Câu hỏi cần lời giải đáp

Hai thuyền cổ được phát lộ và khai quật khảo cổ ở Bắc Ninh vừa được xác định có niên đại cách đây gần 2000 năm (?), khá trùng khớp với nhận định sớm của TS Nguyễn Việt. Nhưng khi giá trị được làm rõ, bài toán bảo tồn lại càng thêm gian nan.

Phương án bảo tồn thuyền cổ Bắc Ninh vẫn còn để ngỏ

Phương án bảo tồn thuyền cổ Bắc Ninh vẫn còn để ngỏ

Từ thời điểm thuyền cổ phát lộ dưới lòng ao ở Bắc Ninh cho đến nay, một trong những mối quan tâm lớn nhất của giới khảo cổ lẫn dư luận là việc xác định niên đại.

Thuyền song thân được đánh giá độc đáo nhất từng phát hiện tại Việt Nam được người xưa chế tạo vào thời kỳ nào, đã nằm dưới lớp phù sa của dòng sông Dâu bao lâu? Tuy nhiên, sau gần bốn tháng, các cơ quan liên quan đến khai quật khẩn cấp thuyền cổ vẫn chưa công bố công khai niên đại. Đây là điều khó hiểu.

Tại hội thảo “đầu bờ” tổ chức vào cuối tháng 3.2025, bước đầu nhiều ý kiến ngả theo hướng, niên đại hai thuyền cổ này không thể có trước thế kỷ X và cũng không thể xuất hiện sau thế kỷ XV, có thể thuộc thời Lý, Trần.

Bên cạnh hiện vật, việc khảo cứu sử sách như trong Việt Sử lược có chép, vào năm 1106 vua sai “đóng thuyền Vĩnh Long hai đáy”, Đại Việt sử ký Toàn thư cũng ghi rõ, vào năm 1124, “tháng giêng nhuận, đóng thuyền Tường Quang kiểu hai lòng”, càng dệt nên những suy tưởng thú vị.

Tất nhiên, như PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam nhấn mạnh: “Bất niên hiệu, bất thành sử”, phải xác định được niên đại bằng phương pháp khoa học mới có thể đưa ra được những nhận định tiếp theo.

Sau một thời gian “bặt vô âm tín”, câu trả lời dần được hé lộ. Theo nguồn tin riêng của Văn Hóa, niên đại của thuyền cổ Bắc Ninh được xác định trong khoảng thế kỷ thứ IV-VI sau công nguyên, cách nay khoảng 1.800 năm, khá trùng khớp với thời kỳ văn hóa Đông Sơn muộn.

Khi nhận được thông tin, chúng tôi nhớ đến TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, người đã có những nhận định khác biệt so với giới nghiên cứu về niên đại thuyền cổ ở Bắc Ninh. TS Nguyễn Việt từng khẳng định chắc chắn: “Kỹ thuật thuyền độc mộc ghép ván này chỉ xuất hiện trong khoảng 2.400 - 1.800 năm. Trước đó chưa thấy, sau đó không còn”.

“Ban đầu, tôi cũng đoán định niên đại hai thuyền cổ vừa được phát hiện tại Thuận Thành là thời Lý - Trần, nhưng sau khi khảo sát trực tiếp, phát hiện hệ thống mộng, kỹ thuật ghép thuyền độc mộc và ván, tôi phải thừa nhận mình đã sai và sửa sai ngay tại hội thảo, ông Việt chia sẻ với phóng viên Văn Hóa trong cuộc phỏng vấn ít ngày sau.

Nội dung này được phản ánh trong bài Xung quanh phát hiện hai thuyền cổ “kỳ lạ” ở Bắc Ninh: Cơ sở nào khẳng định thuộc thời Âu Lạc? (ra ngày 31.3.2025). Và cần nói thêm, ý kiến của TS Việt đã vấp phải không ít ý kiến trái chiều.

Tất cả trỏ về cội nguồn Đông Sơn

Trở lại với hiện tại, sau khi biết được thông tin niên đại thuyền cổ ở Bắc Ninh, phóng viên Văn Hóa đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Việt. Vẫn bằng giọng từ tốn, nhẹ nhàng, khoan thai, ông nói: “Tin này chỉ là xác nhận lại điều đã thấy từ dữ liệu thực nghiệm: Thân gỗ, vết mộng, then và kỹ thuật ghép ván đều nằm trong khung niên đại Đông Sơn muộn”.

TS Nguyễn Việt

TS Nguyễn Việt

“Thực ra, việc nghiên cứu những thuyền cổ không phải là điều quá mới mẻ với chúng tôi. Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về khảo cổ học tàu thuyền suốt hơn 10 năm qua. Cá nhân tôi từng thực hiện phương pháp định tuổi bằng carbon phóng xạ cho hơn 20 mẫu vật, với hơn 30 hiện vật liên quan. Do đó, khi gặp hiện tượng thuyền cổ như ở Bắc Ninh, tôi có thể nhận ra ngay tính chất kỹ thuật và niên đại của nó”, TS Việt nói thêm.

Tôi đề nghị các cơ quan hữu trách, nếu chưa đủ điều kiện, hãy trao đổi, phối hợp để chuyển giao cho những đơn vị có chuyên môn thực hiện công tác bảo tồn. Vì đây không phải là tài sản của riêng Bắc Ninh, mà là di sản của Việt Nam, thậm chí là ca nhân loại. Những thuyền cổ này có giá trị kỹ thuật và lịch sử rất cao, có thể sánh với những di sản hàng đầu về kỹ thuật tàu thuyền cổ trong khu vực Đông Á.

