Câu chuyện Pháp-Nga tại khối Pháp ngữ ở châu Phi

Sự hiện diện, ảnh hưởng ngày một lớn của Nga đang tác động đáng kể tới vai trò của Pháp trong cộng đồng các nước Pháp ngữ tại khu vực châu Phi.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp gỡ người đồng cấp Mali Aboulaye Diop tại Barmako ngày 7/2. (Nguồn: AP)

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp gỡ người đồng cấp Mali Aboulaye Diop tại Barmako ngày 7/2. (Nguồn: AP)

Tháng 2/2023, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov công du châu Phi. Chuyến thăm diễn ra chỉ vài tháng sau khi sau khi Mali và Burkina Faso chấm dứt Thỏa thuận tương trợ quân sự với Pháp, yêu cầu Paris rút quân khỏi hai nước này và thay thế vào đó là sự hiện diện của Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của Nga.

Trong năm nay, chính quyền Tổng thống Vladimir Putin cũng được cho là sẽ nối lại tổ chức Thượng đỉnh Nga-châu Phi. Sự kiện này lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2019 với sự tham dự của 43 nước châu Phi, trong đó có nhiều nước thuộc khối Pháp ngữ tại lục địa này. Tuy nhiên, sau đó nó đã tạm thời bị gián đoạn do đại dịch Covid-19.

Những động thái trên cho thấy bên cạnh Trung Quốc và Mỹ, Nga đang dành nhiều quan tâm hơn cho khu vực châu Phi nói chung và vùng hạ Sahara nói riêng, nơi có nhiều nước thuộc cộng đồng khối Pháp ngữ.

Ở chiều ngược lại, ảnh hưởng của Paris tại khu vực đang suy giảm. Thực tế cho thấy các sáng kiến, cơ chế hợp tác của Pháp tại khu vực này không hấp dẫn được nhiều nước như trước, với sự hiện diện Tại sao lại có câu chuyện này? Đâu là điều khiến khối Pháp ngữ châu Phi không còn “mặn mà” với Pháp?

Hai hành trình

Năm 1958, Tổng thống De Gaulle công bố trưng cầu dân ý biến Liên hiệp Pháp (Union Française) thành Liên hiệp Cộng đồng các quốc gia Pháp (Communauté Française), tạo điều kiện cho các thuộc địa có thể trở thành quốc gia. Mặc dù phần lớn các nước châu Phi trong Liên hiệp đã tuyên bố độc lập từ những năm 1960, nhưng Pháp vẫn muốn duy trì ảnh hưởng tại khu vực thông qua các cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, tiền tệ, kinh tế và văn hóa, thể hiện rõ nét qua hai đặc điểm sau:

Thứ nhất, đó là thông qua đồng Franc CFA. Được thành lập năm 1960, đồng tiền này có tỷ giá hối đoái cố định với đồng Franc Pháp, bảo đảm ổn định tài chính và tạo điều kiện lưu hành vốn dễ dàng trong khu vực các nước sử dụng đồng Franc CFA. Tuy nhiên, công cụ này gặp nhiều chỉ trích về mặt ý thức hệ, khiến một số nước như Mali và Guineé đã quyết định rút khỏi khu vực đồng Franc.

Thứ hai, đó là Hiệp định hỗ trợ quân sự và kỹ thuật (AMT). Được ký giữa Pháp và các nước khu vực, hiệp định này giúp Pháp triển khai quân ngay tại chỗ, duy trì vai trò an ninh hàng đầu của nước này đối với các nước châu Phi Pháp ngữ. Song từ những năm 1970, nhiều nước đã sửa đổi hoặc chấm dứt thỏa thuận AMT với Pháp trong bối cảnh các hoạt động can thiệp quân sự của Pháp bị chỉ trích. Hai công cụ đều mang hình ảnh “tân thực dân”, mà Liên Xô, sau này là Nga, sử dụng để chỉ trích các động thái của Pháp tại châu Phi.

Mặc dù phần lớn các nước Châu Phi trong Liên hiệp đã tuyên bố độc lập từ những năm 1960, nhưng Pháp vẫn muốn duy trì ảnh hưởng tại khu vực thông qua các cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, tiền tệ, kinh tế và văn hóa.

Trong lịch sử, với việc thúc đẩy ảnh hưởng tại Trung Đông không thành, Liên Xô đã quay sang châu Phi đang trong quá trình phi thực dân hóa. Siêu cường này đã tham gia hỗ trợ tài chính cho các phong trào đấu tranh vì độc lập và cách mạng tại châu lục, phần nào ảnh hưởng đến một số nước châu Phi sau khi giành độc lập; ủng hộ phong trào “Liên châu Phi” (Panafricanisme) thông qua Khối Casablanca; cử các cố vấn quân sự đào tạo chuyên gia; tiếp nhận hơn 25.000 sinh viên châu Phi tới học tại Liên Xô ở trường Đại học Patrice Lumumba (Đại học Hữu nghị các dân tộc Nga). Liên Xô cũng là một đối tác thương mại hàng đầu tại châu Phi, chủ động thiết lập quan hệ kinh tế-thương mại với một số nước như Ai Cập, Morocco và Guineé.

