Câu chuyện tình yêu làm thay đổi lịch sử nước Mỹ
Vợ chồng Loving đã làm nên lịch sử. Họ kiên trì bảo vệ câu chuyện tình yêu của chính mình, mở đường cho vô số cặp tình nhân khác.
Bất chấp sự khác biệt màu da và luật cấm hôn nhân dị chủng ở bang Virginia, nơi hai người cư ngụ, Richard và Mildred Loving đã kết hôn và kiên trì đấu tranh cho quyền được sống chung hợp pháp của mình. Thắng lợi của họ đã tạo nên một tiền lệ mang tính lịch sử ở Mỹ.
Bị lưu đày vì sống với nhau
Đọc về câu chuyện tình yêu của vợ chồng Loving, nhà làm phim tài liệu Nancy Buirski cảm thấy xúc động bởi sự kiên định của những người yêu thương dành cho nhau. Bà quyết định làm một bộ phim tài liệu về họ mang tên “The Loving Story” (Câu chuyện tình yêu). Phim đã ra mắt tại các liên hoan phim vào năm 2011, trước khi được chiếu trên HBO vào Ngày lễ Tình nhân năm 2012.
Sau đó, vào năm 2016, bộ phim tư liệu này tạo cảm hứng cho hãng Big Beach và Raindog Films cho ra đời phim “Loving” do Jeff Nichols viết kịch bản và đạo diễn, được các phương tiện truyền thông vinh danh là một trong những bộ phim hay nhất năm 2016.
Do khác chủng tộc, Richard và Mildred Loving không thể kết hôn hợp pháp ở Virginia mà phải đến bang khác làm lễ cưới. Trở về nhà sau tuần trăng mật, họ bị cảnh sát đột kích bắt giữ ngay tại phòng ngủ. Với bản án 25 năm sống biệt xứ, cặp đôi Loving vẫn không ngừng đấu tranh với phán quyết này và họ đã đưa bang Virginia ra Tòa án Tối cao trong một vụ án nổi tiếng, ngày nay được gọi là vụ “Loving kiện bang Virginia”.
Richard Loving gặp Mildred Jeter khi họ còn là những đứa trẻ. Hai gia đình Jeter và Loving là bạn thân của nhau, cùng sống một cách hòa thuận trong hạt Caroline, bang Virginia. Dòng họ Loving thuộc người da trắng, còn những người trong gia đình Jeter lại có nguồn gốc Mỹ da đen và thổ dân. Mặc dù sống ở bang còn áp dụng luật phân biệt chủng tộc nhưng tình thân giữa họ vẫn luôn thắm thiết.
Đến tuổi trưởng thành, Richard và Mildred bắt đầu hẹn hò, yêu nhau. Vào năm 1958, họ quyết định kết hôn. Do hôn nhân dị chủng bị xem là bất hợp pháp ở bang Virginia vào thời điểm đó, nên cặp đôi đã lái xe đến Washington, D.C, nơi hôn nhân giữa các chủng tộc là hợp pháp, để làm lễ cưới. Sau đó, hai vợ chồng quay trở về quê hương Virginia mà không biết giông tố đang chờ đợi mình.
Năm tuần sau, Cảnh sát trưởng Garnett Brooks và hai cấp phó của ông ta bất ngờ đột kích vào phòng ngủ của cặp đôi Loving với lệnh bắt giữ, sau khi nhận được lời tố cáo nặc danh.
“Anh đang làm gì trên giường với người phụ nữ này?”, Brooks tra hỏi, hướng đèn pin về phía đôi vợ chồng mới cưới. “Tôi là vợ của anh ấy”, Mildred trả lời. Viên cảnh sát trưởng tuyên bố ở địa phương này, họ không được phép là vợ chồng và ra lệnh bắt giữ cả hai.
Sau khi Richard đóng thế chân 1.000 USD, cảnh sát trưởng đã thả anh ra ngay sau đó. Nhưng Mildred Loving không được quyền như vậy, cô phải trải qua ba đêm mệt mỏi trong nhà tạm giam.
Tại phiên tòa xét xử họ, vợ chồng Loving phải đối mặt với sự lựa chọn nghiệt ngã: Vào tù hoặc đi khỏi Virginia trong 25 năm. Không chấp nhận ở tù, họ đành rời xa gia đình và phải 9 năm sau họ mới trở về bản quán trong niềm vui của những người chiến thắng.
Không ngừng đấu tranh
Richard và Mildred Loving định cư ở Washington, D.C, và chẳng bao lâu, họ có với nhau ba người con. Theo các điều khoản trong bản án, Richard và Mildred không thể cùng nhau đến Virginia, nhưng được phép đi riêng lẻ. Do đó, Mildred đã về nhà để sinh hai đứa con.
Từ cuộc sống xa xứ, vợ chồng Loving chứng kiến thế giới đã thay đổi xung quanh họ. Phong trào Dân quyền yêu cầu chấm dứt các đạo luật phân biệt chủng tộc, bãi bỏ ngăn cấm hôn nhân dị chủng. Năm 1964, Mildred quyết định viết một bức thư cho Robert F. Kennedy, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, trình bày hoàn cảnh và mong muốn được giúp đỡ để trở về nhà, trở lại Virginia.
Sau khi đọc lời cầu xin của Mildred, Kennedy kết nối vợ chồng cô với Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU). Tổ chức này hứa sẽ đấu tranh cho họ. Đó là một cuộc chiến đầy khó khăn, vì từ năm 1924, bang Virginia đã cấm hôn nhân dị chủng với Đạo luật về “tính toàn vẹn chủng tộc”.
