Cầu Long Biên: Bảo tồn hay làm mới?
Cầu Long Biên - biểu tượng của Hà Nội giờ xuống cấp dù nhiều năm qua vẫn được duy tu, bảo trì nhằm đảm bảo trạng thái công trình. Đáng lưu ý, trong tháng 5 vừa qua đã xảy ra 2 vụ sập tấm đan trên lối đi dành cho người đi bộ và mặt đường bộ dành cho xe máy, xe thô sơ lưu thông, uy hiếp đến an toàn giao thông. Những sự cố xảy ra và hiện trạng của cầu Long Biên đặt ra vấn đề cần sớm tìm giải pháp cho cây cầu mang tính lịch sử này. Có ý kiến bày tỏ, cần sớm cấm các phương tiện đi lại qua cây cầu này, và biến cầu Long Biên thành không gian sáng tạo nghệ thuật để thu hút du khách.
Áp lực lên cây cầu “già nua”
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng được người Pháp xây dựng từ năm 1889 tới năm 1902 thì hoàn thành. Cầu dài gần 1.700m gồm 19 nhịp dầm thép. Trong chiến tranh chống Mỹ, cầu bị đánh bom nhiều lần. Tổng cộng 4 đợt đánh phá năm 1972, cầu bị mất hẳn 9/19 trụ chính, 9 trụ khác bị hỏng nặng. Hiện cầu đang được khai thác hỗn hợp. Giữa cầu dành cho đường sắt, hai bên cầu dành cho xe máy, xe đạp, người đi bộ.
Trải qua 120 năm, cây cầu giờ đã xuống cấp dù hàng năm vẫn được duy tu, bảo trì nhằm đảm bảo trạng thái công trình. Cuối tháng 5 vừa qua, người dân lưu thông trên cầu Long Biên hướng từ nội thành sang phường Ngọc Lâm phát hiện mặt cầu xuất hiện một lỗ thủng lớn hình chữ nhật. Lãnh đạo Công ty CP đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý cầu Long Biên) cho biết, khung thép bị han gỉ đã khiến một tấm bê tông xi măng sụt xuống, tạo lỗ thủng nhìn thấy cả mặt sông Hồng. Tấm bê tông mắc lại ở hệ dầm thép bên dưới, không bị rơi xuống sông. Ngay sau đó lỗ thủng tạm thời được gia cố và đã có một số biển cấm người đi bộ cũng như hạn chế xe cơ giới.
Về phía cơ quan quản lý, theo ông Bùi Khắc Điệp - Phó Vụ trưởng Vụ kết cấu hạ tầng (Bộ Giao thông vận tải), sau khi xảy ra những sự cố trên cầu Long Biên thời gian gần đây, Bộ đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rà soát, khẩn trương sửa chữa ngay những hư hỏng. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của ông Điệp, trước đây cầu Long Biên chỉ phục vụ đường sắt, sau đó nối thêm hai cánh gà để vận hành đường bộ. Hiện cầu đang xuống cấp, dù cấm người đi bộ, xe đạp thồ, xe máy thồ, chỉ cho xe thô sơ, xe máy đi qua nhưng người dân vẫn đi bộ để xuống bãi giữa hay chụp ảnh. Thực tế, phần đường bộ dành cho người tuần cầu, tuần đường kiểm tra chứ không phải để người đi bộ tập trung. Thậm chí hiện tại có trường hợp đi xe máy trên đường bộ hành rất nguy hiểm.
Trong khi chờ giải pháp cụ thể với cầu Long Biên, ông Điệp cho rằng cần tăng vốn bảo trì, đồng thời có dự án sửa chữa tổng thể cầu Long Biên để đảm bảo an toàn khai thác giao thông qua cầu. Cần sớm đẩy nhanh việc xây dựng cầu mới thay thế để đáp ứng nhu cầu giao thông, vừa giảm tải cho cầu Long Biên.