(TS NGUYỄN VIỆT)

Với người theo đuổi khảo cổ học tàu thuyền hơn hai thập kỷ như TS Nguyễn Việt, đây là “mảnh ghép vàng” còn thiếu của bức tranh giao thông thủy cổ đại đồng bằng sông Hồng. Khác với thuyền độc mộc nguyên khối thường thấy ở miền núi, hai thuyền cổ ở Bắc Ninh được đóng theo kỹ thuật mortise-tenon: Thân thuyền ghép từ nhiều tấm ván lớn, liên kết bằng mộng then, chốt gỗ và dải đai cố định.

Trong thế giới cổ đại, công nghệ này từng giúp người La Mã chế tạo những chiến hạm vượt Địa Trung Hải. “Nhưng khả năng ảnh hưởng trực tiếp từ La Mã tới sông Hồng cách nay khoảng hai nghìn năm là rất nhỏ”, TS Việt khẳng định, và nói thêm: “Dấu vết gỗ bản địa, hạt cây chôn kèm, kiểu mộng then, tất cả trỏ về cội nguồn Đông Sơn”.

Thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cho thấy, Việt Nam hiện giữ số lượng thuyền ghép ván cổ nhiều nhất Đông Á, với mốc sớm nhất ở thế kỷ IV-V trước công nguyên. Thuyền cổ ở Bắc Ninh dài hơn 18m, mũi vót cao gần 2m, thân gia cố dày, là chứng nhân “cấp cao” cho giai đoạn phát triển rực rỡ cuối cùng của kỹ thuật đó. Với kích thước lớn và kỹ thuật cao của thuyền cổ, tầng lớp bình dân khó lòng sở hữu. Vậy vì sao thuyền “hạng sang” này lại nằm sâu dưới lòng sông Dâu cổ, TS Nguyễn Việt đưa ra ba giả thuyết.

Thứ nhất, đây có thể là phương tiện quân sự của các thủ lĩnh bản địa chống ách đô hộ Đông Hán, tương ứng phong trào khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43). Thứ hai, thuyền phục vụ nghi lễ tôn giáo gắn với trung tâm Phật giáo Luy Lâu, thủ phủ Giao Châu thời bấy giờ. Thứ ba, chúng đơn giản là tàu thương hồ đường dài, minh chứng mạng lưới giao thương dày đặc giữa sông Hồng, sông Thái Bình và ven biển. “Muốn biết chắc, phải mở rộng khai quật để tìm bến bãi, đồ tùy thân, hàng hóa”, ông nói. Thế nhưng, hố khai quật hiện đã lấp bạt, cỏ dại bủa vây…

Thuyền cổ không phải là tài sản của riêng

Sự im ắng kéo dài hơn ba tháng sau buổi hội thảo “đánh trống ghi tên” khiến TS Nguyễn Việt không khỏi sốt ruột. Ông kể: “Tôi từng nói thẳng trong hội nghị: Cứ để tôi mang thuyền về phòng thí nghiệm, tự bỏ kinh phí bảo quản. Lời đề nghị tới giờ vẫn… lơ lửng”. Theo ông, Việt Nam chưa coi khảo cổ học tàu thuyền là một ngành chuyên sâu; nhiều đơn vị vẫn quen khai quật di tích kiến trúc, mộ táng, nên lúng túng với hiện vật gỗ khối lượng lớn.

“Tôi từng phát biểu rõ điều này tại một cuộc họp chuyên môn và nhấn mạnh rằng, bảo tồn thuyền cổ không khó, quan trọng là nhận thức đúng và hành động kịp thời. Hiện tại, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á của chúng tôi đang lưu giữ hơn 200 hiện vật gỗ, hơn 20 chiếc thuyền cổ với niên đại hơn 2.000 năm, được bảo quản bằng kỹ thuật hóa chất. Các phòng thí nghiệm của chúng tôi đủ khả năng phục chế và trưng bày những hiện vật gỗ, vải, sơn mài… trong điều kiện tiêu chuẩn quốc tế”, TS Việt cho biết.

Nhìn ra thế giới, từ năm 1968, Na Uy đã cứu thành công tàu Gokstad (thế kỷ IX), mất 21 năm xử lý PEG. Anh quốc nâng xác tàu Mary Rose (thế kỷ XVI) khỏi đáy biển Solent bằng cần cẩu 900 tấn rồi phun PEG suốt 17 năm.

“Tôi đề nghị các cơ quan hữu trách, nếu chưa đủ điều kiện, hãy trao đổi, phối hợp để chuyển giao cho những đơn vị có chuyên môn thực hiện công tác bảo tồn. Vì đây không phải là tài sản của riêng Bắc Ninh, mà là di sản của Việt Nam, thậm chí là nhân loại. Những thuyền cổ này có giá trị kỹ thuật và lịch sử rất cao, có thể sánh với những di sản hàng đầu về kỹ thuật tàu thuyền cổ trong khu vực Đông Á”, ông kiến nghị. Suy cho cùng, thuyền cổ ở Bắc Ninh không chỉ là “hai khúc gỗ lớn”. Chúng mở cửa sổ gần 2000 năm nhìn vào đời sống sông nước Giao Châu, soi bóng kỹ nghệ Đông Sơn, gợi lại ký ức về đội thủy binh Hai Bà Trưng hay đoàn thương hồ Luy Lâu. Trách nhiệm giữ di sản nằm trong tay thế hệ hôm nay. Nếu không có biện pháp khai quật và bảo tồn xứng tầm, thuyền cổ sẽ lại chìm...

NGỌC TRUNG - LÂM SƠN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/cau-hoi-can-loi-giai-dap-151179.html