'Cầu lửa ăn thịt' cực hiếm 'tấn công' trái đất ngày 18/7 nguy hiểm thế nào?

Một quả 'cầu lửa ăn thịt' cực hiếm được tạo ra bởi mặt trời sẽ bắn trúng từ quyển trái đất trong ngày 18/7.

Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), một quả "cầu lửa ăn thịt" - khối kết hợp cực hiếm của một quả "cầu lửa ánh sáng" và một quả "cầu lửa bóng tối" đuổi theo rồi nuốt chửng lẫn nhau - sẽ bắn trúng từ quyển trái đất trong ngày 18/7.

"Thủ phạm" bắn các quả cầu lửa này chính là mặt trời. Theo đó, các quả cầu lửa được gọi một cách đầy đủ là những vụ "phóng khối lượng đăng quang" (CME), là quá trình phun trào dạng khối từ vành nhật hoa của mặt trời.

Mặt trời đang trong giai đoạn đỉnh cao của chu kỳ 11 năm trong các ảnh chụp vào ngày 16 và 17/7, bắn ra nhiều "quả cầu lửa". Ảnh: NASA.

CME làm bằng một dạng mây plasma từ hóa, chuyển động nhanh, bị ném mạnh vào bất kỳ đâu mà các vết đen mặt trời đang vô tình hướng tới.

Một CME "ăn thịt" - "quả cầu lửa ăn thịt" được tạo ra khi quả cầu lửa ban đầu bị đuổi theo bởi một quả cầu lửa thứ hai nhanh hơn. Khi CME thứ hai bắt kịp quả cầu lửa đầu tiên, nó sẽ nuốt chửng "đồng loại" và tạo thành một khối khổng lồ duy nhất.

Theo Người lao động, CME tấn công trái đất lần này đặc biệt hiếm gặp vì nó không chỉ là một quả cầu lửa kép, mà 1 trong 2 quả còn thuộc loại "cầu lửa bóng tối", đến từ một vụ "phun trào đen tối" ngày 14/7.

Quả cầu lửa này sinh ra bởi vết đen AR3370 - là ngọn lửa lạnh bất thường nên trông như một làn sóng tối so với phần còn lại của bề mặt rực lửa của mặt trời. "Quả cầu lửa bóng tối" này không được chú ý lắm cho đến khi một quả cầu lửa khác từ vết đen lớn hơn nhiều AR3363 được phóng ra vào ngày 15/7 bắt kịp nó, tạo thành một "siêu quái vật".

Về sự nguy hiểm và các tác động của "quả cầu lửa ăn thịt" đến trái đất, quả cầu lửa cực mạnh này được dự báo sẽ tạo ra bão địa từ mạnh khi va chạm với từ quyển trái đất. Bão địa từ có thể dẫn đến hiện tượng mất điện vô tuyến sóng ngắn ở một số nơi, khiến các phương tiện định vị gặp nhiễu loạn tạm thời.

Một cơn bão địa từ mạnh sẽ đủ làm vệ tinh đang phóng bị rơi ngược và cháy tan trong bầu khí quyển, như điều từng xảy ra với công ty SpaceX năm ngoái.

Mặc dù vậy, con người hầu như không cảm nhận được bão địa từ, trừ người dân một số vùng gần địa cực có thể quan sát cực quang rực rỡ trên bầu trời.

Thiên Ngân (T/h)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cau-lua-an-thit-cuc-hiem-tan-cong-trai-dat-ngay-18-7-nguy-hiem-the-nao-169230718133741404.htm