Câu chuyện về cô giáo Quảng Bình yêu trẻ chuyên biệt
Chúng tôi tìm đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Trí Tâm, nằm tại phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) tìm gặp cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Yến (SN 1987, Phó Giám đốc trung tâm) để được nghe cô kể về câu chuyện của bản thân và những học sinh đặc biệt của mình.
Nói đặc biệt là bởi những học sinh tại trung tâm của cô là những cháu nhỏ không may mắc chứng tự kỷ, chậm nói, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ, Down, khó học, bại não...
Vượt khó đến với trẻ khiếm khuyết
Cô Yến sinh ra trong một gia đình ngư dân nghèo của xã biển Bảo Ninh, TP. Đồng Hới. Trong khó khăn, cô bé Yến tự nhủ bản thân phải nỗ lực học tập với mong muốn có tương lai tươi sáng hơn. Trong suy nghĩ của cô gái trẻ lúc ấy cũng thật nhiều ước mơ. Nhưng chẳng ai ngờ, cô học sinh chuyên Văn lại lựa chọn theo học ngành Sư phạm giáo dục đặc biệt, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
"Hồi đó, cạnh nhà mình có em nhỏ bị khiếm khuyết về thính lực và không thể nói, nhưng khi được đi học tại trung tâm dành cho trẻ khuyết tật thì tình trạng đỡ hơn và có thể dần hòa nhập vào cuộc sống. Tìm hiểu về công việc dạy trẻ khiếm khuyết thấy ý nghĩa thế là mình quyết tâm theo học", cô Ngọc Yến chia sẻ.
Quyết định bất ngờ ấy vấp phải sự phản đối từ người thân và bạn bè, nhất là mẹ của cô. Thương con, bà mong con theo con đường mà bà cho là tươi sáng hơn. Nhưng với sự quyết tâm, cô gái mạnh mẽ vẫn theo ngành học mình đã chọn và tự hứa sẽ chứng minh với mẹ bằng thành quả trong tương lai.
"Mẹ tưởng mình suy nghĩ bồng bột sẽ sớm chán mà bỏ nhưng không ngờ mình theo thật. Năm đầu tiên vào học, mẹ không chu cấp nên ngoài giờ học là mình đi làm thêm để trang trải. Năm thứ hai mẹ chịu thua đứa con cứng đầu ngỏ ý muốn chu cấp nhưng lúc đó mình đã đủ năng lực để tự lo cho bản thân rồi", cô Yến cười khi nghĩ về những khó khăn ban đầu cô phải trải qua.
Vui buồn chuyện nghề
Tốt nghiệp ra trường, Ngọc Yến làm việc tại TP. Hồ Chí Minh một thời gian rồi trở về quê, cùng người thân thành lập trung tâm dạy những đứa trẻ chuyên biệt. Từ ngày ấy, cũng gần 10 năm gắn bó với trẻ chuyên biết, cô Yến cũng có nhiều chuyện vui buồn để kể.
Cô Ngọc Yến tâm sự rằng, dạy trẻ bình thường đã vất vả, dạy trẻ chuyên biệt thì vất vả, khó khăn hơn gấp nhiều lần. Cái khó của nghề này là dạy cho các cháu những kỹ năng đơn giản nhất mà phần lớn bạn đồng trang lứa đều biết.
Trẻ chuyên biệt mỗi em sẽ có một triệu chứng riêng nên việc giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi giáo viên phải có sự sáng tạo, kỹ năng cùng tình yêu con trẻ. Tùy theo mức độ nhận thức của trẻ mà phân ra các cấp độ lớp, sẽ có những giáo án riêng biệt nhằm khắc phục khiếm khuyết, phát huy các thế mạnh riêng của mỗi trẻ. Ngoài học các kỹ năng, các cháu còn được vật lý trị liệu, tập yoga hỗ trợ phần nhiều vào quá trình điều trị.
Nữ giáo viên này cho biết trung tâm của mình là nơi hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho trẻ chuyên biệt nên ngoài việc học ở trung tâm thì không nên tách rời trẻ chuyên biệt với cộng đồng. Vì vậy, sau các tiết học ở trung tâm, các em đủ tuổi thực và tuổi trí tuệ vẫn được đến trường học cùng các bạn đồng trang lứa.
Với mong muốn "Dùng trí tuệ phục vụ tâm của mình, dùng cái tâm của mình mang lại trí tuệ cho trẻ", sau gần 8 năm hoạt động, trung tâm đã giúp đỡ hơn 100 trẻ chuyên biệt hòa nhập với cộng đồng. Hiện 31 giáo viên, công nhân viên đang hỗ trợ, dạy dỗ gần 100 trẻ chuyên biệt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tại hai điểm trường là TP. Đồng Hới và thị xã Ba Đồn. Tập thể cán bộ, giáo viên của trung tâm luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau những lúc khó khăn, sẻ chia cho nhau những kinh nghiệm, vui buồn.
Cô giáo trẻ Trần Thị Tâm (SN 1996, giáo viên tại trung tâm) cho biết: "Em đến với nghề này cũng vì tình yêu trẻ. Các cháu không may mắn nên càng phải dành nhiều tình yêu cho các cháu hơn. Trẻ chuyên biệt tuy nhận thức không bằng bạn bè trang lứa nhưng các cháu sống tình cảm, hồn nhiên lắm".
Tiếp câu chyện, cô Ngọc Yến cho biết thêm, gần chục năm trước, nhiều người còn chưa nhìn nhận đúng về trẻ chuyên biệt, một số người còn có cái nhìn kỳ thị với trẻ và giáo viên. Các phụ huynh thường có tâm lý giấu diếm khi có con phát triển không bình thường. Nhưng hiện tại những vấn đề đó đã được thay đổi theo hướng tốt, bởi việc giáo dục trẻ chuyên biệt không chỉ phụ thuộc vào giáo viên tại trung tâm mà còn phải nỗ lực từ phía gia đình và xã hội.
"Trẻ chuyên biệt nếu được phát hiện càng sớm càng tốt, khi đó các biện pháp giáo dục phù hợp sẽ giúp các con sớm hòa nhập vào cộng đồng. Nhiều trường hợp gia đình đưa các cháu đến trung tâm khi tuổi thực đã lớn mà tuổi trí tuệ còn nhỏ khiến việc dạy và kết quả dạy không được như ý", cô Ngọc Yến cho biết.
Với tình yêu cho trẻ chuyên biệt, cô Yến còn mang trong mình nhiều trăn trở, cô mong muốn nhận thức của xã hội về những vấn đề của trẻ chuyên biệt sẽ được nâng cao. Sẽ có nhiều người hơn đóng góp vào công tác giáo dục cho những đứa trẻ không may mắn này.