Câu chuyện về những cựu TNXP ngày ấy
Họ từng là những cô gái, chàng trai tuổi đôi mươi, khoác ba lô 'Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước' giờ đây mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng trong tâm thức của họ, ký ức về một thời TNXP vẫn cháy sáng như thuở nào, một ngọn lửa không tắt của tinh thần dấn thân và đức hy sinh thầm lặng.
Ký ức một thời hoa lửa
Bà Trần Thị Ngoan, cựu thanh niên xung phong (TNXP), 77 tuổi ở xã Yên Lâm (Hàm Yên), bắt đầu câu chuyện đời mình từ một buổi chiều năm 1965, ngày bà trốn gia đình đi TNXP, mang theo trái tim đầy nhiệt huyết của tuổi 18.
Từ những điểm nóng như cầu Hàm Rồng, cầu Tào Xuyên (Thanh Hóa) đến cầu Lai Vu, Phú Lương (Hải Dương), rồi chuyển sang bảo vệ cầu Tam Bạc (Hải Phòng), bà cùng đồng đội đã không quản hiểm nguy, san lấp hố bom dưới mưa bom, bão đạn, giữ cho những cây cầu huyết mạch không bị cắt đứt. Nhưng dấu chân TNXP của bà chưa dừng lại ở đó, năm 1968, bà được điều động vào Trường Sơn.

Lãnh đạo Tỉnh đoàn Tuyên Quang trao tặng kinh phí hỗ trợ xây nhà cho hội viên cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nhân Lý (Chiêm Hóa).
Trên đường 20 Quyết Thắng, nơi 15 phút lại bị rung chuyển bởi đạn bom, bà cùng đồng đội thoăn thoắt san lấp hố bom, thông đường cho những đoàn xe chở thuốc men, lương thực thực phẩm, tải thương, tiếp tế vào chi viện cho chiến trường. Bà Ngoan có 5 năm trong lực lượng TNXP. Năm 1966, một năm sau khi bà trốn gia đình đi TNXP, nhận tin dữ mẹ mất, bà trở về, nhưng đã không kịp chịu tang mẹ...
Tri ân những người từng góp sức mình vào thắng lợi chung của dân tộc, để non sông thu về một mối, năm 2022, huyện Hàm Yên đã tổ chức cho cựu TNXP về thăm lại chiến trường xưa. Bà lại được về thăm những địa danh thân thương gắn với cả thời tuổi trẻ của mình như: Quảng Bình, Quảng Trị, Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang đường 9, Thành cổ Quảng Trị... thắp cho đồng đội nén hương, bà rưng rưng bảo: đồng đội tôi xanh mãi một khoảng trời con gái. Họ mãi mãi tuổi 20.
Ông Nguyễn Biên Cương, cựu TNXP ở thôn 2, xã Trung Môn (Yên Sơn) vẫn nhớ như in những trận bom B52 như trút ở Trường Sơn năm nào: “Giai đoạn 1965 - 1969, tham gia TNXP, tôi ở Đội 25 C459, tôi cùng đơn vị có nhiệm vụ mở đường 20 Quyết Thắng nối ra Đường 9 Nam Lào. Phủ Lý (Hà Nam) quê tôi ngày ấy đi 32 người, ngày trở về chỉ còn vài người”.
Nhớ về những năm tháng bom cày, đạn xới, ông Cương bảo: “Trường Sơn ngày ấy cứ 15 phút có một loạt B52, không cây gì mọc nổi, điều kiện sinh hoạt trong chiến tranh kham khổ lắm, thức ăn chủ yếu chỉ có rau, măng rừng, luộc rau tàu bay chấm muối. Những khi ngơi tiếng súng, chúng tôi lại ra suối vớt cá về cho cấp dưỡng nấu với tai chua, khoai mon làm canh cải thiện chất lượng bữa ăn”.
Trường Sơn, mùa nắng, nắng đổ lửa, mùa mưa, lại mưa dầm dề, quần áo ẩm ướt không sao khô được, không có quần áo mà thay. Da dẻ đàn ông thô tháp là thế mà cũng bị ghẻ, hắc lào hết. Ngày ấy, giặc đánh phá ác liệt, đêm không được soi đèn, cứ 6 - 7h tối anh em trong đơn vị lại cùng nhau đi làm đường, lặng thầm như thế, rồi mọi chuyện cũng qua.
Chiến tranh qua đi, ông Cương lập gia đình với một nữ TNXP người Quảng Bình, rồi chọn Tuyên Quang là mảnh đất an cư lạc nghiệp. Ông bà có 4 người con, 2 trai, 2 gái. Hai người con trai tiếp bước cha mẹ, tham gia chiến tranh biên giới. Gia đình ông, một gia đình có tới 4 cựu chiến binh, như một dòng chảy thiêng liêng, họ sống như thể mỗi ngày là một sự hiến dâng cho đất nước, cho niềm tin vào ngày hòa bình, độc lập, thống nhất của dân tộc.
