Câu chuyện về tỷ phú USD với điện thoại đọc thẻ được làm từ…'cục nhựa', khiến Visa và Mastercard 'khiếp vía'
Vào những năm 2000, khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ có chung một 'kẻ thù': Ngân hàng và hàng loạt phí cà thẻ tín dụng cao đến mức vô lý, 'cục nhựa Square' xuất hiện, biến chiếc điện thoại thông minh trở thành máy đọc thẻ hữu dụng...
Dành trọn thanh xuân để thổi thủy tinh
Jim McKelvey dành trọn thanh xuân của mình cho thủy tinh từ những năm 1980, bắt đầu bằng những chuyến "du học" tại xưởng của các bậc thầy trên toàn thế giới.
Đến năm 2001, McKelvey dồn hết kinh nghiệm và vốn liếng để mở xưởng thủy tinh Third Degree, với tay nghề cao của mình, doanh thu và số lượng khách hàng của McKelvey ngày một phát triển.
Đến năm 2009, một khách hàng lặn lội từ Panama đến xưởng của McKelvey để xem hàng, vị khách này đã chọn ngay một vòi nước thủy tinh trị giá 3.000 USD. Mặc cho giá thành "cao chót vót", mọi chuyện vẫn suôn sẻ cho đến lúc chiếc thẻ American Express xuất hiện.
McKelvey hoảng hốt: "Xin lỗi chị, tiệm chúng tôi không sử dụng American Express, chị có thẻ Visa không?"
Vị khách trả lời: "Không, hình như chồng chị có, mà anh ấy đang đi công tác tuần sau mới về."
Và đó là lần cuối cùng McKelvey còn nhìn thấy vị khách, cửa tiệm đã "mất toi" 3.000 USD chỉ vì vấn đề không ai nghĩ tới.
Trước khi "tai nạn" này xảy ra, xưởng Third Degree cũng một vài lần nhận thanh toán bằng thẻ Visa, nhưng đa phần khách hàng sử dụng tiền mặt.
Cục nhựa vuông – trợ thủ đắc lực cho điện thoại đọc thẻ
Đối với mọi người, sự việc trên chỉ là một sự cố đáng tiếc và sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng. Nhưng nó lại là một "vấn đề nghiêm trọng" với McKelvey, anh không thể ngưng nghĩ về nó và chia sẻ với người bạn thân Jack Dorsey – đồng sáng lập Twitter.
Vào thời điểm đó, thanh toán bằng thẻ tín dụng là một "ác mộng" với những doanh nghiệp vừa và nhỏ vì "phí quẹt thẻ" có thể lên đến 6%. Nếu như thanh toán thành công phi vụ American Express, McKelvey phải chi đến 180 USD cho ngân hàng.
McKelvey và Dorsey ngay lập tức bắt tay vào giải quyết vấn đề, vì thời nay ai cũng có điện thoại thông minh, nên hai chàng trai quyết định sẽ biến thiết bị đó thành một máy đọc thẻ hữu dụng.
Sau khi phát triển mẫu đầu tiên, cả hai gần như không còn ngân sách cho quảng cáo và kêu gọi đầu tư. Dorsey liền ra đưa một giải pháp lạ, công bố tài liệu mang tên "140 lý do mà Startup Square sẽ thất bại", trong đó ghi rõ từng trường hợp và yếu tố có khả năng gây khó khăn cho Square, nhưng ngay ở dưới mà một hướng giải quyết tài tình.
Hàng trăm "bí kíp thất bại" được gửi đến tận cửa các nhà đầu tư khắp Thung lũng Silicon, và chỉ vài ngày sau đó, Dorsey đã trên đường đến cuộc họp gọi vốn đầu tiên.
Do đã hoàn tất một máy đọc mẫu và ứng dụng thanh toán vào lúc đó, nên phần trình bày của Dorsey đi ngay vào trọng tâm, biến chiếc điện thoại thành máy đọc thẻ trong tích tắc, khiến không ít nhà đầu tư trầm trồ.
Đến cuối năm 2019, Square đã mang về hơn 10 triệu USD từ vòng Series A dẫn dắt bởi quỹ Khosla Ventures.
