Câu nghị luận văn học đề thi tốt nghiệp đã từng được đăng tải trên Công dân và Khuyến học
Đoạn trích trong tác phẩm 'Vợ nhặt' của nhà văn Kim Lân đã từng được Tạp chí Công dân và Khuyến học đăng tải ngày 15/5/2023.
Đề thi tốt nghiệp thật trùng đề thi thử ở Nghệ An
Theo đó, bài viết "Sự ngông nghênh của tuổi trẻ khiến con người bỏ lỡ những điều gì?" đăng tải đề thi thử môn Ngữ văn của liên trường trung học phổ thông ở tỉnh Nghệ An.
Câu nghị luận văn học yêu cầu học sinh phân tích đoạn cuối trong tác phẩm "Vợ nhặt". Từ đó nhận xét sự mới mẻ của nhà văn Kim Lân khi viết về đề tài người nông dân trước cách mạng tháng Tám.
Sau khi đề thi thử ở tỉnh Nghệ An được Công dân và Khuyến học đăng tải, nhiều giáo viên dạy môn Ngữ văn trên cả nước cho biết, câu nghị luận văn học hơi lạ, vì đoạn trích không có nhiều giá trị nghệ thuật, chủ yếu là giá trị nhân đạo. Tuy vậy, đây là một kênh tham khảo chính thống rất hữu ích cho học sinh luyện đề.
Đáng nói, câu nghị luận văn học này gần như trùng với câu nghị luận văn học đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn năm nay. Đề thi tốt nghiệp yêu cầu thí sinh phân tích đoạn trích phần cuối tác phẩm "Vợ nhặt". Từ đó, nhận xét sự mới mẻ của nhà văn Kim Lân khi viết về đề tài người nông dân trước cách mạng tháng Tám.
Thí sinh tuổi Ất Dậu trùng nạn đói năm Ất Dậu
Điều thú vị nữa là thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay sinh năm 2005 là năm Ất Dậu. Còn tác phẩm "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân tái hiện bức tranh nạn đói năm 1945 (Ất Dậu) khiến hơn 2 triệu đồng bào ta bị chết đói. Qua đó, nhà văn thể hiện tấm lòng cảm thông sâu sắc đối với con người trong nạn đói.
Vào thời điểm năm 2012, trả lời phỏng vấn báo chí, nhà văn Kim Lân từng nói về bối cảnh ra đời tác phẩm "Vợ nhặt" như sau: "Dịch đói dạo đó thật khủng khiếp. Nhiều gia đình vừa có người chết đói, vừa có người bỏ đi, dần dần mất hẳn. Tôi tận mắt chứng kiến người chết đói nằm rải rác ở khắp nơi.
Khi con người bị đẩy đến bờ vực cuối cùng của cuộc sống thì toàn bộ số phận và tính cách con người họ sẽ biểu lộ ra. Chết đói là một thực tế khốc liệt. Đó là cái chết từ từ, hao mòn dần, quằn quại dần. Tôi được biết nhiều chuyện qua những năm tháng đó. Cái đói hành hạ tất cả mọi người nhưng không át được sức sống đơn sơ của tâm hồn họ.
Có những người đói ngày ngày bới rác tìm một mẩu thức ăn thừa, buổi tối họ lại về nằm cạnh nhau bàn tán về chuyện làng quê, chuyện mùa màng. Có người giữ nền nếp rất nghiêm dù đói khát, con cái đi xin mang phần về cho, ông ta vẫn áo the, đội khăn xếp ngồi giữa nhà để ăn.
Có người đói xô vào cướp cám để ăn, bị đánh cũng chịu không đánh lại, họ biết rằng chuyện cướp cám của họ là sai nhưng họ vẫn phải làm vì đói. Nói tóm lại, bi kịch sống của mọi người vào thời điểm đó hầu như giống nhau: Đói. Nó vừa cay đắng, vừa đau đớn, đồng thời một mặt nào đó nó lại lóe lên một tia sáng về đạo đức, danh dự".
Nội dung truyện ngắn "Vợ nhặt": Tràng là chàng trai xấu xí sống với mẹ ở xóm ngụ cư. Giữa nạn đói khủng khiếp, anh phải làm nghề kéo xe thóc thuê lên tỉnh để lấy tiền trang trải qua ngày. Ở đây, qua vài câu nói bông đùa và bốn bát bánh đúc, anh với cô thị đanh đá, chỏng lỏn đã trở thành vợ chồng với nhau mà không cưới hỏi hay yêu đương gì.
Cô thị theo không anh về làm vợ, trên đường về, khác với vẻ đanh đá thường thấy, khi bị trêu, cô thị tỏ ra ngượng ngùng. Về đến nhà, cô khép nép khác thường. Khi bà cụ Tứ - mẹ anh Tràng về đến nhà, bà vừa ngạc nhiên, sững sờ vì có người gọi mình là mẹ. Bà đau buồn, tủi hổ, xót thương vì con mình lấy vợ đúng lúc khó khăn nhất không biết có qua nổi nạn đói hay không.
Gạt đi những giọt nước mắt đau buồn, bà động viên các con yêu thương nhau và lạc quan hơn trong cuộc sống. Bữa ăn đầu tiên khi thị về nhà chồng chỉ có lùm rau chuối, cháo cám nhưng ai cũng ăn ngon lành.
Vợ Tràng kể chuyện người đi phá kho thóc của Nhật cho chồng và bà cụ Tứ nghe. Câu chuyện cũng là chìa khóa mở ra trong óc Tràng hình ảnh lá cờ đỏ tung bay phấp phới, hứa hẹn một cuộc sống mới trong tương lai sẽ tốt đẹp và no đủ hơn.
Nhà văn Kim Lân từng nói về tác phẩm "Vợ nhặt": "Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết.
Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người".
Nhà văn cho biết thêm, truyện "Vợ nhặt" nên kết thúc ở đoạn "Bữa cơm từ đấy không ai nói câu gì, họ cắm đầu ăn cho xong lần, họ tránh nhìn mặt nhau, một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người", "nhưng do điều kiện của tờ báo bấy giờ, truyện mới được kéo dài ra thêm. Tôi muốn cho độc giả thấy dù hoàn cảnh thế nào đi nữa thì tình người vẫn vượt lên trên tất cả. Có tình người là có cuộc sống. Có tình người là có hy vọng vào tương lai".