Một thời 'tiếng hát át tiếng bom'
Đối với những người lính Trường Sơn năm xưa, ký ức về những ngày mở đường, bảo vệ con đường chiến lược để chi viện cho chiến trường miền Nam vẫn còn in đậm trong ký ức. Ở đó, lời ca tiếng hát vang lên như liều thuốc tinh thần động viên, khích lệ mọi người cùng vượt qua khó khăn, gian nguy.
Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng nghìn nam nữ tuổi mười tám, đôi mươi xung phong vào chiến trường, làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Chiến trường khốc liệt, giữa tiếng bom rơi đạn nổ, lời ca, tiếng hát chính là sức mạnh tinh thần to lớn, gieo vào lòng mỗi người niềm tin tất thắng.

Một buổi biểu diễn văn nghệ ở mặt trận. Ảnh tư liệu.
Bà Nguyễn Thị Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh tham gia thanh niên xung phong năm 1974 hồi tưởng: “Đơn vị chúng tôi làm nhiệm vụ mở đường. Khó khăn, thiếu thốn, gian nguy, những cơn sốt rét rừng hành hạ. Nhưng sự vui tươi, yêu đời, dạt dào niềm tin của các chị em y như trong bài hát “Cô gái mở đường” của nhạc sĩ Xuân Giao “không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát”. Phong trào văn nghệ sôi nổi đã tiếp thêm nguồn lực tinh thần vô giá cho mỗi chiến sĩ".
Bà Dương Thị Quang ở phường Trần Phú (thành phố Bắc Giang) xin đi Trường Sơn năm 1973. Đợt ấy cả tỉnh Hà Bắc có 500 nữ thanh niên xung phong. Với tinh thần phơi phới, mọi người vượt núi, băng rừng, làm nhiệm vụ mở con đường 20 Quyết thắng. Khó mà tả hết nỗi gian khổ, anh chị em ngày đêm bám trụ, giữ cho “mạch máu” giao thông trên đường Trường Sơn được thông suốt. “Khó khăn là thế nhưng ai nấy đều lạc quan. Ban ngày đi làm, tối đến là sinh hoạt văn nghệ. Tôi là người đam mê ca hát nhưng lúc đó nhạc cụ thiếu thốn, nhiều bữa tình nguyện nhịn ăn để đến trước, “giành” lấy cây đàn rồi hát. Sinh hoạt chi đoàn, chị em hào hứng lấy thìa, vung xoong làm nhạc cụ, vui lắm!", bà Quang nhớ lại.

Các giọng ca nữ chiến sĩ Trường Sơn Bắc Giang gặp mặt kỷ niệm.
Gặp nhau trên đường Trường Sơn khi cả hai cùng tham gia thanh niên xung phong, Thân Văn Bình - chàng trai ở thị xã Bắc Giang ngày ấy quen cô gái quan họ quê ở thị xã Bắc Ninh Nguyễn Thị Chính khi cùng song ca bài “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”. Ông Bình kể: "Chiến trường càng ác liệt, lời ca tiếng hát càng vang lên mạnh mẽ. Tiếng hát như lời hiệu triệu, thúc giục, cổ vũ tinh thần, khơi dậy ý chí chiến đấu". Đối với ông Bình, bà Chính, tiếng hát còn gắn kết, se duyên thành vợ chồng vào năm 1978. Giờ đây, ở tuổi gần 70, hai ông bà vẫn đều đặn tham gia các hoạt động văn nghệ ở địa phương.
Để nhớ về một thời tuổi trẻ hào hùng đã qua, năm 2011, Câu lạc bộ văn nghệ nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Bắc Giang được thành lập. Ban đầu gồm 12 hạt nhân là những giọng ca đường Trường Sơn năm xưa. Câu lạc bộ là nơi giao lưu, gắn kết, chia sẻ niềm đam mê văn nghệ không chỉ của người lính Trường Sơn mà còn của nhiều cựu chiến binh khác. Ngoài thỏa mãn niềm đam mê cá nhân, Câu lạc bộ còn tham gia biểu diễn tại lễ kỷ niệm của Hội Cựu chiến binh, Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong tỉnh và cả nước.
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/mot-thoi-tieng-hat-at-tieng-bom--postid416923.bbg