Câu chuyện kỳ lạ về chú voi hoang dã từ chối trở lại rừng
Sau khi được giải cứu khỏi giếng sâu, chú voi con hoang dã không chịu quay về với đàn voi trong rừng mà quấn quýt bên những ân nhân đã cứu sống mình và được chăm sóc đặc biệt như một đứa trẻ sơ sinh.
Chú voi con không chịu rời ân nhân cứu mạng
Theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh còn khoảng 60 cá thể voi hoang dã và 35 voi nhà. Trong số đó, có một chú voi con hoang dã từng được giải cứu khỏi một chiếc giếng sâu, nhưng từ đó không chịu quay trở lại với đàn voi trong rừng mà quấn quýt, bám riết những người đã cứu sống mình.
Câu chuyện đầy xúc động nói trên vừa được ông Nguyễn Công Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk chia sẻ tại hội thảo "Phúc lợi động vật trong hoạt động giải trí – Câu chuyện voi nuôi nhốt" được tổ chức Trường Đại học Tây Nguyên.

Hình ảnh chú voi con bám theo những người đã cứu và chăm sóc mình .(Ảnh: Trung tâm bảo tồn voi).
Theo lời kể của ông Chung, vào ngày 28/3/2016, Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk nhận được tin báo từ huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) về việc một chú voi đực khoảng 3 tháng tuổi bị rơi xuống giếng sâu trong một khu rẫy. Ngay lập tức, lực lượng cứu hộ đã lên đường đến hiện trường.
Sau nhiều nỗ lực, chú voi con được đưa lên khỏi giếng trong tình trạng kiệt sức, gầy yếu, nặng khoảng 100kg và vẫn còn đang trong độ tuổi bú sữa mẹ. Không thể ăn được thức ăn tự nhiên, voi con cần được chăm sóc đặc biệt. Thấu hiểu điều đó, ông Chung cùng các cán bộ của Trung tâm đã ra khu dân cư gần nhất, tìm mua sữa bột trẻ em và xin nước ấm để pha, mang vào rừng cho voi con uống.
Những giọt sữa ấy không chỉ giúp chú voi hồi phục mà còn khiến nó gắn bó với những con người đã dang tay cứu mạng mình. Trong những ngày tiếp theo, cán bộ Trung tâm tiếp tục chăm sóc, đồng thời tìm dấu vết để đưa voi con trở lại với voi mẹ ở trong rừng.
Chiều 4/4/2016, sau khi phát hiện một đàn voi rừng, hai cán bộ Trung tâm đã dẫn chú voi đến gần đàn với hy vọng mẹ con nhận ra nhau. Thế nhưng, khi lực lượng rút lui, voi con lập tức quay đầu chạy theo. Lúc này, hai cán bộ đã chia ra hai hướng để rời đi, mong chú voi sẽ hòa nhập với đàn. Đứng ngơ ngác, không biết đi theo ai, chú voi đã đứng lại.

Ông Nguyễn Công Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk chia sẻ về câu chuyện đặc biệt của chú voi Gold.
Ông Chung tiếp lời: "Tối cùng ngày, khoảng 10 giờ đêm, một số tài xế xe tải chạy trên tuyến đường từ huyện Ea Súp đến huyện Cư M’gar phát hiện chú voi con lững thững đi bên đường. Nhận được tin báo, lực lượng cứu hộ lập tức đến hiện trường và xác nhận đó chính là con voi vừa được thả về rừng vào buổi chiều. Lực lượng của Trung tâm Bảo tồn voi nhanh chóng đưa chú voi con này đến khu rừng gần hồ Ea Súp Thượng để chăm sóc, cho ăn, uống sữa".
Sau đó, Trung tâm tiếp tục nhiều lần tái thả voi con về rừng nhưng bất thành. Không còn cách nào khác, họ buộc phải đưa chú về khu bán hoang dã để chăm sóc lâu dài và đặt tên là Gold, với mong muốn chú voi này sẽ luôn mạnh khỏe, tỏa sáng như tên gọi của mình.
Để Gold hồi phục, các cán bộ đã chăm sóc từng li từng tí như nuôi một đứa trẻ sơ sinh. "Ban đêm, cứ cách 3 tiếng là anh em thay nhau thức dậy cho Gold uống sữa. Có hôm ngủ quên, chú voi kêu ầm ĩ", ông Chung nói.
Đến nay, Gold đã được 9 tuổi, nặng khoảng 1,6 tấn, rất khỏe mạnh, thông minh và tinh nghịch. Đặc biệt, Gold là cá thể voi duy nhất tại Trung tâm được tổ chức sinh nhật hàng năm vào đúng ngày 28/3 – ngày đánh dấu "lần sinh ra thứ hai" trong cuộc đời chú voi này.
Phúc lợi động vật và bài toán bảo tồn voi nhà
Cũng theo thông tin từPhó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk, hiện nay phần lớn voi nhà trên địa bàn tỉnh đã vượt qua độ tuổi sinh sản.
Trước thực trạng này, năm 2016, Trung tâm đã tiến hành ghép đôi cho 5 voi cái với voi đực, trong đó có 3 con mang thai và sinh sản. Thế nhưng, cả 3 voi con đều tử vong do ngạt khi sinh.
Trước nguy cơ suy giảm số lượng voi nhà, Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk đang đề xuất nhiều giải pháp bảo tồn, nhằm duy trì và phát triển đàn voi – một biểu tượng văn hóa đặc sắc và là "linh hồn" của vùng đất Tây Nguyên.
Theo ông David Neale, Giám đốc toàn cầu về Tri giác và phúc lợi động vật – Tổ chức Động vật Châu Á cho biết, voi là một biểu tượng văn hóa - tự nhiên quan trọng. Voi đã đồng hành cùng con người trong nhiều thế kỷ.

Đến nay, chú voi Gold đã được 9 tuổi, nặng khoảng 1,6 tấn, phát triển rất khỏe mạnh. (Ảnh: Trung tâm bảo tồn voi).
Tại tỉnh Đắk Lắk, voi nhà đã giảm đáng kể so với 500 con vào năm 1985. Để cải thiện phúc lợi, voi cần được trao cơ hội đưa ra lựa chọn khi nào đi tìm kiếm thức ăn, khi nào khám phá môi trường và khi nào giao tiếp xã hội.
Phúc lợi của voi tại các khu du lịch có thể khác nhau tùy thuộc vào phương pháp quản lý, trình độ chuyên môn, nguồn lực và từng cá thể voi. Những cá thể voi được quản lý bằng phương pháp củng cố tích cực có thể ít trải qua lo lắng hoặc sợ hãi trong quá trình huấn luyện, từ đó góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác hơn giữa nhân viên và động vật.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Hạnh, Trưởng Khoa Chăn nuôi thú y Trường Đại học Tây Nguyên cho rằng, phúc lợi động vật là yếu tố then chốt để phát triển ngành chăn nuôi một cách bền vững. Khi áp dụng phúc lợi, động vật nuôi có chất lượng sản phẩm tốt hơn, giá trị cao hơn. Hơn nữa, chăn nuôi đảm bảo phúc lợi là hòa nhập với sự phát triển của khu vực và quốc tế.