Câu lạc bộ 'giải tỏa nỗi lòng' ở Trường Đại học Cần Thơ
19h tối, đi dọc trong khuôn viên Trường Đại học Cần Thơ, người ta thường nghe thấy những tiếng nhạc, giọng hát mê hoặc. Họ đến với âm nhạc bởi lòng say mê và đôi khi tiếng nhạc nói lên cõi lòng, giải tỏa những ưu tư, phiền muộn.
Những con người đến từ nhiều tỉnh thành, chẳng quen biết nhau, ấy vậy mà hễ khi tiếng nhạc vang lên họ lại hòa nhập tạo nên những tâm hồn đồng điệu. Đó là Câu lạc bộ (CLB) “Hát với quê hương”.
Lê Diễn Thanh (25 tuổi, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Cần Thơ, Chủ nhiệm CLB) cho biết, ban đầu CLB chỉ 13 thành viên, sau sáu năm hoạt động nay đã có 145 thành viên, hoạt động theo thể loại tân ca, cổ nhạc. Hầu hết thành viên chơi thành thạo các loại đàn như guitar lõm (đàn cổ), sến, tranh, kìm, cò và song lang.
“Chơi đàn, ngoài giúp giải tỏa căng thẳng, còn có thể củng cố thêm kỹ năng. Đã gặp nhau là cái duyên, thay vì giấu nghề thì nhiệt tình hỗ trợ nhau để cùng tiến bộ. Ở người học đàn, đam mê và chịu khó thôi là chưa đủ mà còn phải có tinh thần học hỏi, khiêm tốn thì mới thành công”, Thanh tâm sự.
Là thành viên đầy nhiệt huyết, Nguyễn Ngọc Thúy Trang (quê Long An, cựu sinh viên Trường Đại học Cần Thơ) bày tỏ, mặc dù bận rộn với công việc nhưng hễ khi sinh hoạt nhóm thì nhất quyết tham gia. Trang tâm sự, bản thân có chút năng khiếu về giọng hát nhưng trước đây thiếu “đất dụng võ” nên không phát huy được sở trường.
“Từ khi tham gia CLB được tập luyện bài bản, đúng nhịp điệu bài hát, nhờ vậy mà mình tự tin tham gia và đạt Huy chương Bạc tại cuộc thi Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền do TP Cần Thơ tổ chức vào cuối năm 2018”, Trang nói.
Xa nhà, xa quê, các thành viên ngồi lại bên nhau chủ yếu tạo niềm vui nơi phố thị xô bồ, tấp nập. Không chỉ tham gia các cuộc thi đờn ca tài tử, họ sẵn sàng nhận các show diễn. “Tuy không nhiều tiền nhưng lại giúp mọi người “cháy” hết mình với đam mê và có thêm thu nhập để trang trải trong học tập”, một thành viên chia sẻ.
Để có thể học và chơi đàn, ban đầu mỗi bạn trẻ chỉ cần bỏ ra từ 100 – 500 ngàn đồng là đã sở hữu được một nhạc cụ. Khi biết và chơi khá thành thạo, mỗi người có thể tự sắm cho mình những nhạc cụ tốt hơn tùy điều kiện của bản thân.
“Nhập môn” chơi đàn khoảng 2 năm, Hồ Minh Tài (sinh viên Khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ) kể lại, từ khi mạnh dạn xin tham gia, được các thành viên đi trước nhiệt tình hướng dẫn nên giờ “tay nghề” khá thành thạo. “Học đàn khó nên phải đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhờ có sân chơi lành mạnh như thế này vô hình bảo vệ bọn em tránh xa các tệ nạn xã hội”, Tài nói.
Chị Trần Thị Thủy Tiên, Bí thư Đoàn Trường Đại học Cần Thơ cho biết, dù không trực tiếp quản lý nhưng nhà trường tạo điều kiện để các em sinh hoạt vì đây là mô hình lành mạnh, hoạt động bài bản chuyên nghiệp, tạo sân chơi bổ ích, giúp sinh viên phát triển bản thân, hiểu sâu hơn về văn hóa và hạn chế sa đà vào các tệ nạn.
Trong một lần tình cờ, GS TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ đã gặp và giao lưu cùng CLB. Cảm nhận hiệu quả thiết thực, thầy Toàn đã trao tặng CLB các thiết bị điện tử (loa, micro…), món quà là sự cổ vũ, động viên to lớn về tinh thần để các thành viên giữ vững đam mê, tô đậm thêm những phẩm chất tốt đẹp của nhạc cụ dân tộc.