Câu chuyện hôm nay: Hà Nội hỗ trợ nghệ nhân và người thực hành di sản văn hóa
Hà Nội là vùng đất ngàn năm văn hiến với hệ thống di sản văn hóa dày đặc, phong phú. Không chỉ lưu giữ ký ức lịch sử, đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân mà còn góp phần tạo nên bản sắc riêng có của Thăng Long - Hà Nội. Góp phần lưu giữ, phát huy những giá trị đó, có sự đóng góp không nhỏ của các thế hệ nghệ nhân – những người sáng tạo, sở hữu, bảo vệ và trao truyền di sản văn hóa. Qua 3 đợt phong tặng danh hiệu Nhà nước cho các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú vào các năm 2015, 2019, 2022, Hà Nội vinh dự đứng đầu cả nước về số lượng nghệ nhân được phong tặng, với 18 Nghệ nhân nhân dân và 113 Nghệ nhân ưu tú.
Tự hào với truyền thống văn hóa dân tộc và hết lòng với công tác đào tạo, truyền dạy....đó là điểm chung của các nghệ nhân dân gian khi đã chọn cho mình con đường bền bỉ theo đuổi nghệ thuật truyền thống.
Sinh ra và lớn lên ở các miền quê của Hà Nội xưa – là nơi có truyền thống văn hóa, lịch sử, nơi lưu giữ vốn dân ca nhạc cổ của dân tộc. Một cách rất tự nhiên, tình yêu với văn hóa truyền thống đã thấm vào các nghệ nhân từ khi nào, để rồi bền bỉ theo thời gian, lớp lớp thế hệ truyền lại cho nhau, để cùng bảo tồn, gìn giữ.
Không chỉ say mê với hoạt động biểu diễn, công tác truyền dạy cho thế hệ trẻ cũng được các nghệ nhân dành nhiều tâm huyết. Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát Dô ở thôn Liệp Tuyết xã Quốc Oai, Hà Nội, ngay từ đầu những năm 2000, khi còn là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Liệp Tuyết, bà đã cất công sưu tầm các làn điệu, thể thức và kỹ năng diễn xướng của Hát Dô, đồng thời vận động thanh thiếu niên tham gia học hát. Thành lập Câu lạc bộ Hát Dô với 30 thành viên, hoạt động sôi nổi và đưa phong trào Hát Dô của xã Liệp Tuyết ngày càng phát triển, góp phần để Hát Dô được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Mặc dù đóng góp rất lớn vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, tuy nhiên, đời sống của các nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể còn nhiều khó khăn. Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 75% nghệ nhân là người cao tuổi, 60% nghệ nhân có cuộc sống gắn liền với nông nghiệp, nông thôn và 50% nghệ nhân sinh sống ở các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Có rất nhiều khó khăn với các nghệ nhân dân gian và thường trực hơn cả là nỗi lo cơm áo gạo tiền, điều đó khiến cho họ chỉ có thể bám trụ với nghề bằng niềm đam mê, như là các nghệ nhân của phường múa rối nước dân gian Đào Thục, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Tâm huyết, say mê với nghệ thuật bao nhiêu thì nỗi lo canh cánh về việc ngày càng thiếu đi thế hệ trẻ kế cận lại thường trực với các nghệ nhân, bởi họ hiểu rằng, khi mà tuổi cao sức yếu thì mong mỏi được trao truyền lại càng thôi thúc hơn.
Kể từ khi có đợt phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian lần đầu tiên vào năm 2001, do Hội Văn nghệ dân gian trao cho những người có có nhiều công lao, đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đến nay đã 23 năm, nhưng các chính sách đãi ngộ dành cho nghệ nhân trong lĩnh vực này vẫn còn rất hạn chế, đòi hỏi các địa phương phải có sự hỗ trợ các nghệ nhân, để họ yên tâm bám trụ với nghề, tiếp tục cống hiến. Vì vậy, ngày 08/12/2022, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết 23 về quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ nghệ nhân, câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Nghị quyết được ban hành với mục tiêu nhằm bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố, tránh nguy cơ mai một, thất truyền; đồng thời góp phần hỗ trợ nghệ nhân, câu lạc bộ thuận lợi hơn trong thực hành, bảo vệ, phát huy giá trị di sản.
Việc triển khai Nghị quyết 23 của thành phố Hà Nội qua 2 năm 2023 - 2024 đã hỗ trợ nghệ nhân tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây cũng là động lực tinh thần rất lớn với các nghệ nhân khi họ đã trải qua một quá trình dài bảo tồn di sản văn hóa bằng niềm đam mê và nỗ lực rất lớn.
Việc hỗ trợ nghệ nhân dân gian trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể không chỉ bao gồm các các giải pháp trước mắt, mà còn phải bảo đảm hiệu quả lâu dài để giải quyết được cùng lúc hai vấn đề, đó là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nghệ nhân và tạo điều kiện để họ phát huy được tài năng, trí tuệ, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước nói chung, của Hà Nội nói riêng. Vì vậy, ngày 28/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với những quy định về cơ chế, chính sách đặc thù, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội, trong đó có chính sách liên quan đến hỗ trợ nghệ nhân dân gian và người thực hành di sản văn hóa.
Việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô sửa đổi, trong đó có chính sách hỗ trợ nghệ nhân dân gian và những người thực hành di sản văn hóa, thật sự có ý nghĩa rất lớn, giúp các nghệ nhân vơi bớt khó khăn, tiếp tục cống hiến, đóng góp tài năng và trí tuệ vào công cuộc bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.
Cùng với việc Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8 và việc tích cực triển khai đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) vào cuộc sống, hứa hẹn sẽ tiếp sức cho nghệ nhân trên hành trình lao động và cống hiến, đóng góp vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc.
Dành cả cuộc đời gắn bó với văn hóa truyền thống bằng niềm đam mê và sự cống hiến, việc hỗ trợ nghệ nhân dân gian trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể bằng các chính sách đồng bộ, thiết thực, chính là góp phần giảm nhẹ gánh nặng mưu sinh, tiếp sức cho nghệ nhân trên con đường bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa, cũng là để cho họ được toàn tâm toàn ý cống hiến tài năng, trí tuệ và kinh nghiệm của mình, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và cho thế hệ mai sau.