Cầu nối biển, cánh bay nối bầu trời
Cầu vượt biển Thuận An được đầu tư, sân bay quốc tế Phú Bài được mở rộng… sẽ là những động lực lớn thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Cầu vượt biển dài nhất miền Trung
Xây dựng tuyến đường ven biển và cầu qua cửa Thuận An với tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng (giai đoạn 1) - là một trong những “đại dự án” đang triển khai trên địa bàn và được mong chờ nhất hiện nay.
Ở dự án này, người dân quan tâm cây cầu bắc qua cửa biển Thuận An có chiều dài tuyến gần 8km, bắt đầu từ cầu Tam Giang đến cầu qua cửa biển Thuận An, kết thúc tại nút giao Quốc lộ 49A - 49B thuộc phường Thuận An, TP. Huế, trong đó phần cầu qua cửa Thuận An dài khoảng 2,36km. Khi hoàn thành, là cây cầu vượt cửa biển dài nhất miền Trung, với nhịp chính dài 218m và cao 40m. Đây cũng là nhịp cầu cầu dầm - cáp hỗn hợp dài và cao nhất nước ta hiện nay. Tháp cầu có chiều cao 32m được thiết kế dạng chữ A phía trên tạo mỹ quan cho công trình. Chiều cao từ mặt nước lên đến đỉnh tháp là 72m. Dự kiến, sau 3 năm kể từ ngày khởi công 26/3/2022, sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.
Đến nay, sau gần 2 năm khởi công, hình hài dự án đã dần lộ diện. Riêng cầu đã thi công đạt hơn 50% kế hoạch. Trong đó hai trụ chính T27 và T26 - là những hạng mục khó nhất, nằm giữa biển đã hoàn thành hơn 50% kế hoạch. Các hạng mục trên mặt biển cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Đây cũng là dự án được đánh giá có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tốt nhất hiện nay trên địa bàn.
Đối với việc giải tỏa đền bù, theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế cơ bản cũng đạt kế hoạch. Các hộ gia đình, cá nhân đã và đang nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, di dời và được bố trí tái định cư về nơi ở mới.
Cũng vì tính chất quan trọng của dự án nên đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra tiến độ xây dựng cầu qua cửa biển Thuận An và dự án tuyến đường bộ ven biển để đôn đốc tiến độ, yêu cầu thi công an toàn, đảm bảo chất lượng…
Với tốc độ thi công như hiện nay, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh đánh giá, khả năng cuối tháng 10/2024, dự án đường ven biển và cầu qua cửa Thuận An có thể thông xe kỹ thuật.
Cùng với đại dự án này, dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, với tổng mức đầu tư hơn 2.281 tỷ đồng cũng được xem là một đại dự án khác của Thừa Thiên Huế, chỉ khác là cầu vượt sông. Hiện tiến độ giai đoạn 1 của dự án khá tốt. Dự kiến dự án có thể thông tuyến vào cuối năm 2024.
Rộng mở những cánh bay
Sự kiện khánh thành Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài hồi giữa năm 2023 đã mở ra cơ hội kết nối “những cánh bay” từ Huế với nhiều nước trên thế giới.
Với công suất khai thác 5 triệu lượt khách/năm, sân bay quốc tế Phú Bài tự tin có thể đón những tàu bay siêu rộng và mở đường bay thẳng tới nhiều nước trong khu vực châu Á và châu Âu. Như việc đón siêu tàu bay thân rộng Boeing 787 giữa tháng 7 vừa qua đánh dấu mốc quan trọng cho việc nâng cấp chất lượng dịch vụ, hướng đến đón những tàu bay thân rộng, chất lượng dịch vụ đạt chuẩn quốc tế 4 sao, hướng tới 5 sao của Vietnam Airlines. Đây cũng là cơ hội để thu hút khách hạng sang trên thế giới đến Huế.
Hiện, đã có một số hãng bay đến nghiên cứu tìm hiểu mở đường bay thẳng và đầu tư các dịch vụ cho hãng bay. Mới đây nhất, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Công ty CP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) và Boeing Việt Nam đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh về việc nghiên cứu đầu tư cơ sở bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa, kết hợp thực hành đào tạo về máy bay tại khu vực sân bay quốc tế Phú Bài.
Dự kiến, cơ sở này được xây dựng trên diện tích 24ha, bao gồm hệ thống tòa nhà chứa máy bay, workshop, sân bãi, các công trình phụ trợ… đảm bảo kết nối giao thông đường lăn Cảng hàng không quốc tế Phú Bài với Quốc lộ 1A, đáp ứng nhu cầu sử dụng của Vietravel Airlines và khách hàng. Sau đó, tùy vào quy mô và khả năng kết nối của sân bay quốc tế Phú Bài cũng như nhu cầu của các đơn vị khác, Vietravel Airlines sẽ mở rộng đối tượng phục vụ.
Trước đó, Vietravel Airlines cũng là đơn vị đăng ký đặt trụ sở tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài. Hãng này cũng đặt mục tiêu phục vụ 1 triệu lượt khách trong năm đầu tiên hoạt động.
Để khai thác tối đa công suất của Nhà ga T2 cũng như góp phần đưa khách du lịch đến Huế, lãnh đạo tỉnh cũng tổ chức nhiều cuộc xúc tiến đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư, hãng bay mở đường bay thẳng, bay charter (thuê nguyên chuyến) đến Huế.
Nhờ thế, trong năm 2023, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài đã đón được nhiều đoàn khách đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Có thể thấy, khi cầu được xây, sân bay được mở rộng sẽ tạo được đòn bẩy lớn bật dậy nền kinh tế. Có thể năm 2023 tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa như kỳ vọng. Đây cũng là tình hình chung của cả nước, khu vực và thế giới. Song, với những cơ sở hạ tầng quan trọng được đầu tư và hoàn thành trong nay mai như cảng biển, sân bay, cầu vượt biển, vượt sông… sẽ là động lực, cú hích lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024 và những năm tiếp theo và là động lực quan trọng thúc đẩy việc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.