Câu hỏi lớn sau vụ cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bị ám sát
Vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe gây chấn động Nhật Bản, một phần vì nghi phạm sử dụng súng tại quốc gia có luật cực kỳ nghiêm ngặt trong việc mua và sở hữu vũ khí.
Bạo lực súng đạn gần như chưa từng xảy ra ở Nhật Bản. Chỉ có một trường hợp tử vong liên quan đến súng trong cả năm 2021. Kể từ năm 2014, chỉ có 14 trường hợp qua đời vì súng tại quốc gia 125 triệu dân.
“Có súng ư? Ở Nhật?”, Erika Inoue - nhà thiết kế 25 tuổi ở Tokyo - cho biết việc súng xuất hiện trong vụ ám sát thực sự rất khó hiểu. Đây cũng là phản ứng chung của rất nhiều người khác, theo New York Times.
Kiểm tra 12 bước để mua súng ở Nhật
Luật về vũ khí của Nhật Bản quy định về nguyên tắc, súng không được phép sử dụng tại quốc gia này. Có những trường hợp ngoại lệ trong việc sử dụng súng để săn bắn, nhưng quá trình xin giấy phép tốn nhiều thời gian và đắt đỏ.
Cá nhân phải vượt qua 12 bước trước khi mua súng, bắt đầu với lớp học về an toàn súng đạn, sau đó vượt qua kỳ thi viết tổ chức 3 lần/năm. Bác sĩ cũng phải kiểm tra sức khỏe thể chất và tinh thần của người mua súng. Các bước kiểm tra khác bao gồm kiểm tra sâu lý lịch, hay cảnh sát xem xét két an toàn súng và tủ chứa đạn dược cần thiết để cất giữ súng và đạn.
Vụ ám sát còn gây sốc hơn nữa vì trước ngày 8/7, ý tưởng ám sát chính trị gia dường như đã là dĩ vãng với người Nhật.
Các cuộc tranh luận tại Quốc hội thường chỉ là những lời lớn tiếng qua lại. Thậm chí, các nhóm cực hữu thường xuyên đi lại trên đường phố bằng xe tải, tung tin tuyên truyền chính trị, thường bị coi là “làm phiền” hơn là mối đe dọa với an toàn cộng đồng.
Nhân viên an ninh bảo vệ các sự kiện chính trị khá lỏng lẻo. Trong mùa tranh cử, cử tri có nhiều cơ hội tương tác với các nhà lãnh đạo hàng đầu đất nước. Video cho thấy nghi phạm có thể tiếp cận ông Abe và bắn bằng một khẩu súng tự chế mà không bị cản trở.
Cảnh sát địa phương Nhật Bản cho biết khẩu súng thủ công được sử dụng khẩu súng dài khoảng 40 cm, bề ngang khoảng 20 cm. Họ cũng thu giữ một số khẩu súng thủ công khi khám xét nhà nghi phạm.
Không giống như Mỹ, nơi quyền sử dụng súng là chủ đề tranh luận thường xuyên, súng hiếm khi được thảo luận trong giới chính trị Nhật Bản. Các vụ giết người hàng loạt thường không liên quan đến súng, mà thủ phạm hay dùng dao.
Trong những tuần gần đây, truyền thông Nhật Bản theo dõi loạt vụ xả súng ở Mỹ với sự hoài nghi. Sau vụ việc tại ở Uvalde, Texas, Asahi Shimbun, tờ báo lớn thứ hai của Nhật Bản về số lượng phát hành, đã đăng một bài xã luận gọi Mỹ là “xã hội súng”, cho rằng thảm kịch đã biến lớp học thành “khu vực tàn sát bằng súng”.
“Thật khó hiểu cho người Nhật khi Mỹ vẫn tiếp tục cho sở hữu súng ngay cả khi số lượng nạn nhân lớn như vậy”, nhà báo Keiko Tsuyama viết trong một bài báo khác.
Hầu hết người dân Nhật Bản không bao giờ nhìn thấy súng trong cuộc sống hàng ngày, mặc dù cảnh sát có mang theo súng. Và cho đến khi ông Abe bị bắn, Nhật Bản hầu như không có kinh nghiệm gì trong việc giải quyết hậu quả bạo lực súng đạn.
Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, trong năm 2021, nước này chứng kiến 10 vụ xả súng gây chết người, bị thương hoặc thiệt hại về tài sản. Trong số những tình tiết liên quan đến súng, một người đã thiệt mạng và bốn người khác bị thương. Số liệu không bao gồm tai nạn hoặc tự tử.
Trong số 192.000 khẩu súng được cấp phép, chủ yếu là súng ngắn và súng săn. Để so sánh, tại Mỹ, số lượng súng trong tay dân sự ước tính gần 400 triệu, trong đó có nhiều người không cần đăng ký.
Dao là vũ khí chính trong các vụ án mạng
Kể cả các vụ ám sát chính trị ở Nhật Bản trước đó cũng hầu như không sử dụng súng.
Trong một vụ việc đáng chú ý vào năm 1960, một người theo chủ nghĩa cực đoan đã tấn công ông nội của ông Abe, Thủ tướng Nobusuke Kishi, đâm liên tục vào chân ông.
Trong những thập niên gần đây, những vụ bạo lực chính trị mà Nhật Bản ít thấy thường liên quan đến tội phạm có tổ chức hoặc các nhóm cánh hữu. Năm 2007, Kazunaga Ito, Thị trưởng thành phố Nagasaki, bị một thành viên băng đảng bắn chết.
Các nhà báo đôi khi cũng là mục tiêu, trong đó có vụ vào năm 1987, một phóng viên của tờ Asahi Shimbun đã bị sát hại.
Những người biểu tình đôi khi bày tỏ sự bất bình bằng cách tự kết liễu mạng sống. Nổi tiếng nhất là tiểu thuyết gia Yukio Mishima đã tự sát bằng cách mổ bụng vào năm 1970, sau khi thất bại trong một cuộc đảo chính.
Gerald L. Curtis - chuyên gia về chính trị Nhật Bản tại Đại học Columbia - nói rằng vụ tấn công nhằm vào ông Abe sẽ gây chấn động khắp chính trường Nhật Bản.
“Vụ việc sẽ khiến Nhật chấn động và củng cố suy nghĩ Nhật Bản không còn là đất nước an toàn, yên bình như trước đây kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Họ sẽ phải thay đổi để đối phó với thực tế mới đáng sợ mà nước này phải đối mặt", ông cho hay.
"Điều chưa rõ là liệu giới chính trị của Nhật Bản sẽ phản ứng như thế nào", ông cho biết thêm.