Câu chuyện nâng chỉ số hạnh phúc người dân huyện nghèo ở Yên Bái

Người dân sẽ không thực sự hạnh phúc nếu còn nghèo đói. Xác định điều này, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thay đổi đời sống bà con.

Gần 300km đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa từ đầu nhiệm kỳ đến nay ở Mù Cang Chải. Kết quả này không chỉ gần như hoàn thành mục tiêu đề ra trong cả nhiệm kỳ Đại hội của Đảng bộ huyện, mà còn trực tiếp mang đến một cuộc sống thực sự hạnh phúc đối với người dân.

Rất nhiều tuyến đường liên bản ở Mù Cang Chải đã được bê tông hóa trong thời gian qua

Rất nhiều tuyến đường liên bản ở Mù Cang Chải đã được bê tông hóa trong thời gian qua

Anh Giàng A Lù, người dân xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải phấn khởi cho biết, dù chưa thật to như ở thành phố hay miền xuôi, nhưng những con đường bê tông hiện hữu đã “giải phóng đôi vai” người dân vùng cao, khi đồng bào không còn phải gùi sơn tra, thảo quả, lê, mận, ngô… xuống chợ, mà thương lái đã đưa xe vào tận bản để thu mua.

"Trước đây chưa có đường bê tông nên cuộc sống của bà con còn rất khó khăn, giờ đường được bê tông hóa việc đi lại rất thuận lợi, đặc biệt là việc vận chuyển, buôn bán hoa quả; du khách khi đến với bà con cũng thuận lợi hơn", anh Lù chia sẻ.

Đồng bào Mông ở Mù Cang Chải đang có được cuộc sống ngày một ấm no hơn

Đồng bào Mông ở Mù Cang Chải đang có được cuộc sống ngày một ấm no hơn

Người dân sẽ không thực sự hạnh phúc nếu còn nghèo đói. Xác định điều này, huyện Mù Cang Chải đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, để giải quyết bài toán giảm nghèo. Kết quả, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có khoảng 1.000 học viên được đào tạo nghề, hơn 1.200 người được tạo việc làm và gần 1.500 người đã dịch chuyển từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Kiểm tra, đánh giá giống lúa chịu hạn - giống mới đem đến những mùa vàng no ấm ở vùng cao

Kiểm tra, đánh giá giống lúa chịu hạn - giống mới đem đến những mùa vàng no ấm ở vùng cao

Bên cạnh đó, Mù Cang Chải cũng chú trọng xây dựng các vùng sản xuất tập trung, như vùng sản xuất hoa hồng và rau hàng hóa tại xã Nậm Khắt với diện tích trên 70ha; vùng sản xuất gạo nếp tại xã Nậm Có và Cao Phạ với diện tích trên 400ha; vùng sản xuất gạo séng cù tại xã Khao Mang và xã Lao Chải với diện tích trên 300ha…

Tất cả những nỗ lực này đã đưa tỷ lệ hộ nghèo ở huyện giảm trên 8,44% mỗi năm, vượt xa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Trên cánh đồng hoa xã Nậm Khắt, chị Giàng Thị Dở, một người dân phấn khởi cho biết, các chị được hợp tác xã trồng hoa nhận vào chăm sóc hoa, vì thế thu nhập cũng nhiều hơn trước, rất là vui.

Người dân vùng cao chăm sóc hoa hồng - giống cây mới cho hiệu quả khá cao ở Mù Cang Chải

Người dân vùng cao chăm sóc hoa hồng - giống cây mới cho hiệu quả khá cao ở Mù Cang Chải

Để cụ thể hóa nội dung nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân, huyện Mù Cang Chải đã triển khai xây dựng các mô hình thiết thực như: “Trường học du lịch”; “Trường học hạnh phúc”; “Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Bản, tổ dân phố hạnh phúc”... Theo đánh giá, đến nay, chỉ số hạnh phúc của người dân Mù Cang Chải đã đạt trên 51,3%, tăng hơn 12% so với đầu nhiệm kỳ.

Ông Lìm Văn Hoa, trưởng ban công tác mặt trận bản Trống Là, xã Hồ Bốn, nơi đang triển khai mô hình điểm “Bản hạnh phúc” cho biết, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã vận động các hộ gia đình thường xuyên học tập và nghiên cứu các bản, các xã đã làm rồi để bà con triển khai; sau đó tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá, chấm điểm đạt rồi thì cho ra mắt mô hình.

Bí thư huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên kiểm tra kết quả canh tác các giống cây mới trên địa bàn

Bí thư huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên kiểm tra kết quả canh tác các giống cây mới trên địa bàn

Theo ông Nông Việt Yên, Bí thư huyện ủy Mù Cang Chải, ngay từ đầu nhiệm kỳ, việc cụ thể hóa các nghị quyết Đại hội, cũng như các chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo theo phương châm rõ người, rõ việc với cơ chế “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”. Trong quá trình triển khai có tổ chức rà soát, đánh giá nhằm kịp thời điều chỉnh, bổ sung, đảm bảo hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.

Kết quả sau nửa nhiệm kỳ, đã có hơn 1/3 chỉ tiêu đạt và vượt so với nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra; trong 29 chỉ tiêu Đảng bộ tỉnh giao thì đã có một nửa đạt và vượt mức. Kết quả này không chỉ làm thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội của địa phương, mà còn tác động trực tiếp tới việc nâng cao chỉ số hạnh phúc, sự hài lòng của người dân trên địa bàn.

Trẻ em vùng cao Mù Cang Chải học tập và sinh hoạt ở những ngôi trường hạnh phúc

Trẻ em vùng cao Mù Cang Chải học tập và sinh hoạt ở những ngôi trường hạnh phúc

"Tất cả các nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển kinh tế, xã hội suy cho cùng đều hướng tới việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trực tiếp góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc người dân theo bộ chỉ số đánh giá Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành. Thế nên dù còn nhiều khó khăn song huyện Mù Cang Chải đã quyết tâm biến những khó khăn thành lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, gắn với giảm nghèo bền vững, ngày càng nâng cao hơn nữa chỉ số hạnh phúc cho nhân dân", ông Yên nói.

Mùa nước đổ trên những triền ruộng bậc thang - một trong những mùa đẹp nhất ở Mù Cang Chải

Mùa nước đổ trên những triền ruộng bậc thang - một trong những mùa đẹp nhất ở Mù Cang Chải

Những kết quả đạt được qua một nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp ở Mù Cang Chải đã góp phần tạo niềm tin, khí thế mới trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc nơi đây. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu xây dựng địa phương trở thành huyện du lịch, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, nhân dân có cuộc sống ấm no và mỗi gia đình thực sự là một gia đình hạnh phúc./.

Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/cau-chuyen-nang-chi-so-hanh-phuc-nguoi-dan-huyen-ngheo-o-yen-bai-post1033095.vov