Thời điểm này, đơn vị quản lý đã lắp dải phân luồng nhựa để tránh ùn tắc cục bộ trên cầu, đồng thời cho lắp cọc sắt ngay lối vào cầu chính để ngăn ô tô và xe ba gác tải nặng đi lên cầu. Cùng đó đặt biển cảnh báo cầu đang sửa chữa, cấm ô tô, xe ba gác.
Bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa
Cây cầu Long Biên là biểu tượng của Hà Nội, không ít người dân đã dành tình cảm đặc biệt cho cây cầu và đề xuất cần sớm có một cuộc “đại phẫu” cho cầu Long Biên để trở thành không gian sáng tạo, thu hút khách du lịch bộ hành. Như anh Quang Tùng, quận Hoàn Kiếm cho rằng: Cần có một giải pháp quyết liệt phục dựng cầu Long Biên để Hà Nội không chỉ bây giờ, mà cả thế hệ mai sau cũng có quyền tự hào với thế giới vì có một cây cầu đẹp - một cây cầu lịch sử. Thiếu kinh phí thì có thể kêu gọi ủng hộ, tài trợ. Với cơ chế quản lý quỹ minh bạch, anh Tùng tin tưởng chắc chắn sẽ có nhiều người dân, du khách ủng hộ kinh phí để tu sửa cây cầu.
Chị Nguyễn Vân Anh sống ở chung cư Mipec, hằng ngày vẫn đi làm qua cầu, mong muốn cầu Long Biên được Nhà nước và Hà Nội quan tâm hơn nữa. “Vì giá trị lịch sử và văn hóa rất lớn, những giá trị vô hình như vậy khi mất đi thì không tiền tài bao nhiêu có thể bù đắp”, chị Vân Anh bày tỏ.
Dù vậy, cũng có luồng ý kiến thực tế hơn khi cho rằng, nên để cây cầu Long Biên là chứng nhân lịch sử. Việc vận tải thì để cho những cây cầu mới, hiện đại gánh vác.
Chia sẻ về cây cầu Long Biên, giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa cho rằng, không thể phủ nhận cầu Long Biên nằm trong cấu trúc xương sống của đô thị di sản. Bởi vậy Hà Nội được nhìn nhận vẫn giữ gần như nguyên vẹn những công trình đẹp nhất với giá trị lịch sử riêng có của một đô thị di sản như: Hoàng thành Thăng Long, Khu phố cổ, khu phố Pháp…
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế - Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam cho hay: Trải qua thăng trầm lịch sử, giờ đây cầu Long Biên đã mang ý nghĩa mới, ý nghĩa biểu tượng. Cầu Long Biên cùng với cầu Chương Dương và cầu Nhật Tân đã tạo cảnh quan đô thị có dòng sông chảy qua giữa thành phố, đồng thời là điểm kết thúc và nối tiếp của khu thành cổ, khu phố cổ và khu phố Pháp. Bởi vậy cây cầu cần được bảo tồn toàn vẹn.
Với GS.TS Nguyễn Quốc Thông - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nếu để Hà Nội phát triển bền vững với tư cách là một đô thị di sản văn hóa trong tương lai thì điều cần ưu tiên phát triển đô thị chính là không gian văn hóa, trong đó không gian liên kết văn hóa khó vô cùng. Tôi mong muốn cầu Long Biên là thành phần liên kết các không gian văn hóa, chứa đựng những nội dung văn hóa, nội dung mới của Hà Nội trong tương lai.
PGS.TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cũng bày tỏ: Bảo tồn cầu Long Biên nguyên trạng hiện nay, đồng thời gia cố bền vững để giữ chức năng cầu. Đừng mang gánh nặng lớn khoác lên cầu Long Biên, bởi đây chỉ là một phần của quỹ di sản, không nhất thiết phải đem tất cả giá trị văn hóa, nghệ thuật của Hà Nội lên cầu như làng nghề, vườn treo, nghệ thuật...