Cuộc hôn nhân của Richard và Mildred Loving không phải là trường hợp đầu tiên bị đưa ra xét xử theo đạo luật này. Vào những năm 1880, một vụ xét xử hôn nhân dị chủng được kháng cáo lên Tòa án Tối cao Virginia, nhưng bản án vẫn giữ nguyên với lý do luật pháp trừng phạt cả người da trắng và người da đen như nhau nên không vi phạm điều khoản bảo vệ sự bình đẳng của Hiến pháp.
Có vẻ như vợ chồng Loving sẽ phải đối mặt với một kết cục tương tự. Năm 1965, thẩm phán chủ tọa vụ xét xử họ, Leon M. Bazile, tuyên bố: “Chúa toàn năng đã tạo ra các chủng tộc da trắng, đen, vàng, đỏ… và đặt họ trên các lục địa riêng biệt. Những cuộc hôn nhân dị chủng như thế này là cố tình can thiệp vào sự sắp xếp của ngài. Việc tách các chủng tộc cho thấy ngài không có ý định để những người khác màu da pha trộn với nhau”.
Với những lý lẽ đó, năm 1966, Tòa phúc thẩm Virginia giữ nguyên bản án ban đầu đã tuyên với vợ chồng Loving. Không nản lòng, cặp đôi này kháng cáo lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Và năm 1967, vụ án đã được xét xử lại.
Trong khi chờ đợi phiên tòa lịch sử đó, cả hai chuyển về Virginia. ACLU hứa sẽ bảo lãnh họ ngay lập tức, nếu cảnh sát trưởng ở đây gây khó khăn cho hai vợ chồng.
Thắng lợi lịch sử
Khi Tòa án Tối cao tiến hành xét xử vụ “Loving kiện bang Virginia”, Richard và Mildred Loving vẫn ở Virginia với các con của họ.
Chính quyền bang cho rằng, luật Virginia cấm kết hôn dị chủng là cần thiết nhằm bảo vệ mọi người khỏi “điều xấu về xã hội và tâm lý”. Trước tòa, Phó Tổng chưởng lý đã ví hôn nhân giữa các chủng tộc như một sự loạn luân.
Biện hộ cho vợ chồng Loving, hai luật sư, Philip Hirschkop và Bernard Cohen, đã phản bác rằng, đó là những luật lệ của chế độ nô lệ. Họ đã chia sẻ một thông điệp chân thành từ Richard: “Luật sư Cohen! Hãy nói với Tòa án rằng tôi yêu vợ tôi, và thật bất công khi tôi không thể sống với cô ấy ở Virginia”.
Tòa án Tối cao đã công bố phán quyết trong vụ Loving kiện bang Virginia vào ngày 12 tháng 6 năm 1967, đồng ý rằng những người yêu nhau phải được tự do kết hôn với nhau. Do đó, phán quyết này mặc nhiên xem các lệnh cấm kết hôn giữa các chủng tộc trên khắp đất nước là vi hiến.
Với đa số ý kiến nhất trí, Chánh án Earl Warren tuyên bố hôn nhân đại diện cho “một trong những quyền dân sự cơ bản của con người”, mô tả nó là “nền tảng cho sự tồn tại của chúng ta”.
Khi Tòa án Tối cao tranh luận về trường hợp của mình, Mildred Loving nói: “Đó là nguyên tắc, đó là luật. Nhưng tôi không nghĩ nó đúng. Nếu chúng tôi giành chiến thắng, chúng tôi sẽ giúp được rất nhiều người. Tôi biết chúng tôi có một số kẻ thù, nhưng chúng tôi cũng có nhiều bạn bè”.
Vào ngày phán quyết của tòa, cô nói: “Bây giờ tôi cảm thấy tự do. Chúng tôi luôn muốn sống tại đây”. Vụ Loving kiện Virginia đã lật đổ luật cấm hôn nhân giữa các chủng tộc ở 16 tiểu bang.
Sau khi giành thắng lợi, Richard và Mildred Loving đã xây dựng một ngôi nhà tại quê hương. Họ nuôi dạy con cái tốt và sống một cuộc sống bình lặng. Đáng buồn là vào năm 1975, một tài xế say rượu đã tông vào xe của hai vợ chồng khiến Richard tử vong. Mildred đã dành phần còn lại của cuộc đời mình trong ngôi nhà mà hai vợ chồng xây dựng.
Nhân kỷ niệm 40 năm sự kiện “Loving kiện Virginia” vào năm 2007, Mildred đã đưa ra tuyên bố ủng hộ hôn nhân đồng tính. “Tôi tin rằng tất cả người Mỹ, không phân biệt chủng tộc, bất kể giới tính, bất kể khuynh hướng tình dục, đều có quyền tự do kết hôn như nhau”, Mildred nói.
“Chính phủ không nên áp đặt niềm tin tôn giáo của một số người lên những người khác. Đặc biệt là nếu điều này phủ nhận quyền công dân của người dân. Nếu đó là tình yêu đích thực, màu da không quan trọng”.
Vào năm 2008, Mildred Loving qua đời vì bệnh viêm phổi.
Vợ chồng Loving đã làm nên lịch sử. Họ kiên trì bảo vệ câu chuyện tình yêu của chính mình, mở đường cho vô số cặp tình nhân khác. Ngày nay, một trong sáu cặp vợ chồng mới cưới ở Mỹ có vợ / chồng thuộc chủng tộc hoặc sắc tộc khác, tăng gấp năm lần so với thời điểm mà cặp đôi thắng kiện vào 55 năm trước.
Theo Allthatsinteresting