Theo Reuters, CFA hiện được sử dụng bởi 14 nước châu Phi, với tổng dân số lên đến 150 triệu người và GDP là 235 tỉ USD.

Sự hỗ trợ của Pháp đã củng cố đồng Franc CFA kể từ khi loại tiền tệ này ra đời trong Thế chiến II.

Franc CFA là tên của hai loại tiền tệ được sử dụng trong các phần của các quốc gia Tây và Trung Phi được bảo lãnh bởi kho bạc Pháp. Hai đồng tiền franc CFA là đồng franc Tây Phi CFA và đồng franc CFA Trung Phi. Mặc dù về lý thuyết tách biệt, hai đồng tiền CFA franc có thể hoán đổi cho nhau một cách hiệu quả.

Biến số mới

Sau nội chiến tại Libya năm 2011, nhiều nhóm vũ trang khủng bố đã xuất hiện và đặt chân lâu dài tại nước này. Tình hình an ninh bất ổn đã gây ra một cuộc nội chiến thứ hai tại Libya, biến nước này thành nơi ẩn trú cho các phiến quân Hồi giáo, ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh khu vực Sahara. Tình hình an ninh tại Mali bị ảnh hưởng nặng nề bởi phong trào Hồi giáo Ansar Dine cùng với lực lượng giải phóng Azawad tại miền Bắc.

Theo lời kêu gọi hỗ trợ quân sự khẩn cấp của Tổng thống Mali khi đó Dioncounda Traoré, Pháp đã quyết định can dự tại Mali trong chiến dịch Serval năm 2012, sau này mở rộng thành chiến dịch Barkhane. Từ đó, với các lực lượng quân sự đồn trú ở châu Phi, Pháp khẳng định vai trò là đối tác an ninh hàng đầu tại khu vực; là đối tác xuất khẩu vũ khí hàng đầu cho nhiều nước như Gabon, Bờ Biển Ngà, Burkina Faso, Cameroon và Niger…; là đối tác hợp tác quốc phòng với nhiều nước châu Phi không thuộc Pháp ngữ.

Đồng Franc CFA từng là một công cụ để Pháp duy trì ảnh hưởng tại châu Phi. (Nguồn: Imagesl)

Đồng Franc CFA từng là một công cụ để Pháp duy trì ảnh hưởng tại châu Phi. (Nguồn: Imagesl)

Tuy nhiên, vai trò an ninh của Pháp dần bị cạnh tranh bởi sự trỗi dậy của Nga tại khu vực. Paris phải đối mặt với chủ nghĩa bài Pháp đang gia tăng. Cộng hòa Trung Phi, Mali và Burkina Faso đã chấm dứt hợp tác quân sự và yêu cầu Pháp rút quân khỏi lãnh thổ mình.

Ở phía bên kia, sau một thập niên tạm ngưng từ khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã tái khởi động đối ngoại tại châu Phi, với các chuyến thăm cấp cao tại châu lục này. Moscow muốn tranh thủ lục địa này như công cụ “tái cân bằng” trật tự thế giới, giúp tái khẳng định vị thế trên trường quốc tế, phục vụ các mục tiêu chính trị và lợi ích quốc gia.
Từ những năm 2010, Nga đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động ở châu Phi, nối lại quan hệ ngoại giao và mở 40 cơ quan đại diện tại đây, đồng thời đề cử đại diện quốc gia tại cơ chế đa phương khu vực như Liên minh châu Phi, Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (CEDEAO) và Cộng đồng các nước Đông Phi.

Mặc dù hiện diện và ảnh hưởng tại châu lục còn yếu so với Pháp, Nga sở hữu lợi thế thừa hưởng từ Liên Xô. Đặc biệt, xứ bạch dương là đối tác xuất khẩu vũ khí rẻ và chất lượng tốt lớn nhất tại Angola, Congo, Ethiopia và Mozambique. Đơn cử như với Angola, Nga đã ký kết hai hiệp định hợp tác quốc phòng vào năm 2006 và 2013. Đặc biệt từ sự kiện Crimea năm 2014, Moscow càng thúc đẩy mạnh mẽ các hợp tác trong lĩnh vực này.

Công cụ xây dựng ảnh hưởng

Trong tương lai, châu Phi sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hòa bình, ổn định và phát triển với thế giới.

Dự báo của Liên hợp quốc cho thấy dân số thế giới sẽ tăng từ 7,7 tỷ hiện nay lên 11,2 tỷ năm 2100, với phần lớn sự gia tăng đến từ châu Phi.

Đến năm 2030, thống kê cho thấy thanh niên châu Phi sẽ chiếm 42% thanh niên toàn cầu. Đến năm 2050, chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp tại đây sẽ đạt 16.100 USD. Đó là chưa kể tới nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào ở lục địa này. Do đó, nơi đây đang trở thành một trong những tâm điểm cạnh tranh kinh tế toàn cầu, với sự tham gia của nhiều nước, nổi bật là Mỹ, Nga, Trung Quốc và Pháp.