Nhiều ý kiến cho rằng, giá trị di sản đô thị được nhìn nhận trong quan hệ với các thành phần khác để tạo ra một tổng thể, luôn luôn thích nghi, vì vậy phải can thiệp để nó bền vững với thời gian. Bảo tồn cầu Long Biên chứ không phải biến nó thành bảo tàng, đồng thời gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của nó. Đây là những giá trị lâu bền bởi một Hà Nội sáng tạo, văn minh không thể thiếu những ký ức văn hóa, lịch sử.
Khó tìm giải pháp
Có thể thấy, câu chuyện cây cầu trăm tuổi xuống cấp đã được nhắc đi nhắc lại từ hàng chục năm nay, cũng đã có không ít các cuộc hội thảo, tọa đàm của giới chuyên môn, nhà quản lý và các chuyên gia văn hóa lịch sử. Dù vậy, vẫn chưa có một giải pháp mang tính quyết định nên cây cầu ngày càng xuống cấp và đứng trước nguy cơ sập xuống bất cứ lúc nào.
Nhớ những lần đưa ra những quyết định cho “số phận” của cây cầu. Gần nhất là từ năm 2016, Bộ Giao thông vận tải triển khai đầu tư, sửa chữa cầu Long Biên đảm bảo an toàn phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2025 với tổng mức đầu tư hơn 256 tỉ đồng. Số tiền này chủ yếu dùng sửa chữa các hư hỏng lớn trong thời gian chờ cầu riêng cho đường sắt được xây dựng mới theo tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi. Vì vậy, phần đường bộ chưa được đầu tư nhiều. Ngân sách duy tu năm 2021-2022 là 9 -10 tỉ đồng cũng chỉ đủ sửa chữa theo kiểu chắp vá.
Tuy nhiên, Dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hội do Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư vừa chuẩn bị khởi công đã bị đình lại 2014 do “có vấn đề”. Bên cạnh đó phương án phương án dỡ bỏ cầu Long Biên, chỉ giữ lại 9 nhịp làm bảo tàng, xây cầu mới bên cạnh vị trí cầu Long Biên (do TEDI đề xuất) mới công bố đã bị dư luận phê phán mạnh mẽ tiếp tục đi vào bế tắc. Đến ngày 5/6 vừa qua, Hà Nội chính thức tiếp nhận làm chủ đầu tư Tuyến đường sắt đô thị số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi thay cho Bộ Giao thông vận tải, chính thức kết thúc Dự án với khái toán 81 nghìn tỉ đồng. Trong đó cây cầu Long Biên là mắt xích quan trọng nhất của dự án.
Cũng mới đây, tại cuộc tọa đàm "Ứng xử thế nào với cầu Long Biên?", hàng loạt câu hỏi: Liệu có nên tiếp tục để cây cầu tiếp tục oằn vai gánh hàng ngàn lượt người và phương tiện mỗi ngày, hay cần làm mới, hoặc phải có giải pháp thay thế, tiến tới phục dựng cầu Long Biên trở thành một “bảo tàng sống” lưu giữ giá trị văn hóa - lịch sử… lại tiếp tục được gióng lên.
Gắn bó với cây cầu gần như cả cuộc đời, nhà sử học Dương Trung Quốc nói rằng, nhiều năm chúng ta đã bảo vệ cây cầu như mạch máu thủ đô, là di sản hết sức quý giá, hằng ngày chúng ta vẫn nhìn thấy những người thợ sửa chữa, những đoàn tàu chạy an toàn. Nhưng rõ ràng, cầu Long Biên đang xuống cấp và chưa biết ứng xử lâu dài thế nào. Do đó, chúng ta cố gắng gìn giữ nó như một cây cầu đúng nghĩa là đảm bảo giao thông hai bên bờ sông. Nên tính toán phân luồng hợp lý để người dân hai bên đầu cầu đi lại phù hợp. Chức năng hiện nay vẫn là huyết mạch đường sắt. Vì vậy, nên nhìn đó là mục tiêu chính, chứ không nên cấm người dân. Nhà nước nên có cái nhìn tổng thể, vừa là cầu di sản cần bảo tồn, vừa là cầu đáp ứng nhu cầu giao thông cho người dân hai bên. “Phá đi thì dễ, chứ dựng lại mới khó, giá trị sẽ mất đi”, ông Dương Trung Quốc quả quyết.
