Câu chuyện lịch sử thú vị phía sau chiếc bánh khúc cây mùa Giáng sinh

Chiếc bánh khúc cây gồm bánh gato chocolate nhân kem cuộn lại thành hình trụ và phủ một lớp kem bơ chocolate dày được tạo hình vỏ cây, sau đó phủ một lớp đường bột để tạo hiệu ứng tuyết rơi...

Bánh khúc cây của một shop online tại Hà Nội. (Nguồn: Vietnam+)

Bánh khúc cây của một shop online tại Hà Nội. (Nguồn: Vietnam+)

Một trong số những món ngọt được ưa chuộng nhất trong dịp Giáng Sinh là bánh khúc cây. Nhưng ngay cả với những người theo đạo Công giáo, không phải ai cũng biết hết ý nghĩa thực sự của loại bánh này.

Phong tục đốt khúc củi Yule có thể bắt nguồn từ thời Trung Cổ hoặc trước đó. Ghi chép đầu tiên về tục đốt “khúc củi Giáng sinh” là trong thơ ca vào năm 1648. Thuật ngữ “Khúc củi Yule” được ghi chép lần đầu tiên vào năm 1686. Có vẻ như ban đầu nó là một của người Bắc Âu, bởi Yule là tên của các lễ hội Đông chí ở Scandinavia và các vùng Bắc Âu khác chẳng hạn như Đức.

Khúc củi Yule có thể là một thân cây hoàn chỉnh hoặc một khúc gỗ rất lớn, được lửa chọn cẩn thận và mang vào nhà trong một nghi thức long trọng, gồm cả ca hát, rượu táo và bia. Khúc gỗ lớn đến mức phải cần nhiều người đàn ông khỏe mạnh để kéo về. Đầu lớn nhất của khúc gỗ được đặt trong lò sưởi trong khi phần còn lại nhô ra ngoài phòng.

Khúc củi này sẽ được tưới bia và châm lửa bằng phần còn lại của khúc gỗ năm ngoái được cất giữa cẩn thận và được đốt từ từ trong suốt 12 ngày của kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh. Một khúc gỗ nhỏ hơn có thể được đốt thêm vào mỗi tối trong suốt 12 ngày Giáng Sinh. Người ta cho rằng quá trình đốt lửa phải do một đôi bàn tay sạch sẽ thực hiện.

Tập tục đốt củi Yule ở các quốc gia khác nhau

Tại Anh, việc đốt lửa đêm Đông được gọi là Yuletide, bắt nguồn từ chữ Yule trong tiếng Anh cổ. Trải qua thời gian, cái tên Yule log đã xuất hiện, trở thành tên gọi của món bánh này như chúng ta biết hiện nay: Christmas Yule Log.

 Tấm bưu thiếp mô tả cảnh kéo khúc cây về cho ngày Giáng sinh. (Nguồn: blogger.googleusercontent.com)

Tấm bưu thiếp mô tả cảnh kéo khúc cây về cho ngày Giáng sinh. (Nguồn: blogger.googleusercontent.com)

Ở Provence (Pháp), theo truyền thống, các gia đình sẽ cùng nhau chặt khúc cây và dốt dần mỗi đêm. Phần gỗ còn sót lại sau đêm thứ 12 sẽ được cất giữ an toàn trong nhà cho đến Giáng Sinh năm sau.

Phong tục này cũng tương tự như tại một số vùng của Hà Lan, nhưng tại đó khúc gỗ được cất giữ dưới gầm giường. Tại một số nước Đông Âu, khúc gỗ được chặt vào buổi sáng của ngày Giáng Sinh và đốt vào tối hôm đó.

Ở Cornwall (Anh), khúc gỗ được gọi là “The Mock.” Khúc cây sẽ được phơi khô và sau đó được lột vỏ trước khi được mang vào nhà để đốt. Cũng tại Anh, những người làm thùng gỗ hay còn gọi là Coopers theo các gọi truyền thống sẽ đưa cho khách hàng những khúc gỗ cũ mà họ không thể dùng làm thùng để sau đó đốt trong ngày lễ Giáng Sinh.

Nhìn chung, phong tục “khúc gỗ Yule” xuất hiện trên khắp châu Âu và các loại gỗ khác nhau được sử dụng ở các quốc gia khác nhau. Người Anh dùng gỗ sồi, người Scotland dùng gỗ bạch dương, còn người Pháp dùng gỗ anh đào. Đặc biệt tại Pháp, người ta còn tưới rượu lên khúc gỗ để khi đốt lên sẽ có mùi thơm bay khắp phòng.

Ở Serbia, Croatia và Bắc Montenegro, người ta đốt một khúc gỗ lớn gọi là Banjak vào đêm Giáng sinh. Đôi khi, người ta đốt chúng trên đống lửa bên ngoài nhà thờ trước khi diễn ra buổi lễ đêm Giáng sinh.

Ở Devon và Somerset tại Anh, một số người sử dụng một bó cành cây tần bì rất lớn thay vì khúc gỗ. Điều này bắt nguồn từ một truyền thuyết địa phương rằng thánh Joseph, Mary và Jesus đã rất lạnh khi những người chăn cừu tìm thấy họ vào đêm Giáng sinh. Vì vậy, những người chăn cừu đã lấy một số cành cây đốt lên để giữ ấm cho họ.

Ở một số vùng của Ireland, người dân thắp một ngọn nến lớn thay vì một khúc củi và ngọn nến này chỉ được thắp vào đêm giao thừa và đêm thứ mười hai.

Tuy nhiên, ngày nay hầu hết các gia đình đều sử dụng hệ thống sưởi khí đốt nên việc đốt củi sưởi ấm không còn cần thiết nữa. Tuy nhiên, các gia đình vẫn muốn duy trì truyền thống này, và từ đó bánh khúc cây (Christmas Yule Log) đã ra đời.

Chiếc bánh khúc cây gồm bánh gato chocolate nhân kem chocolate cuộn lại thành hình trụ và phủ một lớp kem bơ chocolate dày được tạo hình vỏ cây, sau đó phủ một lớp đường bột để tạo hiệu ứng tuyết rơi, trang trí thêm cây nhựa ruồi, quả mọng và cả những chú chim họa mi nhỏ.

Từ những nước phương Tây, loại bánh này giờ đã du nhập vào Việt Nam, trở thành menu hot trong những ngày Giáng Sinh.

Chỉ cần gõ từ khóa "bánh khúc cây" lên mạng xã hội sẽ cho ra hàng trăm kết quả khác nhau với nhiều mức giá khác nhau, từ vài triệu đồng tại những cửa hàng lớn Paris Gateaux, Poeme Bakery cho đến vài trăm nghìn ở các cửa hàng nhỏ như quán Bếp Chuông./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cau-chuyen-lich-su-thu-vi-phia-sau-chiec-banh-khuc-cay-mua-giang-sinh-post1002096.vnp