Câu chuyện xúc động về người nông dân tháo bàn thờ làm bánh xe cút kít chở lương thực phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ
Tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, các du khách không khỏi xúc động khi nghe câu chuyện về tiểu sử của chiếc xe cút kít, có bánh được làm bằng chiếc bàn thờ của gia đình cụ Trịnh Đình Bầm (xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Đây là chiếc xe được cụ Bầm tham gia vận chuyển 12.000 kg lương thực tiếp tế lên chiến trường Điện Biên Phủ.
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ:
Hy sinh những điều thiêng liêng cho cách mạng
Thời điểm chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những hậu phương vững chắc cho tiền tuyến Điện Biên Phủ. Người người, nhà nhà huy động sức người, sức của, dốc toàn lực cho chiến trường. Nhiều chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi khắp các làng xã xung phong tình nguyện tham gia vào đoàn dân công để vận chuyển lương thực tiếp tế cho bộ đội ta ở chiến trường.
Cụ Trịnh Đình Bầm khi đó ngoài 20 tuổi. Trước ngày chuẩn bị lên đường đi tải lương, do gia đình nghèo khó, không có xe đạp, nếu vận chuyển bằng quang gánh sẽ không được bao nhiêu nên cụ đã quyết định chế tạo chiếc xe đẩy bằng gỗ (xe cút kít). Chiếc xe này có thể vận chuyển được nhiều lương thực, rất thuận tiện.
Cụ Bầm đã tìm những mảnh gỗ, ván trong nhà làm vật liệu. Tuy nhiên, chiếc xe bị thiếu bánh, trong khi cả nhà không còn tấm gỗ nào. Sau khi ngước lên bàn thờ gia tiên, cụ suy nghĩ sẽ tháo chiếc bàn thờ để làm bánh xe. Cụ bàn với bố mẹ nhưng gia đình rất lo sợ vì bàn thờ thường được coi là nơi linh thiêng, nếu tháo dỡ sẽ gặp xui xẻo.
Cụ cố gắng thuyết phục mọi người, gia đình cũng thống nhất để cụ thực hiện trách nhiệm với non sông. Trước khi tháo bàn thờ, cụ thắp hương gia tiên xin được dùng bàn thờ làm bánh xe cút kít, phục vụ cho kháng chiến.
Phần gỗ lấy từ bàn thờ được cụ Bầm đẽo gọt thành hình tròn làm bánh xe. Chiếc xe cút kít có chiều dài hơn 200 cm, càng xe làm bằng gỗ, hai chân chống bằng tre và bánh xe được ghép từ 3 mảnh gỗ khác nhau, trong đó có một mảnh gỗ được lấy từ chiếc bàn thờ gia tiên nhà cụ Bầm.
Sau khi hoàn thành chiếc xe, cụ Bầm tích cực tham gia vận chuyển lương thực trên đoạn đường dài hơn 20 km với nhiều con dốc, đèo núi từ kho lương Sánh - Lược (huyện Thọ Xuân) lên Phố Cống - Trạm Luồng (huyện Ngọc Lặc). Trong vòng 4 tháng, trung bình 3 ngày một chuyến, cụ đã vận chuyển được khoảng 12.000 kg lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hiện chiếc xe cút kít nguyên bản của gia đình cụ Trịnh Đình Bầm được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Một đoàn khách nước ngoài khi tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nghe câu chuyện về chiếc xe cút kít đặc biệt này đã phải thốt lên: “Một dân tộc nào mà dám hy sinh những điều thiêng liêng tín ngưỡng của mình để giành độc lập tự do, chắc chắn dân tộc đó sẽ giành chiến thắng”.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là kết tinh của sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Trong bài diễn văn của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sáng 7/5 tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Thủ tướng nêu rõ: "Đây là đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”, là thắng lợi của tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, là sự kết tinh sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (21/7/1954) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam; tạo cơ sở, tiền đề cho việc giải phóng, xây dựng miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội và nền tảng vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".
Thủ tướng cũng nhấn mạnh về tinh thần đoàn kết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã làm nên chiến thắng vĩ đại: "Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là kết tinh của sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là chiến thắng của chính nghĩa, của lòng dân, của lương tri và phẩm giá con người, được dẫn dắt bởi đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo; bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu, từ truyền thống yêu nước nồng nàn và tinh thần đoàn kết đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, được Nhân dân các dân tộc Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước phát huy cao độ và tận tâm, tận lực dốc sức, đồng lòng, đóng góp sức người, sức của cho Chiến dịch.
Đặc biệt, góp phần trực tiếp làm nên chiến thắng là sự cống hiến, hy sinh to lớn của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng - một đội quân “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu” với hơn 4 vạn cán bộ, chiến sĩ đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những tấm gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh anh dũng trên chiến trường là minh chứng sinh động cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và với Nhân dân".
Theo tài liệu từ các nhà nghiên cứu, tướng De Castries (Đờ-ca-xtơ-ri) sau khi bị bắt ở Điện Biên Phủ đã được phía ta trả tự do về Pháp. Khi về nước, vị tướng bại trận này đã thú nhận trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp: "Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”.
Sau này, chúng ta có cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Strange McNamara đã phải thừa nhận: Mỹ thua vì không hiểu được chiều sâu văn hóa giữ nước của người Việt.