Câu hỏi lớn trong vụ ông Trump bị ám sát hụt

Động cơ của tay súng 20 tuổi là gì? Lực lượng an ninh đang làm gì khi nghi phạm vác súng trèo lên mái nhà cách nơi ông Trump đứng khoảng 130 m?

Chưa đầy 10 phút sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bước lên sân khấu tại cuộc vận động tranh cử hôm 13/7 ở Butler, Pennsylvania, tiếng súng nổ ra. Ông Trump bị thương ở tai, một người đàn ông thiệt mạng và hai khán giả khác bị thương nặng.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI đã xác định Thomas Matthew Crooks (20 tuổi, ở Bethel Park, Pennsylvania) là nghi phạm trong vụ việc mà chính phủ gọi là "nỗ lực ám sát ông Trump".

Trong khi cuộc điều tra với sự tham gia của FBI, Cơ quan Mật vụ và Bộ An ninh Nội địa Mỹ đang được đẩy mạnh, vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra và chưa có lời giải liên quan đến những lỗ hỗng an ninh và động cơ nổ súng của nghi phạm.

Những bí ẩn về tay súng 20 tuổi

Các đặc vụ FBI đã lục soát từng nhà trong khu phố Bethel Park, nơi Crooks và gia đình sinh sống. Thế nhưng, động cơ của tay súng đã cố ám sát ông Trump khi cựu thổng thống phát biểu trước đám đông ở Butler vẫn còn là một bí ẩn.

FBI cho biết đã truy cập được vào điện thoại của Crooks, nhưng các phân tích sơ bộ thông tin tại phòng thí nghiệm của FBI ở Quantico, Virginia, được cho là không thúc đẩy quá trình tìm kiếm lý do Crooks nổ súng.

FBI đang điều tra xem Crooks có phải là một kẻ cực đoan bạo lực gia đình có động cơ chính trị hay không. Trong một tuyên bố cập nhật hôm 15/7, cơ quan này cho biết việc khám xét nhà ở và xe của nghi phạm đã hoàn tất, và đã tiến hành gần 100 cuộc phỏng vấn với nhân viên thực thi pháp luật, những người tham dự sự kiện và các nhân chứng khác đã có mặt tại cuộc vận động tranh cử.

"Khẩu súng (của nghi phạm) trong vụ việc có giấy tờ hợp pháp. FBI không biết đến nghi phạm nổ súng trước vụ việc này. Mặc dù cuộc điều tra cho đến nay cho thấy nghi phạm hành động một mình, FBI vẫn sẽ điều tra để xác định xem có bất kỳ đồng phạm nào liên quan đến vụ tấn công này hay không. Hiện tại, không có mối lo ngại nào về an ninh công cộng", cơ quan này cho biết.

 FBI đã xác định Thomas Matthew Crooks (20 tuổi, ở Bethel Park, Pennsylvania) là nghi phạm ám sát hụt ông Trump.

FBI đã xác định Thomas Matthew Crooks (20 tuổi, ở Bethel Park, Pennsylvania) là nghi phạm ám sát hụt ông Trump.

Crooks có thể đã được đào tạo bắn súng tại Câu lạc bộ thể thao Clairton địa phương, nơi người này đã đăng ký làm thành viên.

Trong một tuyên bố gửi tới The New York Times, cố vấn chung của câu lạc bộ cho biết tổ chức "hoàn toàn lên án hành động bạo lực vô nghĩa xảy ra ngày hôm qua (13/7)" nhưng từ chối mô tả quá trình đào tạo mà Crooks có thể đã trải qua, viện dẫn cuộc điều tra của FBI.

Tờ báo Pittsburgh Post-Gazette đưa tin Crooks đã mua 50 viên đạn tại Allegheny Arms and Gun Works ở Bethel Park vài giờ trước cuộc vận động tranh cử của ông Trump ở Butler. Các nhà điều tra cũng xác nhận Crooks đã mua 50 viên đạn vào sáng ngày xảy ra vụ xả súng.

Đội xử lý bom của quận Allegheny xác nhận hôm 15/7 rằng họ đã tham gia cuộc điều tra sau khi tìm thấy chất nổ, một số có vẻ là lựu đạn, trong xe của Crooks.

