Câu hỏi 'Ai sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc' phủ bóng bầu cử Australia
Lá phiếu của cử tri Australia hôm 21/5 sẽ quyết định số phận Thủ tướng Scott Morrison nhưng dù ai ngồi vào chiếc ghế ấy, chính sách đối ngoại của Canberra sẽ không có thay đổi lớn.
“(Về ngoại giao), sẽ có sự tiếp nối về chính sách và thay đổi nhỏ ở ngoài rìa”, ông Carl Thayer, giáo sư trường Nhân văn và Khoa học xã hội, thuộc Đại học New South Wales (Australia), nói với Zing hôm 19/5.
“Chúng tôi đã xác định rạch ròi lợi ích quốc gia. Điều thay đổi sẽ chỉ là những gương mặt mới để gặp gỡ, chào sân và tìm hiểu về người đồng cấp”, ông Thayer nói. “Cả hai đảng sẽ vẫn ủng hộ Đông Nam Á trong vấn đề Biển Đông”.
Khoảng 17 triệu cử tri Australia sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử liên bang ngày 21/5 để chọn ra chủ nhân của toàn bộ 151 ghế tại Hạ viện Australia và của 40 trên 76 ghế tại Thượng viện. Đảng hoặc liên minh nào giành được đa số ghế tại Hạ viện có quyền lập chính phủ mới.
Kết quả cuộc bầu cử sẽ quyết định liệu liên minh hai đảng Tự do - Quốc gia của Thủ tướng Scott Morrison có thể trụ lại trong 3 năm tiếp theo sau 9 năm nắm quyền hay không. Đối thủ chính của liên minh cầm quyền là Công đảng, bên cạnh các đảng nhỏ và ứng viên độc lập.
Phép màu có lại đến với ông Morrison?
Đây dự kiến là cuộc đua rất sát nút. Hôm 18/5, thăm dò cử tri cho thấy Công đảng đang dẫn trước liên minh Tự do - Quốc gia với tỷ lệ chỉ 51-49%, theo CNBC. Chênh lệch giữa hai bên đã thu hẹp kể từ lần thăm dò hai tuần trước đó, khi tỷ lệ này là 54-46%.
Tuy kết quả thăm dò nghiêng nhẹ về Công đảng, người ủng hộ chính quyền của Thủ tướng Morrison vẫn ôm hy vọng liên minh đảng Tự do - Quốc gia có thể một lần nữa lặp lại “phép màu” trong cuộc bầu cử năm 2019.
2019 là năm chính quyền ông Morrison giành chiến thắng bất chấp nhiều năm lục đục nội bộ, vượt ra khỏi dự đoán của giới phân tích. Chiến thắng này càng thêm bất ngờ vì suốt hơn 2 năm trước đó, tỷ lệ ủng hộ đối với liên minh Tự do - Quốc gia luôn thấp hơn Công đảng.
Dù nhà lãnh đạo tiếp theo là ai, họ cũng sẽ phải cầm lái Australia trước tình trạng giá cả leo thang một phần do giao tranh Ukraine gây ra, thảm họa khí hậu tới dồn dập và quan hệ nguội lạnh với Trung Quốc.
Trước đó, Australia đã có thể vượt qua đại dịch với mức tăng trưởng kinh tế mạnh và tỷ lệ thất nghiệp thấp. Nhưng các gói cứu trợ kinh tế đã khiến nước này phải gánh thêm khoản nợ hàng trăm tỷ USD, kể cả khi Australia vẫn nằm trong số những nền kinh tế phát triển có nợ thấp nhất.
Cả liên minh Tự do - Quốc gia và đảng đối lập Lao động đều không có kế hoạch cụ thể nhằm giải quyết tình trạng nợ công của đất nước. Người chiến thắng sẽ phải cân bằng giữa chính sách tài khóa và việc giảm tác động lạm phát, nhất là khi chi phí sinh hoạt là vấn đề được cử tri quan tâm nhất trong các bảng khảo sát.
Chính quyền tiếp theo của Australia cũng phải tìm cách tránh để xảy ra những thảm họa khí hậu nghiêm trọng như cháy rừng và lũ lụt. Một trách nhiệm khác sẽ là giải quyết vấn đề phân biệt giới tính tại nghị viện nước này sau hơn một năm xuất hiện nhiều cáo buộc xâm hại tình dục.
“Bầu cử kaki” bị vấn đề kinh tế lấn át
Bằng thẩm quyền thủ tướng, ông Morrison vào đầu tháng 4 đã tuyên bố tổ chức bầu cử liên bang vào ngày 21/5.
“Chính quyền đương nhiệm lúc đầu cố gắng để dịp này trở thành ‘cuộc bầu cử kaki’ nhưng bây giờ chủ đề chính xoay quanh kinh tế”, ông Thayer nói với Zing.
Kaki là màu thường được dùng trong quân phục. “Bầu cử kaki” là thuật ngữ chỉ cuộc bỏ phiếu với chủ đề chính xoay quanh vấn đề an ninh quốc gia.
Trong các thông điệp trước ngày bầu cử, chính quyền đương nhiệm tập trung xoáy sâu vào việc mình đã có thể cứng rắn với Trung Quốc và giúp tăng cường an ninh cho Australia khi tham gia liên minh AUKUS.
