Câu chuyện về món bánh waffle

Đài CNN điểm lại quá trình lịch sử và phát triển bánh waffle - món ăn ngon của người La Mã cổ đại - trở nên phổ biến khắp thế giới.

Bánh waffle (hay còn gọi là bánh kẹp, bánh tổ ong) được làm từ bột và thường có lớp phủ bằng mật ong, kem tươi, si rô hoặc mứt. Waffle là một trong những món tráng miệng lâu đời nhất, rất lý tưởng cho bữa sáng hoặc ăn nhẹ. Ngày nay, loại bánh này hiện diện ở Mỹ, châu Âu lẫn châu Á với nhiều biến thể khác nhau, từ mặn đến ngọt.

Nguồn gốc

Giới chuyên gia tin rằng waffle xuất hiện từ hàng nghìn năm trước. Nhà sử học Giorgio Franchetti tin rằng loại bánh này bắt nguồn từ một món ăn đặc biệt của người La Mã cổ đại.

“Rất có thể chúng xuất phát từ loại bánh ngọt có tên là crustula. Từ crustula trong tiếng Latinh chỉ bánh giòn, lớp vỏ tan chảy trong miệng”, theo ông Franchetti.

Hiện chưa tìm thấy tài liệu lịch sử nào ghi chép hình dạng crustula, nhưng nhà sử học người Ý xác định chúng là bánh quy dẹt được nướng bằng hai miếng sắt nung nóng. Cách chế biến tương tự như waffle.

Crustula lại "tiến hóa" từ panis obelius – loại bánh mì ăn với ô liu hoặc quả sung tươi do người La Mã cổ đại chế biến và ăn trong nghi lễ tên Dionysian.

Ông Franchetti cho biết người La Mã cổ đại thích phô mai nhưng không thích bơ, vì bơ bị xem như phụ phẩm kém chất lượng của sữa, chủ yếu dùng cho mỹ phẩm. Thay vào đó họ làm crustula bằng mỡ động vật. Món ăn trong nghi lễ dần trở thành phần thưởng mà giáo viên dạy cho con cháu gia đình giàu có dành tặng cho học sinh giỏi nhất.

Tiếp tục lưu truyền

Theo thời gian, crustula đơn giản mà thơm ngon trở thành món tráng miệng trong các buổi tiệc tùng. Món ăn này được giới văn nhân La Mã cổ đại ưa chuộng đến nỗi chúng xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học.

Sau khi Cơ đốc giáo ra đời, crustula được đưa vào bữa ăn của người theo tôn giáo này. Vậy thì chúng trở thành waffle ngày nay như thế nào? Ông Franchetti tin rằng cách chế biến crustula đã hoàn thiện vào thời Trung cổ, hình dạng rãnh đặc trưng giống waffle bắt đầu xuất hiện.

Ferratelle - một loại bánh quy tồn tại thời gian dài ở nhiều vùng khác nhau của Ý - được cho là sự liên kết giữa crustula với waffle.

“Ở Molise và Abruzzo, người dân địa phương ăn ferratelle quanh năm. Bánh có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau”, theo ông Franchetti.

Cái tên “ferratelle” bắt nguồn từ “ferri”, trong tiếng Ý nghĩa là khuôn ép bằng kim loại (công cụ làm loại bánh này cho đến ngày nay). Thành phần làm ferratelle giống crustula và lại có hình dạng giống waffle. Lúc trước chúng được làm tại nhà, đặc biệt phổ biến dịp Giáng sinh hoặc lễ hội khác. Các gia đình dùng khuôn ép khắc huy hiệu hoặc chữ viết tắt đại diện để đánh dấu.

Vào những năm 1700, trong các gia đình cha mẹ sẽ tặng con gái khuôn làm bánh ferratelle khắc chữ viết tắt tên gia đình như của hồi môn. Ngày nay, người Ý ăn chúng như bữa sáng, tráng miệng bữa tối hoặc là món ăn nhẹ trong các chuyến đi.

Món ăn phổ biến khắp thế giới

Ferratelle tại Abruzzo được làm bằng trứng, dầu ô liu, sữa, vani, vỏ chanh bào. Bên cạnh công thức ban đầu, tiệm bánh Dolci Aveja nổi tiếng ở thành phố L’Aquila còn làm ra phiên bản có ngũ cốc, cùng phiên bản bánh mặn vị cây hương thảo.

Để làm bánh nhanh hơn, người dân Abruzzo chuyển sang dùng khuôn ép điện, không cần lật ferratelle trong quá trình nướng mà vẫn đảm bảo chín đều hai mặt.

Ở thị trấn ven biển Vasto, ferratelle phủ lớp sô cô la đen được gọi là catarrette. Gia đình nhà sử học địa phương Gianfranco Bonacci thường làm bánh vào Chủ nhật hoặc vào dịp đặc biệt, sau đó bánh để ăn suốt cả tuần.

Bánh giống waffle còn xuất hiện ở vùng Liguria, vùng Piedmont với tên gọi gofri với hoa văn tổ ong.

Theo ông Franchetti, với người La Mã cổ đại bên cạnh văn hóa còn truyền bá cả ẩm thực ra khắp đế chế, nên crustula có ở Pháp và Anh ngày nay. Lúc đế chế sụp đổ thì món này đã được đồng hóa vào nền ẩm thực địa phương. Các tuyến giao thương tại châu Âu thời Trung cổ cũng góp phần đem bánh ferratelle của Ý đến Bắc Âu.

Đầu những năm 1600, làn sóng người Hà Lan di cư sang thành phố New York. Đây là thời điểm crustula (ferratelle) biến thành waffle rồi “bén rễ” ở Mỹ. Nước này lấy ngày 24.8 (kỷ niệm người Mỹ gốc Hà Lan Cornelius Swarthout được cấp bằng sáng chế cho khuôn ép waffle đầu tiên tại Mỹ) làm Ngày bánh waffle quốc gia.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cau-chuyen-ve-mon-banh-waffle-223164.html