Cầu 'dùng gỗ kê dưới mố' được sửa chữa thế nào?
Trước việc khe co giãn và phần mố cầu Rác ở Hà Tĩnh bị hư hỏng phải dùng ván gỗ kê dưới mố để giảm rung chấn, đơn vị quản lý tuyến đang tập trung sửa chữa.

Thời điểm này, Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng 126 - đơn vị đảm nhận việc sửa chữa trên cầu Rác cũ (nằm phía trái tuyến quốc lộ 1, hướng di chuyển từ Bắc vào Nam) thuộc địa phận xã Cẩm Trung (Cẩm Xuyên) bắt đầu triển khai việc phân luồng giao thông để tiến hành sửa chữa hư hỏng khe co giãn và phần mố cầu phía Nam bị vỡ bê tông bản cánh dầm (lớp bê tông bọc đầu dầm cầu).


Hiện nay, phương tiện lưu thông qua đoạn tuyến được di chuyển trên cầu Rác mới - nằm ở phía phải tuyến quốc lộ 1. Trên cầu Rác mới, dải phân cách mềm được lắp đặt để chia 2 hướng cho phương tiện di chuyển.


Để đảm bảo an toàn, nhà thầu cũng lắp đặt cọc tiêu, biển báo cảnh báo khu vực đang thi công, biển hạn chế tốc độ lần lượt 70km/h và 50km/h và đổ một số đống cát giảm va chấn...


Các thiết bị, vật liệu, máy móc được vận chuyển tới hiện trường để tiến hành việc thi công sửa chữa.

Phía Nam của cầu Rác cũ đã được đóng lại, không cho phương tiện lưu thông để phục vụ công tác khắc phục hư hỏng.

Theo tìm hiểu của PV Báo Hà Tĩnh, dự án sửa chữa đột xuất cầu Rác cũ có tổng mức đầu tư 3,3 tỷ đồng, trong đó, giá trị xây lắp 2,95 tỷ đồng, do Khu Quản lý đường bộ II (Cục Đường bộ Việt Nam) làm chủ đầu tư và Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng 126 là đơn vị thi công. Thời gian thực hiện dự án là từ 17/4 tới 16/7/2025.

Trao đổi về phương án thi công, ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc điều hành dự án cho hay: Tại phần mố cầu phía Nam, nhà thầu cào bóc phần bê tông nhựa cũ để kiểm tra mức độ hư hỏng của bản mặt cầu, từ đó lựa chọn phương án thi công phù hợp. Ngoài ra, khe co giãn hư hỏng cũng sẽ được loại bỏ, thi công thay thế khe co giãn mới.


Lớp bê tông bọc đầu dầm cầu đã hư hỏng sẽ được đục bỏ, thay thế mới và bổ sung thêm dầm ngang để tăng liên kết cho cầu. Trước khi đục bỏ phần hư hỏng, những tấm ván gỗ kê dưới mố để giảm rung chấn cũng được tháo ra.

Do phần bê tông bọc đầu dầm mố phía Nam của cầu Rác cũ đã bị hỏng nằm trong khu vực địa hình khó tiếp cận với máy móc nên quá trình thi công phần lớn dựa vào thủ công.

Cùng với sửa chữa khe co giãn, thay thế bản cánh dầm, mặt cầu Rác cũ cũng sẽ được cào bóc, thảm lại lớp bê tông nhựa mới dày 7cm để đảm bảo an toàn cho phương tiện khi lưu thông qua đây.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, quốc lộ 1 là tuyến giao thông huyết mạch của Hà Tĩnh với lượng phương tiện lưu thông lớn, đơn vị đang yêu cầu nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc để triển khai thi công, hoàn thành việc khắc phục hư hỏng trong thời gian sớm nhất có thể.

Bên cạnh việc đảm bảo tiến độ thi công, chất lượng công trình, nhà thầu cũng cần đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình triển khai công việc.
Video: Sửa chữa hư hỏng ở cầu Rác.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/cau-dung-go-ke-duoi-mo-duoc-sua-chua-the-nao-post287373.html