Peter Dutton, Bộ trưởng Quốc phòng của chính quyền Australia đương nhiệm, gần đây cũng đẩy mạnh thông điệp cứng rắn, nhấn mạnh “cách duy nhất để duy trì hòa bình là chuẩn bị cho chiến tranh”.
Nhưng theo khảo sát hồi tháng 4 của Ipsos, an ninh quốc gia không còn nhận được sự quan tâm của cử tri như trước. Theo khảo sát này, 5 vấn đề được cử tri quan tâm nhất là chi phí sinh hoạt, chăm sóc y tế, kinh tế, nhà ở và giá dầu.
Ngoài ra, với mức lạm phát tăng cao kỷ lục trong 20 năm qua, hơn một nửa người tham gia khảo sát của Ipsos bày tỏ lo lắng về giá cả leo thang, so với 34% trong cuộc bầu cử liên bang năm 2019. 30% người tham gia lo ngại về nhà ở.
Trong một khảo sát khác của Đại học Quốc gia Australia, an ninh quốc phòng chỉ là vấn đề đứng thứ 9 trong danh sách các vấn đề được cử tri quan tâm nhất, xếp sau chi phí sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, y tế, biến đổi khí hậu, giáo dục, việc làm, Covid-19 và chính sách đối ngoại…
"Ai sẽ cứng rắn hơn trước Bắc Kinh"?
“Trong chiến dịch tranh cử này, mỗi bên đều cáo buộc lẫn nhau liên quan tới Trung Quốc”, giáo sư Thayer nói với Zing.
Trong bối cảnh Australia còn căng thẳng với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của nước này, câu hỏi “ai sẽ cứng rắn hơn trước Bắc Kinh” đã trở thành một chủ đề thường được nhắc đến trong các cuộc tranh luận giữa chính quyền đương nhiệm và đảng đối lập.
Ngay từ trước khi chiến dịch bầu cử liên bang bắt đầu, Liên minh Tự do - Quốc gia cầm quyền khẳng định Công đảng sẽ “dễ dãi hơn” với Bắc Kinh.
Hồi tháng 2, Thủ tướng Morrison từng cáo buộc ông Richard Marles, phó lãnh đạo Công đảng, là “con rối” vì ông Marles từng kêu gọi tăng cường quan hệ song phương với Trung Quốc trong một bài phát biểu năm 2019. Ông Morrison sau đó rút lại phát ngôn này.
Trong khi đó, sau khi thỏa thuận an ninh giữa Quần đảo Solomon và Trung Quốc bất ngờ bị rò rỉ, Công đảng cáo buộc liên minh cầm quyền đã “ngủ quên trên tay lái” trong vấn đề an ninh của Australia, bất chấp các dấu hiệu cảnh báo Honiara đang xích lại gần Bắc Kinh.
“Phát ngôn của các bên rất cực đoan”, ông Thayer nói với Zing. “Nhưng sau khi có kết quả bầu cử, (chính quyền mới) vẫn sẽ có sự tiếp nối về chính sách”, ông Thayer nói.
“Chính sách của chính quyền đương nhiệm là Trung Quốc phải chủ động có bước đi đầu tiên. Khi nào Trung Quốc cho phép bộ trưởng hai nước trao đổi với nhau, chúng ta sẽ có thể bắt đầu bàn về việc hàn gắn quan hệ”, giáo sư Thayer cho biết.
Công đảng cũng có thái độ cứng rắn nhưng nếu họ giành chiến thắng, cơ hội cải thiện quan hệ với Trung Quốc sẽ lớn hơn vì Công đảng “không trực tiếp liên quan tới những phát ngôn công kích Trung Quốc”, theo ông Thayer.
Quan hệ với ASEAN có thể được điều chỉnh nhỏ
Không chỉ về Trung Quốc mà trên phương diện quan hệ đối ngoại nói chung, giữa liên minh Tự do - Quốc gia cầm quyền và Công đảng không có mấy sự khác biệt.
Theo giáo sư Thayer, Công đảng cũng ủng hộ việc chính quyền Thủ tướng Morrison ký kết hiệp định AUKUS với Mỹ và Anh, dù điều này một phần có ảnh hưởng tiêu cực lên quan hệ với Pháp. Cả hai đều ủng hộ QUAD - liên minh lỏng lẻo giữa Australia với Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản.
Về ASEAN, giáo sư Thayer nhận định chính quyền đương nhiệm đã đặt ra ưu tiên xây dựng quan hệ với ASEAN và điều này cũng sẽ tiếp diễn kể cả khi Công đảng chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.
“Công đảng đã nói họ sẽ ưu tiên Đông Nam Á và sẽ cung cấp thêm viện trợ ODA - vốn bị chính quyền đương nhiệm cắt bớt”, ông Thayer nói với Zing. “Nói cách khác, việc phe đối lập chiến thắng sẽ là cơ hội để đưa ra những điều chỉnh tương đối nhỏ nhưng dù sao vẫn quan trọng”.
Đảng nào của Australia giành chiến thắng cũng sẽ phải đánh giá lại hệ quả từ Sau Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ hồi tháng 5 để tìm ra phương hướng mới cho quan hệ ASEAN - Australia, vốn đã được nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2021.
“Lúc này, bạn sẽ phải ‘đắp thêm thịt vào xương’, thay vì chỉ dừng lại ở các cuộc trao đổi mang tính chất biểu tượng”, ông Thayer nói.