Tại Bethel Park - nơi Crooks sống cùng mẹ, theo học trường trung học Bethel Park và sau đó có được công việc trong bếp ở một viện dưỡng lão - người dân vẫn tiếp tục băn khoăn về động cơ gây án.

Nhiều bạn học mô tả Crooks là học sinh giỏi toán nhưng lại kém về mặt giao tiếp xã hội. Một số người nói Crooks có khuynh hướng bảo thủ trong chính trị nhưng nhìn chung mọi thứ hiện tại vẫn chưa rõ ràng.

 Các đặc vụ che chắn, đưa ông Trump ra xe trong vụ nổ súng ở Pennsylvania.

Các đặc vụ che chắn, đưa ông Trump ra xe trong vụ nổ súng ở Pennsylvania.

Điều bất thường hơn là một người trẻ như Crooks lại ít hiện diện trực tuyến. Chi tiết này có thể tiết lộ khuynh hướng chính trị hoặc trạng thái tinh thần của người này trước vụ tấn công.

Alex Williams (23 tuổi), tốt nghiệp trước Crooks một năm, cho biết cộng đồng địa phương vẫn đang bối rối.

"Không có chuyện gì thực sự điên rồ xảy ra ở Bethel nên tôi nghĩ nhiều người cảm thấy bối rối, vì điều đó không bình thường. Họ thất vọng vì anh chàng này đến từ đây và thất vọng vì điều đó đã xảy ra".

Williams cho biết anh không nhớ liệu Crooks có bị bắt nạt hay không, như một số người cùng khóa đã nói. Bắt nạt ở trường thường chỉ giới hạn ở việc cô lập xã hội, anh nhớ lại.

Cựu học sinh Jason Kohler đã nói rằng Crooks thường xuyên bị bắt nạt. "Anh ta rất im lặng, nhưng lại bị bắt nạt. Anh ta bị bắt nạt rất nhiều", Kohler nói.

Hàng xóm của Crooks, Steve Riviere, nói với KDKA rằng cộng đồng "rất sốc vì chuyện này lại xảy ra".

5 câu hỏi đối với Cơ quan Mật vụ Mỹ

FBI đã đảm nhận vai trò điều tra chính trong vụ việc này. Người đứng đầu Cơ quan Mật vụ Kimberly Cheatle đã được triệu tập để làm chứng trước một ủy ban của Hạ viện Mỹ vào ngày 22/7.

Cơ quan Mật vụ Mỹ đang phải đối mặt với nhiều câu hỏi chất vấn sau vụ ông Trump bị ám sát hụt.

1. Tay súng trèo lên mái nhà bằng cách nào?

Hiện vẫn chưa rõ bằng cách nào tay súng 20 tuổi lại lên được nóc của một tòa nhà cách nơi ông Trump đứng phát biểu khoảng 130 m.

Theo NBC News, mái nhà là một lỗ hổng an ninh đã được biết đến trước sự kiện này, trong đó trích dẫn hai nguồn tin quen thuộc với các hoạt động của Cơ quan Mật vụ. "Lẽ ra phải có ai đó ở trên mái nhà hoặc bảo vệ tòa nhà để không ai có thể lên đó", một nguồn tin nói.

Cũng như câu hỏi về khả năng tiếp cận, có ý kiến cho rằng tầm nhìn từ sân thượng đến khu vực bục phát biểu của ông Trump lẽ ra phải bị chặn lại.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas nói với ABC News hôm 15/7 rằng các quan chức sẽ "thực sự điều tra vụ việc một cách độc lập". Theo The Atlantic, điều tra độc lập là cần thiết vì Cơ quan Mật vụ không thể tự phán đoán và đã không thể làm tốt nhiệm vụ là "bảo vệ một nhân vật chính trị quan trọng khỏi bị tổn hại về thể chất".

 Khoảnh khắc viên đạn sượt qua đầu ông Trump.

Khoảnh khắc viên đạn sượt qua đầu ông Trump.

