'Câu chuyện từ trái tim': Lăng kính đa màu của một bác sĩ kiêm đại biểu Quốc hội

Câu chuyện từ trái tim của PGS. TS Nguyễn Lan Hiếu là một cuốn sách ghi chép giàu tính thời sự và chân thành, chứa đựng những câu chuyện về bác sĩ cùng những bài phân tích về y tế, giáo dục, môi trường và nhiều vấn đề xã hội.

Gần đây, khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, có không ít những cuốn sách do các bác sĩ viết, hoặc viết về bác sĩ, gây xúc động sâu sắc cho độc giả. Đầu tháng 6 này, PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu, một chuyên gia đầu ngành về tim ngạch cũng bất ngờ cho ra mắt cuốn sách Câu chuyện từ trái tim và được GS. Ngô Bảo Châu - người bạn thân của ông, viết lời giới thiệu.

Cuốn sách vừa được Nhã Nam phát hành vào tháng 6. (Nguồn: Nhã Nam)

Cuốn sách vừa được Nhã Nam phát hành vào tháng 6. (Nguồn: Nhã Nam)

Từ buồn vui nghề y

Trong cuốn sách Câu chuyện từ trái tim, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu đã có những chia sẻ rất thật lòng về con đường trở thành bác sĩ và những được, mất từ đó. Ông tâm sự có rất nhiều người đã hỏi ông về những được và mất khi trở thành bác sĩ và ông trả lời rằng: sự được - mất biến đổi rất nhiều theo thời gian.

Những năm chập chững bước vào nghề, những cái mất đã làm ông suýt bỏ sang làm trình dược viên. Với một bác sĩ trẻ mới ra trường, áp lực công việc khủng khiếp và đồng lương còm cõi so với bạn đồng lứa sẽ làm nản lòng bất cứ ai. Rồi khó khăn nhất trong giai đoạn này là quan hệ với đồng nghiệp và bệnh nhân - những bài học xương máu không một trường lớp nào dạy dỗ. Ông kể: “Ma cũ bắt nạt ma mới, “chủ nghĩa kinh nghiệm” luôn là một phần của nghề. Những cái xấu trong xã hội sẽ va vào bạn ở mọi góc cạnh, làm bạn nghiêng ngả. Tôi mất nhiều và không bỏ nghề bác sĩ chỉ vì tiếc gần mười năm đèn sách và sợ bố mẹ buồn”.

Sau hơn hai mươi năm hành nghề với bao thăng trầm, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu cũng cho rằng bản thân không còn phân biệt cái được hay mất khi làm bác sĩ nữa. Những niềm vui nho nhỏ khi thành công một ca mổ khó hay chẩn đoán được một bệnh thật hiếm cũng chỉ còn là món gia vị ngon trong cuộc sống bộn bề, nhưng cũng đi cùng những nỗi buồn hiện hữu.

Những bài viết trong phần đầu của cuốn sách đã bày ra thực tế: bác sĩ cũng chỉ là một con người bình thường, có lúc vui, lúc buồn, lúc nóng giận, có lúc mắc sai lầm, ấu trĩ, cũng có những lúc không thể hoàn thành công việc, có lúc vì công việc cuốn đi mà bỏ bê chính sức khỏe của mình. Cũng theo ông, mỹ từ “cứu người” cao cả có lẽ không nên dành cho các nhân viên y tế, mà nó là dành cho tất cả mọi huống nguy hiểm đến tính mạng con người. Đối với các y bác sĩ, từ “chữa bệnh” chắc chắn sẽ nhẹ nhàng và chính xác hơn từ “cứu người”.

Tác giả cũng không giấu nổi sự xót xa khi nhắc đến những nỗi buồn của ngành y như nạn bạo hành nhân viên y tế, tình trạng đào tạo sinh viên Y tràn lan,… của nền y tế nước nhà.

... đến trăn trở chốn nghị trường

Không chỉ là một bác sĩ có tiếng, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu còn là một trong những vị đại biểu Quốc hội được báo chí trích dẫn ý kiến phát biểu nhiều nhất, trở thành cái tên quen thuộc với cử tri cả nước. Tuy nhiên, nhiều người có thể sẽ thắc mắc lý do gì khiến một vị bác sĩ tim mạch hàng đầu vốn chỉ muốn tập trung vào chuyên môn, thậm chí không phải là Đảng viên như ông lại đột ngột quyết định dấn thân sang chốn nghị trường?

PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu tại nghị trường Quốc hội. (Nguồn: FBNV)

PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu tại nghị trường Quốc hội. (Nguồn: FBNV)

Trong cuốn sách, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đã chia sẻ rằng quyết định này xuất phát từ một cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Y tế Myanmar. Vị bộ trưởng đã bày tỏ sự thán phục trước những gì nền y tế Việt Nam đã làm được cho trẻ em (Nhà nước cấp bảo hiểm miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, tay nghề của nhân viên y tế liên tục được trau dồi...) và nói với ông rằng: “Chữa được một ca bệnh đã khó, thay đổi được tư duy làm chính sách để giúp cho hàng triệu trẻ em là điều đáng quý vô ngần. Myanmar chưa làm được như Việt Nam bởi ở nước họ nhiều năm liền không có nhà chuyên môn y khoa nào lên tiếng trong Quốc hội”.

Những lời tâm sự chân tình này đã khiến bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu quyết định dành quỹ thời gian ít ỏi của mình cho một hoạt động hoàn toàn mới - làm đại biểu Quốc hội - để có thể đóng góp và giúp được nhiều trẻ em hơn. Xen kẽ những bài phân tích thẳng thắn và sắc sảo về các vấn đề xã hội, người đọc vẫn bắt gặp rất nhiều thông điệp sống tử tế, quan tâm, yêu thương con người với một trái tim chân thành như chính tên cuốn sách mà tác giả đã ấp ủ.

PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu có nhiều cống hiến cho nền y học nước nhà, là chuyên gia đầu tiên về can thiệp tim bẩm sinh cho trẻ em tại Việt Nam. Ông hiện là Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đồng thời cũng là Phó trưởng bộ môn Tim mạch, Trường Đại học Y Hà Nội. Với việc phát triển hệ thống khám chữa bệnh từ xa, anh đã đưa bệnh viện trở thành một trong những cơ sở y tế tiên phong trong phát triển Telehealth ở Việt Nam.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cau-chuyen-tu-trai-tim-lang-kinh-da-mau-cua-mot-bac-si-kiem-dai-bieu-quoc-hoi-148038.html