Cầu nối quan trọng giữa nhà nước và công dân
Với những vai trò và chức năng mở rộng, thanh tra Quốc hội hiện đại còn đóng vai trò là 'người hòa giải' (conciliators). Tiêu biểu cho mô hình này là pháp và bỉ, đều có một cơ quan với bản chất và chế định pháp lý tương tự như thanh tra Quốc hội nhưng lại mang tính chất là cơ quan trung gian hòa giải. Các cơ quan này được thành lập nhằm giúp các cơ quan nhà nước và công dân giải quyết các khiếu kiện về hành chính, được coi là bên thứ 3 nhằm cải thiện mối quan hệ giữa nhà nước và công dân.
Tính độc lập của “người hòa giải”
Khác với thanh tra Quốc hội, người trung gian hòa giải của pháp được chỉ định theo Sắc lệnh của Tổng thống sau khi được thảo luận tại Hội nghị các Bộ trưởng, có nhiệm kỳ 6 năm và không được tái bổ nhiệm sau khi hết nhiệm kỳ. Người trung gian hòa giải có nhiệm vụ và quyền hạn độc lập. Để khẳng định tính độc lập, người trung gian hòa giải không được ứng cử đại biểu dân cử. Người trung gian hòa giải không thể bị truy tố, truy nã, bắt, giam giữ hoặc xét xử vì đã thể hiện quan điểm hoặc vì các hoạt động đã tiến hành trong quá trình thực hiện chức năng của mình. Cơ quan trung gian hòa giải được chia thành 6 bộ phận phụ trách việc điều tra, thẩm tra, xem xét, xử lý khiếu nại của công dân theo 6 mảng lĩnh vực. Người trung gian hòa giải được chỉ định các đại diện của mình tại các địa phương để thực hiện các công việc do mình ủy quyền như tiếp nhận khiếu nại, hướng dẫn, giải thích pháp luật cho công dân, tiến hành hoạt động điều tra, thẩm tra… và những người này phần lớn làm việc kiêm nhiệm. Trong quá trình hoạt động, người trung gian hòa giải không chịu sự chỉ đạo của bất kỳ một cơ quan hoặc cá nhân nào, được tiếp nhận, thụ lý các đơn thư khiếu nại liên quan đến hoạt động của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước trung ương và địa phương, các đơn vị sự nghiệp công và các tổ chức làm dịch vụ công trong phạm vi mối quan hệ giữa các cơ quan, tổ chức này với các đối tượng quản lý. Các khiếu nại, tranh chấp giữa các cơ quan nhà nước với nhân viên của mình trong quan hệ công tác và các khiếu nại đối với phán quyết của tòa án không thuộc thẩm quyền của cơ quan trung gian hòa giải. cơ quan trung gian hòa giải không phải là một cơ quan hành chính nhà nước nên không ban hành các quyết định giải quyết mà thực hiện nhiệm vụ thông qua các kiến nghị, khuyến nghị và làm việc bằng cơ chế gây sức ép như công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo cáo với tổng thống, với Quốc hội…
Tương tự như ở Cộng hòa Pháp, Vương quốc Bỉ cũng có người trung gian hòa giải và cơ quan giúp việc là cơ quan trung gian hòa giải, được tổ chức nhằm cải thiện mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước và công dân, giúp giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện với công dân. Tuy nhiên, trung gian hòa giải của Bỉ do Quốc hội bầu và có 2 trung gian hòa giải đại diện cho 2 cộng đồng người nói tiếng Pháp và tiếng Hà Lan, có nhiệm kỳ 6 năm với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như nhau. Người trung gian hòa giải hoạt động độc lập, theo Luật về người trung gian hòa giải, không chịu sự chỉ đạo của bất kỳ cơ quan, cá nhân nào.
