Làm gì để cấp xã thực sự mạnh?

Ban Chấp hành Trung ương đồng ý chủ trương kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trên toàn quốc từ ngày 1-7-2025. Việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã, phường) là một bước đi đột phá, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và gần dân hơn.

Vậy làm thế nào để cấp xã, phường (gọi chung là cấp xã) - đơn vị hành chính cơ sở, trực tiếp nhất với người dân đủ sức "gánh vác" những trọng trách lớn hơn, đảm bảo sự vận hành thông suốt và hiệu quả của toàn hệ thống?

Những “liều thuốc tăng lực”

Chính phủ đã ban hành Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 phê duyệt “Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp”. Chính quyền địa phương cấp xã gồm có HĐND và UBND. HĐND cấp xã thành lập 2 ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội. UBND cấp xã thành lập tối đa 4 phòng và tương đương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo, gồm: Văn phòng HĐND và UBND; Phòng Kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc); Phòng Văn hóa - Xã hội; Trung tâm phục vụ hành chính công (xác định là tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp xã). Căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế xã hội của các đơn vị hành chính cấp xã, Chính phủ định hướng giao tổng biên chế chính quyền địa phương cấp xã cho các địa phương (dự kiến bình quân khoảng 32 biên chế/1 cấp xã). Với việc tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, ngoài thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như hiện nay, cấp xã sẽ đảm nhiệm thêm nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện; được phân cấp, phân quyền nhiều hơn.

Xây dựng chính quyền 2 cấp góp phần giúp cán bộ gần dân hơn. Trong ảnh: Đồng chí Đỗ Thị Thân (ngoài cùng bên phải), Phó Chủ tịch UBND xã Quý Quân (huyện Yên Sơn) cùng cán bộ xã thăm mô hình kinh tế tại thôn 5.

Xây dựng chính quyền 2 cấp góp phần giúp cán bộ gần dân hơn. Trong ảnh: Đồng chí Đỗ Thị Thân (ngoài cùng bên phải), Phó Chủ tịch UBND xã Quý Quân (huyện Yên Sơn) cùng cán bộ xã thăm mô hình kinh tế tại thôn 5.

Để cấp xã thực sự mạnh, đủ năng lực đảm đương vai trò mới, cần một cuộc "đại phẫu" toàn diện. Quy định của Ban chỉ đạo Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính nêu rõ: chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có về cấp xã, ngoài ra có thể tăng cường cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh về cấp xã. Việc "xã mạnh lên" không thể chỉ là việc giao thêm quyền, thêm người một cách cơ học. Nó đòi hỏi một chiến lược tổng thể, đồng bộ, một cuộc "cải cách trong cải cách" ở chính cấp cơ sở. Điều đồng chí Bàn Xuân Triều, nguyên Chủ tịch MTTQ tỉnh mong muốn, để xã mạnh lên thì cần phát huy dân chủ cơ sở và có cơ chế giám sát hiệu quả. Trong đó, tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức này phải thực sự là cầu nối, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tham gia giám sát, phản biện xã hội mạnh mẽ. Đồng thời đề cao vai trò của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, người có uy tín, đây là những "cánh tay nối dài" quan trọng của chính quyền xã trong việc tuyên truyền, vận động và nắm bắt tâm tư người dân. Mọi chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển, thu chi ngân sách của xã phải được công khai để người dân biết, bàn, làm, kiểm tra.

Xứng đáng vai trò trụ cột

Mới đây, HĐND tỉnh vừa thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và hợp nhất với tỉnh Hà Giang. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thảo luận, xem xét và thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Tuyên Quang. Theo nghị quyết, tỉnh Tuyên Quang tiến hành sắp xếp 134 xã, phường, thị trấn hiện có để thành lập mới 48 đơn vị hành chính cấp xã. Đồng thời giữ nguyên 3 đơn vị hành chính cấp xã là Trung Hà, Hùng Đức, Kiến Thiết. Sau sắp xếp, toàn tỉnh còn 51 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 46 xã và 5 phường.

Trong các năm 2019 và 2024, huyện Sơn Dương đã thực hiện sáp nhập 6 xã thành 3 xã. Trong đó năm 2024, xã Hồng Lạc sáp nhập với xã Vân Sơn thành xã Hồng Sơn từ ngày 1-9-2024. Sau gần 1 năm sáp nhập mọi hoạt động địa phương đều cơ bản, đồng nhất thuận lợi. Đồng chí Đỗ Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Sơn chia sẻ, khi sáp nhập cấp xã, bỏ cấp huyện thì việc tiên quyết là cần phải quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo các trụ sở đơn vị hành chính cấp xã phù hợp với quy mô tổ chức bộ máy mới, địa điểm thuận lợi cho cán bộ, công chức làm việc và người dân đến giao dịch. Bên cạnh đó cần chú trọng có đầu tư đường giao thông để người dân đến trung tâm xã thuận tiện hơn.

Việc tiến hành sáp nhập xã và bỏ cấp huyện là một quyết định mang tính đột phá, hứa hẹn mang lại những lợi ích dài hạn về tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý. Tuy nhiên Tuyên Quang là một tỉnh miền núi với những đặc thù riêng nên cần có những nhìn nhận chính xác khó khăn để đưa ra giải pháp phù hợp. PGS. TS Lâm Quốc Tuấn, Viện Trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, đặc trưng của một tỉnh miền núi như Tuyên Quang là địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, và dân cư sinh sống rải rác ở các thôn, bản. Việc sáp nhập các xã có thể tạo ra những đơn vị hành chính mới có diện tích rộng lớn, gây khó khăn trong việc quản lý, điều hành và tiếp cận dịch vụ công của người dân, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa. Do đó cùng với việc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thông tin thì việc thực hiện tốt phong trào “bình dân học vụ số'' sẽ giúp trang bị kỹ năng cơ bản để người dân tự thực hiện các thao tác đề nghị giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh gọn, hiệu quả. Từng bước đáp ứng được yêu cầu của chính quyền điện tử, chính quyền số trong thời đại mới.

Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là phải hoàn thành việc bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp xã, và khoảng 4 tháng nữa là việc sáp nhập tỉnh phải xong, đi vào vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Chính sách nhất quán và quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính cấp huyện, cấp xã đã và đang tạo nên những chuyển biến tích cực, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho hệ thống chính trị cơ sở. Với sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống và sự hưởng ứng của người dân, tin tưởng rằng chủ trương này sẽ sớm đi vào chiều sâu, thực sự nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo một nền hành chính phục vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân và sự phát triển của đất nước.

Bài, ảnh: Giang Lam

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/lam-gi-de-cap-xa-thuc-su-manh-211437.html