Đồng quan điểm, ông Bùi Khắc Điệp cũng đề nghị, cây cầu Long Biên đã quá thời hạn sử dụng nên cần có dự án sửa chữa triệt để, tổng thể thay vì sửa chữa "chắp vá". Hiện nay vì do nguồn vốn hiện có hạn, chỉ sửa chữa nhỏ lẻ, duy tu, đảm bảo trạng thái công trình. Về lâu dài, có giải pháp sửa chữa tổng thể, cầu vừa có giá trị về mặt văn hóa, di tích lịch sử, vừa đảm bảo giao thông, đầu mối giao thông Hà Nội.
GS.KTS Hoàng Đạo Kính - nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Cải tạo để cây cầu thích nghi với văn hóa và du lịch
Chỉ nên tính tới khả năng tận dụng cây cầu với tư cách là một công trình giao thông trong một thời gian ngắn nữa. Sớm muộn cũng phải sử dụng những công trình đường sá hiện đại, đưa tuyến đường sắt cũ ra khỏi nội đô. Về lâu dài, chỉ nên quy hoạch cầu thành tuyến dành cho xe máy trong khoảng thời gian cũng không dài, cho đi bộ và xe đạp.
Cần trùng tu, nâng cấp và khôi phục những đặc điểm cơ bản cấu trúc và diện mạo vốn có của cầu. Cuối cùng, cần cải tạo thích nghi để phục vụ các nhu cầu văn hóa và du lịch, trên cơ sở tôn trọng những đặc điểm cấu trúc và hình dạng của cầu.
Về ý tưởng biến cầu Long Biên thành một công trình nhấn vào nét văn hóa, khoảng không gian giữa cầu, nơi có đường xe lửa và rộng chừng 4m, có thể dành cho việc tổ chức một dãy dài các gian trưng bày. Tại đó, có thể tổ chức shop hàng lưu niệm và hàng thủ công, các điểm dịch vụ đa dạng, các quầy giải khát… Những quầy hàng này có kính gắn hai bên và mái che ở trên để ít ảnh hưởng đến hình dáng chung của cầu. Ở châu Âu người ta gọi dãy hành lang như thế là passage, là một trung tâm mua sắm, dạo chơi ở nhiều đô thị lớn. Với giải pháp này, ta có thể tạo nên một dạng "chợ - cầu", có một không hai.
Ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội: Cần có kế hoạch cụ thể để bảo vệ cây cầu
Với kinh phí ít ỏi hiện nay chỉ đủ sửa chữa tạm thời chứ rất khó để thực hiện trùng tu cầu Long Biên một cách bài bản. Việc trùng tu cầu Long Biên không chỉ gia cường chống sập, phục dựng hình dáng ban đầu mà còn tạo nên những tuyến phố thương mại mới, giải tỏa giao thông các nút giao cắt đường sắt cắt ngang đường bộ trong phố như Trần Phú, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học …
Vai trò của cầu Long Biên đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Hà Nội thì đã được thể hiện từ rất lâu. Bên cạnh những giá trị lịch sử thì cây cầu này mang lại lợi ích về mặt giao thông, vận tải hàng hóa. Tuy nhiên, không phải khi cầu hỏng hóc mới sửa chữa mà cần có kế hoạch bảo dưỡng, trùng tu cụ thể nhằm bảo vệ cây cầu hơn 120 năm tuổi này.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cau-long-bien-bao-ton-hay-lam-moi-5689891.html