Trở lại câu chuyện giữa Moscow và Paris. Một mặt, dù trao đổi và hợp tác kinh tế-thương mại giữa Pháp và châu Phi có xu hướng giảm, Paris vẫn tiếp tục đóng vai trò đối tác kinh tế châu Âu hàng đầu tại khu vực.

Các nước sử dụng đồng Franc CFA hiện không phải là đối tác kinh tế-thương mại hàng đầu của Paris. Cụ thể, Pháp chú trọng tới nhập khẩu dầu khí từ Nigeria và Algeria, chiếm 23% tổng dầu nhập khẩu, bằng lượng dầu nhập khẩu từ Nga. Tỷ giá hối đoái đồng tiền Franc CFA cố định với đồng Euro giúp cho khu vực đồng Franc châu Phi tiếp tục được ổn định, góp phần duy trì thu hút nhà đầu tư và doanh nghiệp Pháp chuyên về xuất-nhập khẩu. Đồng tiền trên tiếp tục là công cụ ảnh hưởng kinh tế lớn của Pháp tại châu Phi. Tuy nhiên, lịch sử hình thành và hình ảnh mang tính “tân thực dân” của nó đã là chủ đề chỉ trích của các nước châu Phi.

Tuy nhiên, vai trò an ninh của Pháp dần bị cạnh tranh bởi sự trỗi dậy của Nga tại khu vực. Paris phải đối mặt với chủ nghĩa bài Pháp đang gia tăng. Cộng hòa Trung Phi, Mali và Burkina Faso đã chấm dứt hợp tác quân sự và yêu cầu Pháp rút quân khỏi lãnh thổ mình.

Mặt khác, tuy ảnh hưởng của Moscow tại lục địa này đang có xu hướng gia tăng nhưng về mặt kinh tế-thương mại, xứ bạch dương chưa phải là đối tác thương mại lớn với khu vực, khi quan hệ tập trung phần lớn vào trao đổi vũ khí, tài nguyên thiên nhiên như mangan, kim cương và uranium.

Trong bối cảnh đó, sử dụng lá bài tư tưởng chống thực dân và chiến lược tuyên truyền, Nga muốn đặt ảnh hưởng và hiện diện lâu dài tại châu Phi về an ninh, nhất là khi Pháp đã bỏ qua chiến lược tuyên truyền thông tin nhiều năm qua.
Từ năm 2000, chính sách đối ngoại của Nga đã nêu rõ sự “cần thiết trong truyền tải đến cộng đồng quốc tế các thông tin khách quan và đúng sự thật về Nga trong các vấn đề quốc tế”. Năm 2008, chủ trương này được cập nhật thêm nội dung “tăng cường vị thế của truyền thông đại chúng Nga trong không gian thông tin quốc tế”. Nhằm quảng bá giá trị ra nước ngoài, Nga đã triển khai thành lập cơ quan như Viện văn hóa Russkiy Mir, Cơ quan phát triển Rossotrudnichestvo, kênh truyền hình Russia Today và các trang tin tức như Sputnik… Các kênh truyền thông Nga xuất hiện ngày càng nhiều tại khối châu Phi Pháp ngữ.

Cạnh tranh ảnh hưởng giữa Pháp và Nga tại châu Phi không phải mới. Tuy nhiên, tần suất và cường độ của nó đang có xu hướng gia tăng những năm gần đây. Việc Pháp rút quân khỏi Trung Phi, Mali và Burkina Faso, trong khi Nga gia tăng hiện diện an ninh tại các nước trên tác động tiêu cực tới ảnh hưởng của Paris tại khu vực khi xu hướng bài Pháp gia tăng. Sử dụng tư tưởng “chống thực dân” thừa hưởng từ Liên Xô và tuyên truyền hiệu quả, Moscow đã ít nhiều thành công trong gây dựng hình ảnh đối tác đáng tin cậy với các nước.

Tuy nhiên, ảnh hưởng có phần suy giảm của Pháp tại châu Phi phần lớn là kết quả của tái cân bằng lực lượng của các nước lớn như Nga và Trung Quốc. Thông qua các công cụ chính trị, kinh tế và tuyên truyền, các nước trên đang tranh giành ảnh hưởng với các chủ thể truyền thống tại châu Phi như Pháp.

Trước tình hình trên, các nước khu vực đang tranh thủ Nga và Trung Quốc nhằm tách khỏi ảnh hưởng của Pháp, đồng thời mở rộng các tiềm năng hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, điều này không phải là không có bất cập, khi họ đang phải gánh vác nhiều khoản nợ lớn từ các chủ nợ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, liệu đây có phải cách tiếp cận có mang lại lợi ích bền vững cho quá trình phát triển của các nước châu Phi hay không, vẫn là điều khó nói.

(theo Diploweb)

Nguyên Vũ

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cau-chuyen-phap-nga-tai-khoi-phap-ngu-o-chau-phi-223133.html