Tốc độ "kinh hoàng"
Tuy không sở hữu một đội sale nào, nhưng đến giữa năm 2011, hệ thống Square đã xử lý hơn 266 triệu USD tiền giao dịch. Với mức phí chỉ 3,5%, thấp hơn nhiều so với các hệ thống "quẹt thẻ" khác trên thị trường, và chưa kể tiết kiệm được vô số chi phí lắp đặt, Square nhanh chóng trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đến năm 2011, Square tiếp tục trở thành một thương hiệu sáng giá trên thị trường tài chính khi gọi được tổng cộng hơn 130 triệu USD từ Kleiner Perkins. "Cục nhựa vuông" đã vươn lên định giá 150 triệu USD chỉ sau 2 năm thành lập, một con số hết sức ấn tượng trong ngành tài chính nói riêng và giới startup nói chung.
Đến tháng 8 năm 2012, Square đã bước chân ra thị trường tiêu dùng với hợp đồng hợp tác độc quyền với chuỗi cà phê Starbucks, qua đó trở thành phương thức thanh toán duy nhất ngoài tiền mặt tại hơn 7.000 địa điểm cà phê "sang chảnh".
Không những thế, mô hình của Square còn hấp dẫn đến mức Starbucks chủ động thương thuyết trở thành nhà đầu tư, với số vốn hơn 25 triệu USD để đổi lấy một ghế hội đồng quản trị cho CEO Howard Schultz.
Sau khi trở thành một sản phẩm "nổi tiếng", tổng giá trị của Square đã vươn lên mức 3,25 tỷ USD.
Vinh quang và chông gai
Chỉ khi Square thành công vang dội và phá nhiều kỷ lục gọi vốn trong ngành tín dụng, rất nhiều gã khổng lồ ngân hàng mới ra sức "tiếc rẻ" vì ý tưởng của Square quá đơn giản.
Không những thế, những doanh nghiệp vừa và nhỏ và "vấn nạn" thanh toán bằng thẻ dù đã được công khai trong nhiều báo cáo nhưng cũng đã nhanh chóng bị bỏ qua. McKelvey và Dorsey chính là cặp đôi đầu tiên lắng nghe và nỗ lực giải quyết "vấn nạn" của những cửa tiệm cà phê, tiệm hoa hay tiệm bánh …
Chính vì thế, đến giữa năm 2011, tức chưa đầy 3 năm kể từ khi thành lập, Square đã bán thành công hơn 500.000 sản phẩm và hỗ trợ thanh toán hơn 1 tỷ USD, tất cả thông qua "marketing truyền miệng" giữa những chủ doanh nghiệp với nhau.
Nhận ra rằng "cục nhựa vuông" sẽ dễ dàng bị sao chép bởi các tổ chức tín dụng khác, Square liên tục mở rộng hệ sinh thái của mình với ví điện tử, ứng dụng chuyển tiền và đặt biệt là "quỹ đầu tư" Square Capital vào năm 2014.
Điều khiến Square Capital ngay lập tức thu hút sự quan tâm là mô hình "ứng tiền" rất linh hoạt. Thay vì "cho mượn - lấy lãi" như các tổ chức tín dụng khác, Square sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp một khoản tiền, và liên tục trừ dần qua các lần giao dịch thông qua hệ thống Square.
Mô hình này một lần nữa đánh vào "thị trường ngách" mà các ngân hàng bỏ ngỏ: Doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu vay nhưng không có tài sản đảm bảo.
Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực trên vẫn không cứu vớt được một cuộc IPO "thảm hại". Tự tin xuất hiện trên sàn chứng khoán nhưng chỉ được mang về 9 USD cho mỗi cổ phiếu, tổng giá trị của Square vào năm 2015 rớt xuống chỉ còn 2,9 tỷ USD, chưa tới một nửa so với kỳ vọng của nhà đầu tư.
Không để kết quả trên ảnh hưởng, Square vẫn kiên định hỗ trợ những khách hàng vừa và nhỏ, cải thiện kết quả kinh doanh qua từng năm và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.
Tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu của Square đã chạm kỷ lục 90 USD, nâng tổng giá trị của tập đoàn lên hơn 10 lần chỉ trong vòng 4 năm.
Với doanh thu hơn 2,6 tỷ USD hiện tại, Square đã bắt đầu rục rịch cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho toàn bộ doanh nghiệp trên nước Mỹ, sẵn sàng "phá bĩnh" thị trường tài chính nước Mỹ một lần nữa.