Câu chuyện sợi lác sợi bố - Câu chuyện về Làng chiếu Định Yên
Định Yên có vựa chiếu to
Lấy chồng xứ Định khỏi lo chiếu nằm
Nhiều người nói làng quê bây giờ buồn lắm. Người ở làng nói vậy, người lâu lâu về thăm quê càng man mác tâm trạng nhung nhớ những ngày xưa. Vẫn còn đó lời bà lời mẹ ru con “ngọn xanh ngọn đỏ, ngọn tỏ ngọn lu” trên cánh võng thân thương. Vẫn còn vang lên câu ca vọng cổ mùi mẫn bao đời: “Mai anh lên chốn thành đô có nhà xe rực rỡ. Xin đừng quên bến đò ngang con sông nhỏ chốn quê xưa”. Thành thị là nơi phồn hoa đô hội. Thôn quê là chốn lặng lẽ lũy tre làng với những giàn bầu dây mướp, đàn cò ăn đêm. Ngày lại ngày, năm nối năm, ai về làng chiếu Định Yên?
Nhiều người lặng lẽ rời quê ra chốn thị thành, gửi lại những ký ức tuổi thơ ẩn khuất trong một góc nhỏ tâm hồn. Nơi ấy văn minh hơn, tiện nghi hơn. Nơi ấy gắn với cơ hội học hành, việc làm, sinh kế và tiến thân cao hơn. Nơi ấy năng động và tiếp cận điều mới nhanh hơn. Làng quê lặng lẽ lại càng lặng lẽ, người làng quê ở lại sống với người làng quê. Nhiều người an ủi, ấy vậy làng quê mới là nơi đong đầy tình làng, nghĩa xóm. Nhiều người tự hào, ấy vậy mà người làng quê luôn chân chất, phóng khoáng. Nhưng nhiều người vẫn cảm thán, nói gì thì nói, làng quê vẫn buồn tẻ, tháng ngày trôi qua vẫn chừng ấy nếp làng.
Làng chiếu Định Yên, như nhiều làng nghề truyền thống khác, phải chăng ngày càng dạt xa khỏi cuộc sống công nghiệp hóa, đô thị hóa? Những chiếc chiếu tre, chiếu nhựa, những chiếc nệm êm ái hơn, tiện ích hơn, sang trọng hơn, mẫu mã đẹp hơn, từng ngày lấn át những chiếc chiếu với sợi lác sợi bố truyền thống bao đời. Làng nghề trăm năm lay lắt với những người cao tuổi sống trong hoài niệm, ngày xưa, xưa thật là xưa. Ngày ấy nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Ngày ấy chợ họp giữa đêm khuya với những chiếc đèn dầu mờ ảo nên được gọi là chợ ma. Ngày ấy mọi người gặp nhau không có khoảng cách giữa người bán người mua, mà như những người thân lâu ngày gặp nhau, rồi khi ban mai ló dạng, mọi người chào nhau và từng ghe chiếu từ con rạch Ngã Bát, Ngã Cậy xuôi về khắp ngã miền Tây.
Một chút bâng khuâng khi chợ thu hẹp theo ngày tháng. Những tiếng cọt kẹt từ khung dệt im ắng dần. Những người thợ ngày càng cao tuổi trong khi lớp trẻ tìm đến nơi khác để học hành, làm việc, vì sinh kế. Nhưng rồi chợt giựt mình tỉnh thức khi nhìn lại giá trị truyền thống làng quê một cách luyến tiếc, như có điều gì đó mênh mang, xa vắng. Manh chiếu đâu chỉ là vật vô tri vô giác trải trên những chiếc giường tre, những tấm bộ ngựa gỗ để mọi người nghỉ lưng. Hình như nó có tình cảm êm ái khi đưa con người vào giấc ngủ ngon. Hình như nó luôn sống động khiến bao người thổn thức khi rời bỏ khung dệt thủ công. Hình như ẩn bên trong làng nghề còn là văn hóa, phong tục tập quán bao đời, với không gian làng quê rộng lớn, thân thuộc bao đời.
Đứng trước Đình thần Định Yên để lắng nghe nhịp thời gian trôi qua từ trăm năm trước, nghe câu chuyện lịch sử của mảnh đất, con người nơi đây. Dù trải qua bao năm tháng, dấu tích về văn hóa làng xã từ những người đầu tiên đến khai mở vùng đất này, “tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ”. Bài vị thờ Thần hoàng bổn cảnh như nhắc nhở con người “cây có cội, nước có nguồn”, sống sao cho phải đạo làm người. Di tích lịch sử cấp quốc gia đâu chỉ là một tấm bằng trưng bày, mà đó là cả niềm tự hào của cư dân trong làng, là sự hội tụ hào khí một vùng đất. Lãnh đạo địa phương, các ngành chuyên môn, cộng đồng cần thẩm thấu hết giá trị chiều sâu của lịch sử ẩn chứa sâu xa.
