Cầu nối đưa pháp luật đến với đồng bào vùng biên cương Đông Bắc

Những năm gần đây, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại các huyện miền núi biên giới tỉnh Quảng Ninh cơ bản ổn định, đời sống của người dân từng bước cải thiện và ngày càng được nâng lên.

Đóng góp vào sự phát triển và ổn định ấy có sự chung tay của cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 327, Quân khu 3, trong đó, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người dân luôn được chú trọng.

Thời gian qua, mỗi khi có dịp xuống địa bàn xã Bắc Sơn, TP Móng Cái, cán bộ, nhân viên, TTTTN Lâm trường 42 luôn mang theo bên mình tờ rơi tuyên truyền, PBGDPL cho bà con dân bản.

Trung tá QNCN Nguyễn Quang Vinh, phụ trách công tác dân vận thuộc Ban Chính trị Lâm trường 42 cho biết: “Đây là xã giáp biên nên phải luôn đề phòng các hoạt động buôn lậu, vượt biên trái phép... Vì vậy, chúng tôi phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con một số luật, như: Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Phòng, chống ma túy... Ngoài tuyên truyền, PBGDPL đại trà cho nhân dân, thời gian gần đây, chúng tôi chú trọng phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh tại các trường học trên địa bàn”.

 Cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 42 tuyên truyền kiến thức pháp luật tại thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 42 tuyên truyền kiến thức pháp luật tại thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Tại Khu dân cư Trình Tường thuộc thôn Bắc Cương, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, hoạt động tuyên truyền, PBGDPL cho bà con nơi đây cũng được cán bộ, chiến sĩ Lâm trường 156 (Đoàn KT-QP 327) tiến hành thường xuyên thông qua triển khai mô hình xây dựng Trình Tường thành “Khu dân cư biên giới điển hình”.

Trung tá Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Lâm trường 156 cho biết: “Trình Tường có hơn 70 nhân khẩu người dân tộc Dao sinh sống giáp biên giới. Do nằm tách biệt trên núi khiến việc triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, tuyên truyền, PBGDPL cho người dân của cấp ủy, chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cao, tình trạng tảo hôn, bất bình đẳng giới và một số hủ tục vẫn còn tồn tại trong bà con. Vì vậy, cùng với hỗ trợ, hướng dẫn người dân nơi đây trồng cây mận để phát triển kinh tế, chúng tôi cũng đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL, kết hợp vận động đồng bào sinh hoạt theo nếp sống văn hóa”.

Giao thông đi lại trên địa bàn các huyện miền núi biên giới của tỉnh Quảng Ninh còn khó khăn, nhân dân phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số có nhận thức không đồng đều, một số bản, làng nằm tách biệt ở vùng sâu, vùng xa. Đây là những nguyên nhân chính gây cản trở, khiến bà con nơi đây khó tiếp cận đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thực hiện chức năng đội quân công tác đứng chân trên địa bàn biên giới, những năm qua, các đơn vị, lâm trường thuộc Đoàn KT-QP 327 đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương, Bộ đội Biên phòng, Công an phát huy tốt vai trò cầu nối, mang chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.

Đại tá Nguyễn Văn Tý, Chủ nhiệm Chính trị Đoàn KT-QP 327 cho biết: “Các lâm trường bám sát cơ sở, hằng năm xây dựng kế hoạch, xác định nội dung tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với từng thời điểm, từng địa bàn; ưu tiên vào những bản, làng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn, phức tạp, khu vực biên giới.

Do trên địa bàn có phần lớn là đồng bào dân tộc Dao, Tày, Hoa, Sán Chỉ sinh sống, nhận thức của bà con không đồng đều nên công tác tuyên truyền, PBGDPL được cán bộ, nhân viên, TTTTN các đơn vị tiến hành theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”; kết hợp tuyên truyền thường xuyên với tăng cường trong những đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, diễn tập; đẩy mạnh tuyên truyền thông qua triển khai một số mô hình giúp dân phát triển kinh tế-xã hội, triển khai dự án kinh tế quốc phòng”.

Hoạt động tuyên truyền, PBGDPL được các lâm trường triển khai đa dạng, song chủ yếu thông qua hệ thống loa truyền thanh nội bộ, cử các tổ công tác đến gia đình gặp gỡ trực tiếp, phát tờ rơi, sinh hoạt thôn, bản, khu dân cư... Các lâm trường đã phát huy vai trò của những người có uy tín, già làng, trưởng bản trong quá trình tổ chức tuyên truyền, PBGDPL.

Không chỉ tập trung vào các văn bản liên quan đến công tác quốc phòng, an ninh, các đơn vị còn đẩy mạnh phổ biến, giáo dục một số kiến thức luật thiết yếu như: Giao thông đường bộ, Hôn nhân và Gia đình, Bình đẳng giới... cùng những văn bản luật mới ban hành; kết hợp phổ biến luật với vận động bà con xóa bỏ hủ tục, mê tín dị đoan, xây dựng nếp sống văn hóa mới.

Đại tá Bùi Xuân Bình, Phó chính ủy Đoàn KT-QP 327 khẳng định: Sự tham gia tích cực, chủ động của cán bộ, nhân viên, TTTTN các lâm trường trong những năm qua đã khẳng định vai trò cầu nối quan trọng đưa pháp luật đến với đồng bào, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho người dân.

Thông qua công tác vận động quần chúng nói chung, PBGDPL nói riêng đã góp phần vào giữ vững kỷ cương, tăng cường an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; củng cố mối đoàn kết quân dân bền chặt, xây dựng "phên giậu" vững chắc nơi vùng biên cương Đông Bắc của Tổ quốc.

Bài và ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/cau-noi-dua-phap-luat-den-voi-dong-bao-vung-bien-cuong-dong-bac-784999