Độc lập không tự nhiên mà có
Trong ký ức của ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Tuyên Quang, có một bản đồ ký ức trải dài từ đèo Đồng Quận (Chiêm Hóa) đến Cảng Gianh (Quảng Bình), nơi mỗi đoạn đường đều thấm đẫm mồ hôi, máu và lòng quyết tâm son sắt.

Tuổi trẻ Thành Đoàn Tuyên Quang thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, cựu TNXP trên địa bàn thành phố.
Năm 1966 đến 1969, ông Thắng tham gia TNXP mở đường tránh phà Bợ và làm đường từ Chinh vào Linh Đức phục vụ việc phát triển công nghiệp của tỉnh. Ông bảo ngày đó dụng cụ lao động thô sơ lắm, nữ TNXP đi vần đá, nam TNXP dùng dây trạc to buộc lên đỉnh đồi rồi treo người lên không trung, lơ lửng giữa vách núi, dùng choòng để đục lỗ mìn, nổ mìn để hạ bớt độ dốc, độ cao của núi đá, của đèo Đồng Quận (Kim Bình). Từ cái khó, ló cái khôn, đơn vị ông đã tiến hành cải tiến xe cut kit, chặt tre xuống ghép thành mảng để đá lăn trượt thuận lợi, bớt nguy hiểm hơn trong việc bạt sườn đèo, giảm độ cao và độ dốc.
Năm 1968 ông Thắng vào bộ đội, là chiến sỹ Đoàn Pháo cao xạ 214 Sông Gianh (Binh chủng Phòng không Không quân) với nhiệm vụ bảo vệ khu vực từ Đèo Ngang vào cột cờ Vĩnh Linh và bến phà Xuân Sơn. Ông bảo: “Bến phà Long Đại ngày ấy, nếu khi đến còn là một khu rừng rậm, phải chặt cây đi để mở hướng bắn thì chỉ sau 7 ngày mưa bom, bão đạn đã không một ngọn cỏ nào còn tồn tại”.
Nhớ nhất là nhiệm vụ bảo vệ hàng hóa ở cảng những ngày đó rất ác liệt, từ sáng sớm đến đêm khuya, trên thì máy bay quần thảo, ngoài thì tàu biển bắn vào như trút, nên các chiến sỹ phải thay phiên nhau ngủ và trực chiến bắn đuổi, bắn hạ máy bay, đảm bảo con đường được thông suốt, giữ vững tuyến vận tải mạch máu của miền Bắc chi viện cho miền Nam.
Bị thương năm 1972, không đủ sức khỏe tiếp tục tham gia chiến đấu, ông trở về, gắn bó với ngành Điện lực Tuyên Quang. Với ông, ký ức những ngày hoa lửa là câu chuyện nên kể lại cho lớp trẻ hôm nay hiểu rằng độc lập không bao giờ là điều tự nhiên có được.
Ông Nông Đức Thành, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Na Hang vẫn gọi những năm 1965 - 1968 là “thời mở đường bằng mồ hôi và nước mắt”. Ngày ấy, Na Hang chưa có đường dân sinh, chỉ có những lối mòn uốn lượn theo triền núi. Khi tỉnh quyết định mở tuyến đường chiến lược Năng Khả- Thượng Lâm, người trẻ đã hóa thành những nhịp cầu nối liền cách trở. Ngày phá núi làm đường, tối sinh hoạt đoàn thể, lán tre lợp lá cọ, rau rừng, cá suối cầm cự đơn vị qua những mùa thiếu thốn. Có đợt, sốt rét hoành hành, gạo cạn, người được cử ra đèo mang về 25kg gạo, về đến nơi thì gần như đã hết.
Năm 1968, ông rời TNXP nhập ngũ, chiến đấu tại mặt trận Thừa Thiên - Huế, làm lính thông tin. Một lần, bị pháo sượt qua bụng, mà không găm vào bụng, thoát chết trong gang tấc, ông vẫn coi việc sống chết nơi chiến trường là khó tránh và tiếp tục hành quân. Sau chiến tranh, ông về quê, đảm nhận nhiều cương vị khác nhau: làm công an xã, kế toán HTX, dân quân, bất kỳ việc gì ông cũng không nề hà, như cách ông từng đi qua lửa đạn chiến tranh, lặng thầm mà bền bỉ.
Câu chuyện của họ, những người TNXP năm xưa, không chỉ là nguồn sử liệu sống động mà còn là bản anh hùng ca lặng lẽ. Họ, những TNXP đã sống một thời nhiệt thành, oanh liệt, góp phần viết nên từng trang sử bằng chính mồ hôi và máu của mình. Họ mang tuổi xuân đi qua bom đạn, để lại sau lưng những giấc mơ riêng, dấn thân vì giấc mơ lớn của đất nước. Trở về đời thường, họ không kể công, chỉ lặng lẽ sống, như chính con đường họ từng mở, âm thầm mà vững chãi.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/cau-chuyen-ve-nhung-cuu-tnxp-ngay-ay-210958.html