Cầu Long Biên như 'tấm áo cũ', vá chỗ này, thủng chỗ kia

Cầu Long Biên đã 120 năm khai thác, hiện xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm được đầu tư sửa chữa lớn và xây cầu mới thay thế.

Xe quá tải vẫn qua cầu hằng ngày

Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, ông Vũ Quang Khôi cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc sập tấm đan mặt đường bộ trên cầu Long Biên vào ngày 28/5, Cục Đường sắt Việt Nam đã cùng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông Bộ GTVT, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty CP Đường sắt Hà Hải trực tiếp kiểm tra hiện trường cầu.

Qua kiểm tra cho thấy, tình hình ANTT, ATGT đường bộ qua cầu rất phức tạp. Mặc dù Công ty CP Đường sắt Hà Hải đã phối hợp với các đơn vị chức năng nhiều lần ra quân giải tỏa, tuần đường, bảo vệ cầu cũng nhắc nhở nhưng vẫn còn tình trạng họp chợ, buôn bán trên cầu.

Đặc biệt, do khu vực bãi giữa sông Hồng như một điểm du lịch nên nhiều người dân, khách du lịch đến tập trung trên lối đi bộ hành để chụp ảnh; Thậm chí người dân còn đi xe máy trên lối đi này để đi ra cầu thang xuống bãi. Mặt khác, nhiều người dân tập trung xe máy hai bên cánh gà sát lan can cầu, gây áp lực về tải trọng cho kết cấu cầu.

Một điểm cần đặc biệt lưu ý nữa là hiện tượng xe quá tải lên cầu. Dù hai bên đầu cầu đã có biển cấm ôtô, biển cấm xe đạp thồ, xe máy thồ lưu thông trên cầu từ 5h đến 20h và biển cảnh báo cầu yếu, các phương tiện hạn chế qua lại nhưng lượng phương tiện lên cầu vẫn rất đông, nhất là vào giờ cao điểm. Trong đó có cả xe máy thồ hàng và xe ba gác, xe ba bánh chở nặng.

“Cầu Long Biên đã 120 năm sử dụng, quá xuống cấp. Dù hằng năm Bộ GTVT đều quan tâm dành kinh phí cho bảo trì cầu nhưng do lượng phương tiện qua lại đông, quá tải nên phần đường bộ xuống cấp nhanh. Vì vậy cần phải thực hiện ngay các giải pháp trước mắt để đảm bảo an toàn khu vực cầu”, ông Khôi cho hay.

Thông tin thêm về lượng xe qua cầu, chiều 1/6, đại diện Công ty CP Đường sắt Hà Hải cho biết, đơn vị đã thử đếm, từ 14h đến 20h ngày 30/5, trong giờ cấm xe máy thồ, xe đạp thồ nhưng có đến 150 xe máy thồ, xe ba gác chở nặng qua cầu. Công ty đã kiểm tra sơ bộ, đánh dấu các vị trí nguy cơ, xung yếu để có giải pháp tiếp theo. Trước mắt, cho lắp ngay thanh chặn, biển cấm xe máy đi lên lối đi dành cho người đi bộ.

Trong khi chờ giải pháp kĩ thuật, vốn cho sửa chữa các vị trí xung yếu, đơn vị sẽ mua vật tư dự phòng như tấm bản thép để kê tạm thời lên các khe hở rộng, cập kênh giữa các tấm đan trên mặt đường... vừa đảm bảo an toàn, vừa tạo thuận lợi cho người dân lưu thông. Đặc biệt, đơn vị sẽ làm việc với chính quyền địa phương để rào và dỡ bỏ các lối lên xuống bãi giữa tại dầm 3/7; làm việc với Công an để ngăn ngừa các xe chở hàng nặng qua cầu.

Cầu Long Biên đã trải qua 120 năm khai thác, sử dụng và nhiều lần được khôi phục, gia cố.

Cầu Long Biên đã trải qua 120 năm khai thác, sử dụng và nhiều lần được khôi phục, gia cố.

Sẽ kiểm định tổng thể trước khi đề xuất giải pháp lâu dài

Cầu Long Biên thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, có chiều dài 1691,15m. Cầu được xây dựng từ năm 1899, đến năm 1902 hoàn thành, đưa vào khai thác. Trải qua 120 năm khai thác, sử dụng, cầu đã nhiều lần được khôi phục, gia cố sửa chữa do bị chiến tranh phá hoại cũng như bị hư hỏng kết cấu do khai thác. Đến nay, cầu không còn nguyên vẹn kết cấu như ban đầu. Hiện tại, cầu có 13 nhịp dầm Pháp, còn lại là các nhịp dầm khác.

Mặt khác, thiết kế, cầu Long Biên không có phần lối đi bộ hành, sau này mới làm thêm. Hơn nữa, phần đường bộ ban đầu cũng chủ yếu dành cho ôtô qua nên phần hệ thép đỡ hai phía bánh ôtô được làm chắc chắn, gắn với kết cấu cầu; Riêng phần giữa chỉ là các thanh sắt chữ L để đỡ tấm đan theo kiểu nắp hố ga do không phải chịu lực chính. Tuy nhiên, sau này lượng xe máy, xe thồ qua cầu quá nhiều, gây áp lực lên các tấm đan ở giữa, “phá” mặt đường. Để đảm bảo an toàn, giảm rung lắc khi tàu qua, năm 2022, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phải giảm tốc độ chạy tàu qua cầu từ 25km/giờ xuống còn 15km/giờ.

“Cầu Long Biên giờ như tấm áo cũ sờn, vá chỗ này lại thủng chỗ kia”, đại diện Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải cho hay đồng thời thông tin thêm, năm 2022 kinh phí bảo dưỡng thường xuyên trực tiếp cả năm được phân bổ là hơn 6,1 tỷ đồng, trong đó kinh phí bảo dưỡng thường xuyên đường sắt là 4,52 tỷ đồng, kinh phí bảo dưỡng thường xuyên đường bộ là hơn 252 triệu đòng, kinh phí tuần cầu, bảo vệ cầu là 1,37 tỷ đồng.

Trong 6 tháng cuối năm, đơn vị đề xuất phải sản xuất và thay khoảng 850 tấm đan; vá mặt đường xe máy và xe thô sơ 1250m2; gia cố các vị trí tấm đan bị vỡ bằng thép góc 750 vị trí, gia cố dầm dọc đường bộ 15 dầm. Kinh phí dự kiến khoảng 8 tỷ đồng. Kinh phí ít như vậy rất khó khăn cho công tác bảo trì trong trạng thái cầu đã khai thác hơn 120 năm, xuống cấp như vậy. Khi cần thay thế, sửa chữa khẩn, đơn vị quản lý lại phải dồn kinh phí chỗ chưa khẩn cấp cho chỗ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn.

Để đảm bảo an toàn cầu Long Biên, không chỉ có vấn đề giao thông đường bộ mà còn vấn đề an toàn giao thông đường thủy. Các trụ cầu hiện đã yếu, nếu các phương tiện thủy va phải thì nguy cơ mất an toàn đường sắt, đường bộ rất cao. Do vậy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang thực hiện kiểm định tổng thể cầu trước khi đề xuất giải pháp lâu dài, trong đó lập dự án sửa chữa đồng bộ, nguồn vốn đầu tư phát triển.

Nhật Uyên

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/cau-long-bien-nhu-tam-ao-cu-va-cho-nay-thung-cho-kia-i655738/