Câu chuyện phía sau các dịch vụ miễn phí của Google và Facebook
Google và Facebook đã liên tục 'nhắn nhủ' về việc các dịch vụ chính do hai hãng công nghệ này cung cấp đã được sử dụng miễn phí như thế nào.
Thực tế đúng là như vậy. Nhưng có một điều mà các "đại gia" công nghệ đã tránh nhắc tới đó chính là vai trò của họ trong việc khiến cho người tiêu dùng phải chi trả đắt hơn cho mọi dịch vụ và hàng hóa trực tuyến khác.
Trong bài phân tích đăng tải trên trang mạng của hãng Bloomberg và được tờ Sydney Morning Herald của Australia dẫn lại, tác giả Alex Webb viết: Hãy cùng xem xét các loại phí đăng ký và dịch vụ trả phí đang triển khai trên Internet. Chúng ta có thể thấy rằng việc truy cập vào các trang tin tức, âm nhạc và thậm chí cả phim ảnh phát trực tuyến hiện đều sẽ yêu cầu phải trả một khoản phí đăng ký.
Một ví dụ mới đây nhất là Twitter, nền tảng công nghệ này vào tuần trước đã thông báo về kế hoạch ra mắt một sản phẩm trả phí mới, có tên gọi là “Theo dõi đặc biệt” (Super Follows), nơi người dùng có thể thu phí đối với những người theo dõi tài khoản của mình để được xem các dòng hiển thị trạng thái (tweet) cao cấp và một số nội dung khác. Động thái của Twitter là cách mà công ty lựa chọn để giảm sự phụ thuộc vào doanh thu quảng cáo - một “kho tiền”đang ngày càng bị "nuốt chửng" bởi Google và Facebook.
Nếu sức mạnh trực tuyến và doanh thu quảng cáo đi kèm với nguồn sức mạnh đó, tiếp tục tập trung vào hai nền tảng công nghệ Google và Facebook, thì những gì mà người dùng xem, đọc hoặc nghe ở bất cứ một trang mạng nào khác trên Internet sẽ bắt đầu bị tính phí.
Trước khi có Internet, quảng cáo đã trở thành nguồn trợ cấp cho tất cả các phương tiện truyền thông mà chúng ta sử dụng, từ vô tuyến, đài phát thanh, đến tạp chí và tin tức. Với kỷ nguyên của công nghệ thông tin, mô hình quảng cáo hỗ trợ này đã tự động chuyển dịch sang các trang mạng (website) và cho phép chúng ta tiếp tục kỳ vọng rằng mọi nội dung trực tuyến đều sẽ miễn phí. Ví dụ các tổ chức tin tức sẽ không tính phí người đọc, trong một hy vọng sai lầm rằng càng nhiều người chú ý đến nội dung tin tức của họ hơn, thì các tòa soạn sẽ thu được nhiều doanh thu hơn từ các mục quảng cáo hiển thị trên website.
Tuy nhiên, trong một thập kỷ vừa qua, số tiền quảng cáo đó đã chảy phần lớn vào túi những gã khổng lồ dịch vụ tìm kiếm và truyền thông xã hội. Theo Hội đồng Nguyên cứu Quảng cáo Thế giới, năm 2020, Google và Facebook thu tới khoảng 74% trong tổng số 300 tỷ USD được chi tiêu trên toàn cầu cho hoạt động quảng cáo trên các trang mạng Internet. Điều này khiến cho những công ty kinh doanh khác, vốn từng dựa vào quảng cáo để có thu nhập, phải “tranh giành kiếm sống”.
Thu nhập từ quảng cáo luôn cao hơn so với việc chỉ thu từ nguồn bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Năm 2006, tờ New York Times tính phí người đọc với giá trung bình là 534 USD cho một năm đăng ký, nhưng lại kiếm được thêm tới hơn 1.064 USD trên mỗi người đọc đã đăng ký nhờ vào doanh thu quảng cáo. Các tờ báo hiếm khi phải tăng giá bán vì họ có thể kiếm tiền từ quảng cáo để thay vào phần chi phí đó. Khoản doanh thu này thường cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trung bình của lạm phát.
Ngày nay, những "gã khổng lồ" công nghệ đang chiếm gần hết đặc quyền đó. Kể từ năm 2017, Facebook gần như tăng gấp đôi doanh thu quảng cáo trung bình trên mỗi người dùng tại Mỹ và Canada, đạt mức 159 USD/năm/người, thông qua hoạt động tăng cường đăng tải quảng cáo và tăng giá bán khi cần. Các nhà phân tích ước tính tổng doanh thu của Facebook sẽ tiếp tục tăng gấp đôi, lên mức 176 tỷ USD vào năm 2024.
Từ góc độ người tiêu dùng, bạn có thể tranh luận rằng các công cụ tìm kiếm và mạng xã hội nên miễn phí, vì sau tất cả, chúng là những tiện ích mà thực tế mọi người đều sử dụng, trong khi các dịch vụ cụ thể hơn nên được tính giá bán. Tiện ích Super Follows của Twitter và Substack, cung cấp dịch vụ đăng ký nhận bản tin của một người viết cụ thể, cho phép bạn trả tiền cho những gì mà bạn muốn. Dịch vụ này dành cho những người sẵn sàng chi tiền để được xem bài đăng của một ai đó về giao dịch tiền tệ hay đơn giản để đọc được một bản tin dành riêng cho những người ăn theo chế độ không chứa thành phần gluten.
Hệ thống này có thể hiệu quả hơn cho người dùng. Vì về mặt lý thuyết, bạn sẽ chỉ phải trả tiền cho các loại hình truyền thông mà bạn muốn, nhưng không có nghĩa là rẻ hơn cho người tiêu dùng. Sự gia tăng của các dịch vụ phim ảnh theo yêu cầu như Netflix và Disney đã minh chứng cho điều này.
Đúng là bạn sẽ có được một chế độ xem chọn lọc tốt hơn, thuận tiện hơn với phần lớn nội dung không đi kèm quảng cáo. Nhưng có nhiều khả năng bạn sẽ phải trả một khoản chi phí cao hơn cho sự tiện lợi đó. Điều tương tự cũng đang được áp dụng đối với Twitter và Substack, nơi mà lời mời chào gói dịch vụ theo dõi 4 tác giả có mức giá 5 USD/người/tháng. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng tổng chi phí cho gói này đã cao hơn mức chi phí 17 USD/tháng để đăng ký đọc tờ New York Times, một nguồn thông tin có phạm vi phủ sóng lớn hơn nhiều.
Super Follows chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động kinh doanh của Twitter, ít nhất là trong giai đoạn đầu mới triển khai. Tuy nhiên, kết hợp với sự gia tăng của các loại phí sử dụng dịch vụ, phí đăng ký xem trực tuyến và xem video theo yêu cầu thì ngay cả một công ty truyền thông mới mẻ như Twitter cũng cần phải tăng thêm các khoản thu phí để tồn tại được trong một thế giới mà mọi thứ ngoài Google và Facebook đều mất tiền mới có thể sử dụng được.
Đó có thể không phải là một điều xấu, nhưng chúng ta nên nhận thức rằng thương mại từ hình thức truyền thông được tài trợ bởi quảng cáo đã chuyển sang mạng xã hội và công cụ tìm kiếm được trợ cấp bởi quảng cáo. Điều này có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về giá trị của nội dung tin tức. Các tòa soạn đã mất tiền để sản xuất, do đó người đọc cũng sẽ mất tiền để có thể tiêu dùng.
(theo TTXVN)