2. Những cảnh báo có được gửi đi?

Một nhân chứng của vụ nổ súng nói với BBC rằng anh ta và những người khác đã "nhìn thấy" rõ ràng Crooks đang bò quanh mái nhà với một khẩu súng trường. Họ đã báo cảnh sát nhưng nghi phạm vẫn tiếp tục di chuyển xung quanh trong vài phút trước khi nổ súng, nhân chứng cho biết.

Đặc vụ FBI Kevin Rojek thừa nhận thật "ngạc nhiên" khi kẻ tấn công có thể nổ súng.

Cảnh sát trưởng quận đã xác nhận rằng Crooks đã bị một sĩ quan cảnh sát địa phương phát hiện và người này đã không thể ngăn chặn kịp thời. Một điều vẫn chưa rõ ràng là liệu thông tin này có đến được với các đặc vụ xung quanh ông Trump hay không.

3. Có quá phụ thuộc vào cảnh sát địa phương không?

Crooks được cho đã nổ súng từ nơi mà cảnh sát mô tả là "vòng phụ", được tuần tra không phải bởi Cơ quan Mật vụ, mà bởi các sĩ quan cảnh sát địa phương và tiểu bang.

Cựu nhân viên an ninh Jonathan Wackrow cho biết cách sắp xếp này chỉ hiệu quả khi có kế hoạch rõ ràng về những việc cần làm nếu phát hiện ra mối nguy hiểm.

Wackrow nói với The Washington Post: "Khi dựa vào các nhân viên thực thi pháp luật địa phương, tốt nhất bạn nên lập kế hoạch cẩn thận và nói với họ những gì bạn mong đợi họ làm trước một mối đe dọa".

Cảnh sát trưởng của quận thừa nhận đã có "thất bại" nhưng cho biết không có bên nào đáng trách.

 Lực lượng an ninh tại sự kiện vận động tranh cử đối mặt với nhiều câu hỏi sau vụ nổ súng.

Lực lượng an ninh tại sự kiện vận động tranh cử đối mặt với nhiều câu hỏi sau vụ nổ súng.

4. Nguồn lực có đảm bảo?

Một cựu chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện cho rằng nhân viên của Cơ quan Mật vụ "quá mỏng", trong khi cảnh sát địa phương không được "đào tạo" để đảm bảo an ninh cho một sự kiện như cuộc vận động hôm 13/7.

Cơ quan Mật vụ đã bác bỏ thông tin rằng yêu cầu tăng cường nhân sự an ninh của nhóm ông Trump bị từ chối trước sự kiện.

Nhưng The Washington Post đưa tin rằng họ đã thấy cuộc trao đổi tin nhắn, trong đó một cựu nhân viên Cơ quan Mật vụ hỏi các đồng nghiệp làm thế nào mà nghi phạm có súng lại ở gần ông Trump đến vậy. Câu trả lời người này nhận được là: "Resources" (tạm dịch: nguồn lực).

5. Các đặc vụ đã đủ nhanh?

Các đặc vụ che chắn cho ông Trump nhận được lời khen ngợi, bao gồm cả từ cựu đặc vụ Robert McDonald. Nhưng câu hỏi cũng được đặt ra là liệu họ có đủ nhanh khi đưa cựu tổng thống lên xe hay không.

Video về vụ việc cho thấy các đặc vụ nhanh chóng tạo thành một lá chắn xung quanh ông Trump ngay sau khi có tiếng súng, nhưng sau đó dường như đã dừng lại khi cựu tổng thống yêu cầu lấy giày của mình. Ông Trump còn nán lại để giơ cao nắm đấm.

Jeffrey James, cựu đặc vụ, nói với The New York Times rằng nếu là ông, sẽ không có sự chần chừ như vậy. "Nếu tôi ở đó thì chúng tôi sẽ đi ngay lập tức. Tôi sẽ mua cho ông ấy một đôi giày mới sau".

Khoảnh khắc tay súng bắn ông Trump từ mái nhà Đoạn video cho thấy nhiều người có mặt đang hoảng loạn hét lên về việc "người đàn ông có súng đang nằm trên mái nhà" trước khi những tiếng súng vang lên.

Lê Vy

Ảnh: The New York Times

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cau-hoi-lon-trong-vu-ong-trump-bi-am-sat-hut-post1486535.html