Mối quan hệ với Nghị viện
Theo quy định của pháp luật, trước khi khiếu nại tới người trung gian hòa giải, người khiếu nại phải thực hiện tất cả các thủ tục hành chính cần thiết với các cơ quan hành chính có liên quan. Khiếu nại được gửi tới Hạ nghị sĩ hoặc thượng nghị sĩ, các nghị sĩ này sẽ chuyển các khiếu nại tới người trung gian hòa giải nếu họ cho rằng khiếu nại đó thuộc thẩm quyền và cần có sự can thiệp của người trung gian hòa giải. Ngoài ra, các thành viên của nghị viện cũng có thể tự yêu cầu người trung gian hòa giải xem xét một vấn đề nếu thấy cần thiết. Và trên cơ sở yêu cầu của một trong 6 ủy ban thường trực của viện mình, Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện cũng có thể chuyển tới người trung gian hòa giải mọi khiếu nại, kiến nghị mà các viện đã tiếp nhận. Khi tiếp nhận khiếu nại, cơ quan trung gian hòa giải có thể thẩm tra, xác minh và tiến hành các hoạt động điều tra để xác định tính đúng đắn của khiếu nại và đưa các giải pháp, khuyến nghị mà họ cho là cần thiết để giải quyết tranh chấp. Các khuyến nghị này phải được các cơ quan hữu quan trả lời trong thời hạn luật định. Nếu quá thời hạn, cơ quan có trách nhiệm không trả lời về các khuyến nghị của mình, cơ quan trung gian hòa giải có quyền làm việc và khuyến nghị với cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan đó mà cao nhất là đến bộ trưởng. Nếu khuyến nghị không được chấp thuận, cơ quan trung gian hòa giải có thể đưa ra giải quyết tại tòa án hành chính. Mặc dù chỉ đưa ra những khuyến nghị, kiến nghị nhưng trên thực tế hoạt động của cơ quan trung gian hòa giải rất có hiệu quả do uy tín, tính đúng đắn và khách quan của các khuyến nghị, kiến nghị. Theo thống kê, khoảng 80% khuyến nghị, kiến nghị được các cơ quan có trách nhiệm chấp nhận.
Bên cạnh cơ quan trung gian hòa giải, Hạ viện Bỉ còn có ủy ban phụ trách về khiếu nại của công dân. Hai cơ quan này có mối quan hệ công tác rất chặt chẽ và có sự phân công công việc cụ thể. Cơ quan trung gian hòa giải có nhiệm vụ tiếp nhận, xem xét những khiếu nại, kiến nghị liên quan đến quyền lợi của các cá nhân, tổ chức. Ủy ban khiếu kiện của Hạ viện có nhiệm vụ tiếp nhận, xem xét những khiếu nại, kiến nghị mang tính chất chính trị hoặc những vấn đề có tính chính sách, xây dựng pháp luật. Thông thường những kiến nghị này do cơ quan trung gian hòa giải chuyển đến khoảng 3 tháng 1 lần, đồng thời tổ chức họp chung để trao đổi công tác, đưa ra các kiến nghị sửa đổi, ban hành pháp luật. Trong quá trình xem xét, xử lý khiếu kiện, cơ quan trung gian hòa giải có quyền tiếp cận tất cả các loại hồ sơ của nhà nước. Các cơ quan và viên chức nhà nước phải trả lời và không thể từ chối các câu hỏi do cơ quan trung gian hòa giải đặt ra. Sau khi đã thu thập đầy đủ thông tin, hồ sơ về vấn đề mà công dân khiếu kiện, cơ quan trung gian hòa giải đưa ra khuyến nghị, kiến nghị giải quyết đối với các cơ quan nhà nước. Nếu khuyến nghị, kiến nghị không được chấp thuận, cơ quan trung gian hòa giải có thể đưa ra Hạ viện để xem xét. Trên thực tế, có khoảng 80% khuyến nghị, kiến nghị của cơ quan trung gian hòa giải Vương quốc Bỉ được chấp nhận và thực hiện.