Cầu huyết mạch giúp dân vùng cao Quảng Ngãi đi lại an toàn ngày Tết
Những ngày giáp Tết, người dân vùng cao Quảng Ngãi vui mừng khi công trình cầu giao thông huyết mạch bắc qua sông Rin đưa vào sử dụng.
Ngày 8/1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi (chủ đầu tư) cho hay, vừa bàn giao công trình cầu Sông Rin cho huyện Sơn Hà quản lý, sử dụng.
Đây là công trình giao thông quan trọng mà tỉnh Quảng Ngãi đầu tư nhằm tăng tính kết nối với QL 24B, tỉnh lộ 623, để nâng bước vùng khó Sơn Hà và Sơn Tây, tạo động lực phát triển KT-XH...
Niềm vui ngày cuối năm nơi rẻo cao
Những ngày cuối năm, mưa rả rích và lạnh thấu da, nhưng với người dân hai huyện vùng cao Sơn Hà và Sơn Tây, thì chẳng là gì, bởi họ đang tận hưởng “hơi ấm” từ công trình giao thông lớn là cầu Sông Rin, bắt qua sông Rin (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà) chính thức đưa vào khai thác, xóa đi những nỗi lo đi lại mỗi ngày.
Thong dong trên cây cầu được chính thức đưa vào sử dụng trong những ngày cận Tết, ông Đinh Văn Thọ, có nhà gần đấy nói rằng, niềm vui trong ông và bà con nơi đây như nhân đôi.
Bởi lẽ, khi công trình khởi công ai nấy cũng đều khấp khởi ngóng trông, nhưng rồi công trình lở hẹn không về đích như chủ trương ban đầu. Bà con lại chờ đợi và giờ trước nhà, song sông Rin chảy siết đã không còn là nỗi ám ảnh nữa.
“Từ hôm nay, bà con dân làng đi lại từ bên này sông sang bên kia chạy xe phà và quãng đường cũng gần hơn, không phải chạy đường vòng xa vài cây số như trước đây. Từ ngày có cầu, chúng tôi không còn e ngại chuyện sông nước như trước”, ông Thọ tâm sự.
Còn với ông Đinh Văn Bình, thường xuyên chạy xe tải trên tuyến tỉnh lộ 623 và Quốc lộ 24B để di chuyển đến các địa phương khác trên địa bàn bảo rằng, từ khi công trình hợp long và giờ đưa vào sử dụng đã mang lại rất nhiều lợi ích.
Như ngay trong mùa mưa lũ vừa rồi, những hôm nước lũ dâng cao gây ngập cầu sông Rin cũ, cảnh chia cắt như trước đã không còn nữa. Bà con đi qua cầu mới giao thương hàng hóa, mua bán, thăm người thân một cách thuận lợi.
“Ngay cả các cháu học sinh cũng đến trường an toàn, không còn cảnh giao thương chia cắt, người bên này ngóng bên kia trông đợi nước rút, nhất là các trường hợp đau ốm cần chuyển viện lên tuyến trên điều trị. Có cầu mới rồi, đường sá, cuộc sống người dân cư cũng được chuyển sang trang mới”, ông Bình nói.
Đi dọc theo công trình cầu sông Rin, cầu Nước Rạc và đường dẫn được thảm nhựa phẳng lỳ, cảnh sống hai bên đường ở non cao trở nên nhộn nhịp và tươi mới hơn.
Với nhiều người dân nơi huyện vùng cao này, công trình cầu Sông Rin được đưa vào sử dụng không chỉ giúp việc lưu thông, giao thương hàng hóa của người dân được thuận lợi, đặc biệt là trong mùa mưa lũ mà còn xóa đi những nhọc nhằn, cách trở bấy lâu nay.
Công trình giao thông mang nhiều sứ mệnh
Dự án cầu Sông Rin được khởi công xây dựng từ tháng 4/2019, có chiều dài toàn tuyến 3.561m, hạng mục chính của dự án là cầu Sông Rin dài 319m, cầu Nước Rạc dài 43m và đường dẫn nối hai cây cầu và thị trấn Di Lăng vào Tỉnh lộ 623.
Công trình có tổng vốn đầu tư 245 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, liên danh nhà thầu Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Hợp Nghĩa và Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Trường Thành chịu trách nhiệm thi công.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, dự án cầu Sông Rin và các hạng mục liên quan hoàn thành, chủ đầu tư tiến hành bàn giao cho địa phương quản lý và chính thức đưa vào khai thác không chỉ mang xứ mệnh của công trình giao thông huyết mạch nối hai huyện vùng cao tỉnh Quảng Ngãi với đồng bằng mà còn mang nhiều sứ mệnh quan trọng khác.
Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà cho rằng, bên cạnh giải bài toán giao thông đi lại thay thế cho cầu sông Rin cũ đã xuống cấp, tạm bợ, công trình cầu Sông Rin mới và đường dẫn đã tạo thành tuyến đường vành đai bao bọc lấy đô thị Di Lăng, thúc đẩy phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Đặc biệt, công trình này còn tạo đòn bẩy để địa phương mạnh dạn kêu gọi đầu tư, mở rộng không gian đô thị đối với những vùng, khu vực dự án đi qua.
Cũng theo bà Trà, dự án cầu Sông Rin còn chính là công trình hạ tầng tạo điểm nhấn về không gian đô thị, kiến trúc, cảnh quan của địa phương. Đồng thời, giúp lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn, nông lâm sản người dân làm ra được bán với giá cao hơn nhờ giao thông thuận lợi.
Trong thời gian tới, huyện sẽ đầu tư đoạn đường tránh tây thị trấn Di Lăng để tăng kết nối với công trình cầu Sông Rin trên trục giao thông QL 24B và tỉnh lộ 623. Một khi tuyến đường hoàn thành thì đây sẽ là trục giao thông chính kết nối địa phương với vùng đồng bằng và các tỉnh Tây Nguyên.