Thật hạnh phúc khi được hòa mình trong đêm tái hiện hoạt động của ngôi chợ trăm năm trước. Những chiếc áo bà ba mộc mạc, người bán người mua, người tới người lui, người đứng người ngồi, trên tay cầm những chiếc đèn dầu le lói. Chiếu được đội trên đầu, chiếu được vác trên vai, chiếu được quấn bên mình. Chiếu trên bờ, chiếu dưới ghe. Tiếng rao hàng lảnh lót chen lẫn câu hò điệu lý, tiếng hỏi han giá cả, mà nghe thật kỹ hình như không chỉ để bán mua từng đôi chiếu mà còn như lời hỏi thăm, căn dặn. Chuyện gia đình, chuyện cuộc sống, chuyện làm lụng, nghe sao thật chân quê, thân tình.
Cuộc sống luôn biến động, những điều xưa cũ dù hay đến đâu, cũng không thể đứng yên, như dòng nước luôn trôi dưới con rạch phía trước. Làng nghề cũng phải thay đổi để tồn tại, phát triển, để gìn giữ những giá trị truyền thống. Những sản phẩm cần được đa dạng hơn, chăm chút hơn, hợp thời hơn. Với bàn tay và khối óc, và với sự hỗ trợ từ nhiều người, bà con sẽ không chỉ còn dệt những đôi chiếu lác chiếu bố, mà có thể mở rộng thêm những mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác từ những sợi đai, lục bình, xơ chuối… Những sản phẩm đó nếu biết phối hợp với nhau có thể trở thành những vật trang trí trong nhà từ phòng khách, bếp ăn, những tấm rèm, bức bình phong,…
Làng nghề chỉ có thể tồn tại và vượt lên, khi và chỉ khi gắn kết trong không gian văn hóa cộng đồng. Trong không gian đó, người làng biết trân quý những sản phẩm mình làm ra cũng như trân quý những giá trị văn hóa lịch sử để lại. Làng nghề chỉ tồn tại khi biết cách thu hút nhiều khách phương xa tìm đến trải nghiệm nét riêng có. Làng nghề chỉ tồn tại khi lãnh đạo địa phương nhận thức rằng, làng nghề phát triển sẽ kích hoạt sự năng động của làng quê. Chính từ sự năng động đó, tinh thần cộng đồng ngày càng được thắt chặt như từng cọng lác sợi đai bện chặt vào nhau trở thành những manh chiếu đẹp.
Ở nhiều đất nước, người ta đã có cả những chương trình chấn hưng nông thôn. Chấn hưng không có nghĩa là san phẳng để xây dựng cái mới mà là dựa trên nền cũ nhưng tìm kiếm những giá trị mới bằng cách nhìn không gian tích hợp mới. Cái mới và cái cũ đôi khi xung đột nhau, triệt tiêu nhau, nhưng nếu biết cách tiếp cận mở, cái mới và cái cũ sẽ hòa quyện nhau, nâng nhau lên. Hồn cũ và cốt mới sẽ tạo sự đổi thay một góc làng quê xứ Định và những làng quê khắp nẻo Đất Sen Hồng. Cán bộ đoàn thể kết hợp với những nhóm bạn trẻ thiện nguyện trở về nông thôn đem theo nhiều điều mới mẻ, tiếp thêm nguồn năng lượng cho bà con làng nghề và cư dân nông thôn.
Đích đến của nông thôn mới là nông thôn hài hòa, hạnh phúc. Làng hạnh phúc đâu chỉ bằng công nghệ. Làng hạnh phúc là tập hợp niềm hạnh phúc trong mỗi người, mỗi nếp nhà. Được sống bằng nghề truyền thống trong không gian văn hóa truyền thống đã là niềm hạnh phúc. Được hòa mình vào không gian văn hóa làng đã là một niềm hạnh phúc. Khi hòa mình như vậy, mỗi người sẽ thấy những việc mình nên làm, cần làm, phải làm trong khả năng của mình.
Là đêm tái hiện đầu tiên, có thể đâu đó chưa hoàn hảo, mà biết đến bao giờ hoàn hảo, mỗi người hãy trân quý, hãy cùng chung tay giúp cho sự khởi đầu bằng những ý tưởng tâm huyết cho một làng nghề tiếp tục được sống mãi. Sau đêm tái hiện này, làng quê sẽ không còn lặng lẽ chìm trong bóng đêm của một lời nguyền: nông thôn là buồn tẻ, là chừng ấy nếp làng giữa cuộc sống đang hối hả tiến về phía trước.
Hãy lắng nghe lời một bà mẹ quê xúc động khi tham gia sự kiện hôm đó: “Nhớ lắm, làng nghề này ngày xưa!”. Đêm tái hiện chợ chiếu xứ Định như “nhuộm màu tươi thắm”, háo hức chào đón bình minh của ngày nay và ngày sau.
Mẹ quê, mẹ quê vất vả trăm chiều
Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu