Câu chuyện ngày hòa bình ở biên giới La Lay
Đối với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay (BĐBP Quảng Trị), việc cùng chính quyền địa phương chăm lo đời sống cho người dân, đặc biệt là các gia đình có công với cách mạng là sự tri ân với những cống hiến, hy sinh của thế hệ đi trước để có được hòa bình, độc lập, tự do của ngày hôm nay. Ở nơi biên cương Tổ quốc, nơi mảnh đất lịch sử này, câu chuyện hòa bình được những người lính quân hàm xanh viết tiếp bằng những việc làm cụ thể, nhân văn và đầy nghĩa tình.

Ông Côn Khang kể chuyện ngày tham gia kháng chiến chống Mỹ với những người lính Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay và đoàn viên thanh niên xã A Ngo. Ảnh: Trúc Hà
Đã 50 năm trôi qua, kể từ ngày Bắc Nam một nhà, vùng đất biên giới A Bung, A Ngo (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) đã có biết bao sự thay đổi, nhưng những câu chuyện ngày đánh Mỹ vẫn luôn là niềm tự hào với người già và là câu chuyện cổ tích đối với con trẻ. Con đường Hồ Chí Minh chạy dọc theo đường biên giới xã A Bung, A Ngo chính là nhánh Tây đường Trường Sơn năm xưa - con đường huyết mạch để chuyển quân, vũ khí, lương thực vào Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong những năm tháng ấy, đã có rất nhiều thanh niên Pa Cô cả nam và nữ, người trực tiếp cầm súng chiến đấu, người đi gùi vũ khí, đạn dược, lương thực ra chiến trường. Đó cũng chính là một trong những lý do để suốt thời gian qua, bên cạnh việc xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn phụ trách, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay vẫn bằng cách này, cách khác cùng chính quyền địa phương, huy động mạnh thường quân để chăm lo đời sống cho nhân dân và giúp nhân dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Trong số 220 suất quà do Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay và Đoàn thiện nguyện Hà Nội trao tặng cho nhân dân trên địa bàn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) thì có gần một nửa dành cho gia đình có công với cách mạng. Thượng tá Ngô Trường Khôi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay đã viết giấy, trân trọng mời đại diện gia đình có công với cách mạng tới Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay để xem truyền hình trực tiếp Chương trình diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và nhận quà. Ông Côn Khang từ năm 1963 đến năm 1974 phục vụ ở Binh trạm 106 (đóng chân ngay ở dốc Ca Lươi, xã A Ngo).
Theo ông Côn Khang, năm 1968-1969, Mỹ cho máy bay ném bom, đổ quân xuống A Ngo rất nhiều hòng ngăn chặn những đoàn xe chở quân, vũ khí, lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam. Ông Côn Khang và mọi người ở binh trạm vừa phải chiến đấu, vừa phục vụ cho các đoàn vào Nam. Cho đến giờ, ông Côn Khang vẫn không hiểu “vì sao chúng tôi không làm gì nước Mỹ mà người Mỹ lại mang bom, súng đạn đến bắn giết người dân chúng tôi”. Ông nhớ rất rõ, buổi trưa hôm ấy, khi ông đang nghe đài thì bỗng một giọng nữ cất lên: “Mời các bạn nghe tin chiến thắng”. Ôi, nước mắt trào ra, Bắc Nam đã được sum họp một nhà.
Đã nhiều năm trôi qua, nhưng câu chuyện của Mẹ Việt Nam Anh hùng Căn Thung (thôn Ty Nê, xã A Bung) vẫn được mọi người thuộc nằm lòng. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, chồng của mẹ Thung là Côn Thung và 2 con Hồ Văn Thung, Cu Tỏa lần lượt ra mặt trận. Một chiều tháng 4/1961, mẹ Thung nhận tin con trai Cu Tỏa, Tiểu đội trưởng du kích xã A Bung hy sinh. Nỗi đau dần nguôi ngoai theo năm tháng, vì mẹ biết rằng, con trai của mẹ hy sinh vì hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc, cho Tổ quốc. Thế nhưng, tháng 7/1969, mẹ Thung một lần nữa đau đớn nhận tin con trai cả Hồ Văn Thung hy sinh khi đang vận chuyển vũ khí. Rồi chưa đầy 5 tháng sau, mẹ gần như không thể đứng vững khi hay tin chồng hy sinh ngoài mặt trận.
