Cầu Kè phát triển toàn diện từ phong trào xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, từ huyện thuần nông, với nhiều khó khăn khi bắt đầu triển khai thực hiện. Đến cuối năm 2023, huyện Cầu Kè đã hoàn thành đạt các tiêu chí xây dựng huyện NTM nâng cao. Với những thành quả quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực huyện NTM nâng cao, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn Cầu Kè, đặc biệt về đời sống vùng đồng bào Khmer.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (bìa phải) trao bằng công nhận xã NTM kiểu mẫu cho lãnh đạo xã Thạnh Phú. Ảnh: QUANG HUY
Thay đổi diện mạo từ XDNTM
Là huyện có trên 30% đồng bào Khmer sinh sống, qua hơn 13 năm triển khai XDNTM, đến cuối năm 2023, huyện Cầu Kè hoàn thành đạt các tiêu chí xây dựng huyện NTM nâng cao. Hiện huyện Cầu Kè có 100% xã đạt chuẩn NTM, 08/10 xã đạt NTM nâng cao, 02/10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 19/61 ấp NTM kiểu mẫu.
Qua phong trào XDNTM, đặc biệt là xây dựng huyện NTM nâng cao, Cầu Kè đã thay đổi diện mạo rất lớn từ đời sống vật chất đến tinh thần… Hạ tầng về thủy lợi đảm bảo điều tiết nước, ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ tưới, tiêu chủ động cho 19.537ha, đạt 98,7% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Riêng đối với vùng sản xuất tập trung của các xã đều đạt 100%. Triển khai xây dựng một số công trình trọng điểm như: Dự án đường ven Sông Hậu; kè chống sạt lỡ thị trấn Cầu Kè; nâng cấp, mở rộng đê bao kết hợp đường giao thông ấp Tân Qui 1, Tân Qui 2; nâng cấp mở rộng Đường huyện 32, 33... Hệ thống hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế, đô thị cơ bản hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân.
Thượng tọa Thạch Lệ, Sư cả chùa Salavana (Tà Ốt) ấp Xóm Lớn, xã Châu Điền chia sẻ: qua phong trào XDNTM, đã đổi thay rất lớn cho địa phương; đặc biệt là hệ thống giao thông, đời sống của người dân, nhất là trong vùng đồng bào Khmer không ngừng phát triển; điện, đường, trường học và các thiết chế văn hóa phục vụ trong cộng đồng được Nhà nước đầu tư rất lớn, nhà Văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng…
Đến cuối năm 2020, trên địa bàn huyện có 100% tuyến đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê-tông hóa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của Nhân dân, đảm bảo kết nối liên xã, liên vùng và giữa các vùng nguyên liệu tập trung, phù hợp với quá trình đô thị hóa; 91,56% đường ngõ, xóm và 94,52% đường trục chính nội đồng được cứng hóa... Đời sống, thu nhập của người dân không ngừng tăng, bình quân đạt từ 68,4 - 76,53 triệu đồng/người/năm, tăng từ 09 - 16,5 triệu đồng so với năm 2020.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2023 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 83/QĐ-UBND, ngày 22/01/2024, huyện còn 180 hộ nghèo, chiếm 0,58%/tổng số hộ dân cư trên địa bàn; hộ cận nghèo còn 632 hộ, chiếm 2,03%/tổng số hộ dân cư trên địa bàn.
Sự “đồng tâm” từ nhận thức đến hành động
Có được những thành quả trong XDNTM là do các cấp ủy, chính quyền huyện đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền để Nhân dân nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa của XDNTM, từ đó đồng thuận cùng chính quyền XDNTM.
Trong quá trình thực hiện, địa phương luôn xác định rõ người dân là chủ thể để XDNTM và đối tượng hưởng lợi chính là cộng đồng dân cư khu vực nông thôn, Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, chỉ đạo và có cơ chế hỗ trợ một phần. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo các cấp phát huy tốt vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; phối hợp với các lực lượng tăng cường hỗ trợ trên địa bàn, cụm dân cư thực hiện công tác dân vận, giúp các xã XDNTM qua các chiến dịch ngày thứ Bảy tình nguyện, ngày Chủ nhật xanh…
Công tác tuyên truyền xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; đã tuyên truyền trực tiếp thông qua đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên, hoạt động các đoàn thể... với 7.512 cuộc/187.800 lượt người dự.
Ngoài ra, còn thực hiện tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng… Cấp phát 4.700 tờ rơi tuyên truyền với 02 thứ chữ Việt và Khmer; 670 sổ tay hướng dẫn nhiệm vụ xây dựng xã, huyện NTM; vận động đến từng hộ dân xây dựng hàng rào, xóa cầu tiêu trên ao hồ, sông rạch, xây dựng hố xí, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Đồng chí Thạch Buôl Nát, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Cầu Kè cho biết: để thực hiện tốt việc huy động sức dân đóng góp trong XDNTM, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng đó là nhờ các địa phương triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đặc biệt công khai minh bạch các nguồn vốn để Nhân dân được biết và chủ động tham gia đóng góp, thực hiện tốt vai trò giám sát của cộng đồng. Đồng thời, phát huy tinh thần sáng tạo của Nhân dân, khuyến khích, huy động tối đa sự hỗ trợ, đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân tạo nguồn lực thực hiện XDNTM; thực hiện tốt phong trào “Toàn dân chung sức XDNTM” để khích lệ mọi tầng lớp Nhân dân tham gia hiến đất, tài sản và đóng góp công sức, kinh phí... XDNTM.
Tổng nguồn vốn huy động XDNTM trên địa bàn huyện hơn 2.906 tỷ đồng (giai đoạn 2011 - 2019 là 1.153 tỷ đồng; giai đoạn 2020 - 2023 là 1.752 tỷ đồng), trong đó, vốn dân đóng góp (hiến đất, hiến cây, ngày công lao động): 164,26 tỷ đồng, chiếm 5,65%.
Thực hiện trồng hoa kiểng, vệ sinh các tuyến đường trên 357km; vận động nguồn lực xã hội để thực hiện các công trình, dự án phúc lợi ở địa phương, giai đoạn 2020 - 2023 đã huy động 24,2 tỷ đồng xây dựng 108 cầu bê-tông, 86 tuyến đường, 330 căn nhà, khám, chữa bệnh miễn phí 3.000 lượt người, tặng 210 xe đạp, 300 suất học bổng, 46 ti-vi, 118 điện thoại di động cho học sinh là con hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ 165 tấn gạo, hỗ trợ đột xuất 27.779 phần quà gồm nhu yếu phẩm các loại cho hộ nghèo, cận nghèo…