóa vừa mang lại thu nhập cho chị em".

Chị Ngay chủ yếu giới thiệu nhà ở của gia đình trên mạng xã hội và thông qua khách hàng giới thiệu, lượng khách đặt nghỉ tương đối đều. Để người dân có kỹ năng làm du lịch, trước đó xã Dương Quỳ đã lựa chọn 30 gia đình có nhà sàn đẹp tham gia trải nghiệm, học kinh nghiệm, đào tạo kỹ năng đón khách; lựa chọn một số người dân có nhu cầu để đưa đi thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa đào tạo về kỹ năng dịch vụ, du lịch.

Rời những mái nhà sàn, chúng tôi đi bộ ngược ra khu vực trung tâm xã, bắt gặp những chiếc xe máy ngược xuôi trên đường chở thóc từ ruộng về thôn. Tại các nhà sàn, những sàn ngô, thóc mới vàng óng. Xa xa, khói đốt rơm đồng quyện chặt vào nhau, bay lên, hòa vào trời xanh. Tiếng mõ trâu tạo nên âm thanh quen thuộc… Cuộc sống no ấm hiện hữu trên bản làng người Tày bên dòng suối Chăn.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/cau-chuyen-duoi-mai-nha-san-post375324.html