Những năm qua, mẹ Căn Thung luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương và đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay với việc thăm hỏi thường xuyên, tặng quà, sửa chữa nhà cửa. Từ đầu năm tới nay, đơn vị đã vận động được 118 triệu đồng để phụng dưỡng mẹ Căn Thung. Hẳn đó là lý do mà mặc dù mẹ không còn minh mẫn, nhưng mỗi lần những người lính Biên phòng xuất hiện tại nhà, mẹ vẫn luôn nở nụ cười và nhìn với ánh mắt trìu mến.

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay và Đoàn thiện nguyện Hà Nội tặng quà cho bà con nhân dân Lào. Ảnh: Trúc Hà
Thượng tá Ngô Trường Khôi và Thượng tá Lê Đăng Hoàng, Chính trị viên đã có nhiều năm lăn lộn trên biên giới, gắn bó, thấu hiểu những khó khăn của nhân dân và luôn dành một tình cảm đặc biệt với các cháu nhỏ. Bởi vậy mà lần này, các anh đã đề nghị với nhà hảo tâm là Đoàn thiện nguyện Hà Nội việc tổ chức bữa tiệc biên giới cho các cháu học sinh trên địa bàn. Và 1.200 em học sinh từ mẫu giáo tới tiểu học và trung học cơ sở xã A Bung đã được cùng nhau liên hoan bữa tiệc mừng 50 năm Ngày thống nhất đất nước. Những đứa trẻ Pa Cô lần đầu được thỏa thích ăn ngon xúc xích, giò chả, bánh kẹo, trà sữa do chính tay các chú bộ đội và các cô trong đoàn thiện nguyện chế biến. Chưa hết, khi ra về, lũ trẻ còn được tặng đồ chơi, quần áo mới. Chắc chắn đây sẽ là ngày lễ 30/4 không bao giờ quên của những đứa trẻ sinh ra trong ngày hòa bình.
Hôm ấy, chị Hồ Thị Nghiêm cùng với 100 hộ dân từ các bản Cu Tài Đeng và La Lay A Sói (cụm bản II, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, Lào) đến cột mốc 635 (cửa khẩu quốc tế La Lay) từ rất sớm. Ai cũng phấn khởi khi được nhận quà của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chị Nghiêm vốn ở bản La Lay (xã A Ngo) về làm dâu ở La Lay A Sói đã được hơn chục năm. Cho đến giờ, chị vẫn giữ được vóc dáng mảnh mai, đôi mắt to tròn, hàng mi cong vút thì có thể hình dung ra, khi còn con gái, người phụ nữ này xinh đẹp cỡ nào.
Thế nhưng, tại sao chị lại đồng ý sang Lào làm vợ một người đàn ông hơn mình 10 tuổi, cha mất sớm và có một đứa em khuyết tật? Chị bảo rằng, khi lần đầu sang thăm nhà người yêu ở La Lay A Sói, chị đã được mẹ bạn trai kể rằng, bà và chồng đều tham gia làm dân công vận chuyển cho cách mạng Việt Nam từ năm 1965 đến 1972 (rất có thể đứa con trai út bị câm, nằm liệt một chỗ bị di chứng chất độc màu da cam do Mỹ thả xuống những cánh rừng mà 2 người đã đi gùi hàng). Chị Nghiêm nghĩ tới bố mẹ của mình cũng đã có thời gian đi gùi hàng cho bộ đội nên thấy đồng cảm và quyết định theo anh về La Lay A Sói để chăm sóc mẹ và em trai.
Chị bảo rằng, hôm trước, Trưởng bản Hồ Văn Thanh đến thông báo gia đình được nhận quà của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, mẹ chị mừng lắm. Mẹ chị vui vì mọi người đã không quên những người đã đóng góp một phần công sức cho công cuộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Bao lâu nay vẫn thế, dù là ở hai quốc gia, mang hai quốc tịch, nhưng người Lào, người Việt vẫn mãi là anh em, như tình hữu nghị hai nước Việt - Lào "mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững".