Câu đố Tiếng Việt: 'Nồng nàn' vốn là tính từ chỉ cái gì?
Nếu bạn giải được câu đố này chứng tỏ bạn rất am hiểu kiến thức Tiếng Việt.
Ngôn ngữ Việt có nhiều từ khá thú vị, được sử dụng hàng ngày nhưng ít người biết nguồn gốc sâu xa. "Nồng nàn" là một từ nằm trong trường hợp đó.
Chúng ta thường dùng từ "nồng nàn" với nghĩa đen để chỉ "sự đậm mùi một cách dễ chịu", còn nghĩa bóng là "sâu đậm, thiết tha". Nhìn chung, từ "nồng nàn" mang sắc thái tích cực. Thế nhưng ít ai biết rằng từ này vốn chỉ những điều hoàn toàn khác.
Trong cuốn Đại Nam Quốc Âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của có giảng: "Nồng: Mùi cay nồng, hăng gắt", "Nồng nàn: Nồng quá".
Về điều này, từ điển An Nam – Lusitan – La Tinh (1651), A.de Rhodes có giảng: "Nồng nàn: Không có sự tôn kính, bất nhã, xấc xược. Đồng nghĩa với dể ngươi". Từ điển từ cổ của Vương Lộc cũng giải thích như sau: "Nồng nàn: Ngang ngược, cay nghiệt (không có sự tôn kính, bất nhã, xấc xược)".
Thực tế, "nồng nàn" với nghĩa "bất nhã, cay nghiệt" đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học trung đại, chẳng hạn như:
- "Mụ càng kể nhặt, kể khoan,
Gạn gùng đến mức nồng nàn mới tha". (Truyện Kiều)
- "Thờ cha sớm viếng khuya hầu,
Chẳng may gặp phải mẹ sau nồng nàn". (Nhị thập tứ hiếu, Mẫn Tử Khiêm)
Như vậy, "nồng nàn" vốn có nghĩa đen là "rất hăng, gắt" và nghĩa bóng là "xấc xược, cay nghiệt". Về sau, hẳn do bị ảnh hưởng bởi "nồng say", "nồng thắm" mà từ này chuyển sang chỉ sự "đậm mùi một cách dễ chịu" và "sâu đậm, thiết tha".
Ngoài ra, trong kho tàng Tiếng Việt còn có nhiều từ thú vị khác:
- "Trộm vía": Nghĩa là "lén các vía (để làm gì đó)", hiểu nôm na là một lời xin phép.
- "Mít ướt": Vốn là tên của một loại mít có múi mềm nhão. Về sau, được dùng để chỉ những người hay khóc.
- "Mưa ngâu": Đây vốn là tên gọi của chòm Ngưu, chứa sao Ngưu Lang (Altair) và Chức Nữ (Vega). Đây cũng là những ngôi sao rất sáng trên bầu trời đêm mà người xưa đã dùng để định vị đường đi.
- "Ông xã, bà xã": Xuất xứ của chữ "xã" dùng để gọi vợ hoặc chồng chỉ người tâm phúc, cùng chí hướng. Tình cảm đó chỉ vợ với chồng mới có được. Trong Tiếng Hán, chữ "xã" bao gồm chữ "thần" (tức là tình cảm, tâm linh) kết hợp với chữ "thổ" (tức là đất, chỉ tài sản và vật chất). Triết học phương Đông xem mỗi con người là một thế giới, cần phải hội tụ cả tâm linh lẫn vật chất.
- "Chuột rút": Đây là một cách nói bắt nguồn từ phương Tây, dựa trên sự đồng âm của "chuột" và "bắp thịt". Trong miền Nam, hiện tượng này còn được gọi là "vọp bẻ".
- "Nghèo rớt mồng tơi": Không phải là loại rau mồng tơi như mọi người vẫn nghĩ. Ở đây, từ "mồng tơi" là bộ phận của chiếc áo tơi.