'Cầu ông Hiệu' - Kết nối phát triển

Tại phường Yên Hòa (Hà Nội), nơi khu vực làng Cót trước kia, được xây một cây cầu bắc qua sông Tô Lịch, do cầu xây xong không ai đặt tên, nên người dân gọi cầu ông Hiệu, để nhớ về vị tướng đã có sáng kiến xây cầu, có công kêu gọi kinh phí xây cầu, mang lại sự an toàn, thuận tiện và phát triển cho người dân khu vực. Quả vậy, từ việc xây cầu phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã vừa trực tiếp, vừa gián tiếp mang lại sự thay đổi mạnh mẽ cho cả khu vực này trong suốt hơn 3 thập niên qua.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu

Vào năm 1985, Quân đội xin địa phương và được cấp đất ở khu vực làng Cót (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) và xây khu tập thể quân đội, trong đó có tập thể quân đoàn 1, quân đoàn 2, pháo binh… Đến năm 1986, khi khu tập thể xây xong, rất đông gia đình các sỹ quan, cán bộ đã chuyển về đây ở, làm nên một khu vực đông đúc hơn, cùng với cư dân cũ của làng Cót. Nguyễn Huy Hiệu cũng được phân nhà ở khu tập thể này. Khi đó, khu vực này chưa có cầu, nên người dân và các sĩ quan quân đội khi di chuyển đều phải đi vòng lên Cầu Giấy, cầu Cót, xa thêm chừng 1 ki lô mét, khá vất vả và thường ùn tắc.

Năm 1988, khi Nguyễn Huy Hiệu trở thành Tư lệnh Quân đoàn 1, ông nhận thấy nếu cứ để tình cảnh đường xá cực kỳ khó khăn thế này thì không an toàn, cần phải có cây cầu bắc qua sông Tô Lịch ở khu vực làng Cót, nên đã vận động kinh phí xây cầu. Cây cầu được xây trong vòng 3 tháng nối bên Láng (Đống Đa) với làng Cót (Cầu Giấy). Sau khi có cầu, mới có con phố 381 vào khu tập thể quân đội, và khi làng Cót lên phường Yên Hòa thì có phố Hoa Bằng, và những tên gọi phố khác.

Cây cầu mang lại sự thuận tiện giao thông cho người dân và cán bộ, sĩ quan quân đội. Không những thế, nhiều hàng quán, dịch vụ mở ra phát triển mạnh lên nhiều lần, tạo nên một khu vực nhộn nhịp, sung túc vui vẻ hơn. Thấy vườn tướng Hiệu trồng nhiều cây xanh, hoa tươi rực rỡ, người dân theo gương ông cũng trồng cây trong vườn, trồng dây leo quanh hàng rào, trồng hoa trước cửa, tạo nên cả một vùng tươi xanh trù phú. Người dân biết ơn nên tự gọi tên cây cầu là “Cầu ông Hiệu”. Cái tên tự phát ấy được người dân khu vực làng Cót quen miệng gọi cho đến nay. “Cầu ông Hiệu” đã thành một biểu tượng cho sự tiện lợi và phát triển của người dân khu vực làng Cót.

Hơn ba thập niên trôi qua, do sự phát triển đô thị, làng Cót đã thành phường Yên Hòa. Dân cư đông đúc gấp nhiều lần, xe cộ cũng nhiều hơn, dù đã có cầu ông Hiệu, nhưng tình trạng ách tắc lại xảy ra vào giờ cao điểm. Nơi đây lại một lần nữa trở thành nút thắt giao thông của phường Yên Hòa. Cạnh đó, có trường Tiểu học Yên Hòa, cha mẹ học sinh đưa đón con đi học, cũng gặp khó khăn và mất an toàn. Để giải quyết tình trạng này, năm 2021 Thành phố Hà Nội mới đầu tư 38 tỷ đồng, mở rộng cầu ông Hiệu thành cây cầu rộng 21m, dài 38m, có hệ thống đèn đường rực rỡ, đảm bảo hai làn xe đi lại thông thoáng, có lối đi rộng dành cho người đi bộ, giải tỏa tắc nghẽn khu vực vào phường Yên Hòa.

Cây cầu này mới được đặt tên là cầu Yên Hòa. Dự kiến sang năm 2022, Thành phố sẽ đầu tư tiếp một con đường rộng 21m chạy thẳng tới Khu tập thể Công viên Cầu Giấy, giải quyết một điểm tắc nghẽn lớn của Hà Nội và tạo nên một môi trường mới, thông thoáng hơn, thay đổi tốt hơn môi trường sinh hoạt của người dân khu vực, trong đó có các sĩ quan quân đội. Các cháu học sinh trường tiểu học Yên Hòa đi lại cũng an toàn hơn và thoát khỏi cảnh tắc nghẽn kinh niên.

Hiện nay, người dân vừa được hưởng lợi từ cây cầu Yên Hòa được nâng cấp, nhưng từ trong tiềm thức, họ vẫn hiểu rằng, cây cầu đẹp đẽ mới mẻ này, cơ bản được hình thành từ cách nay hơn 3 thập niên, nhờ sáng kiến và sự vận động kinh phí của tướng Hiệu. Từ nền tảng đó, mà cây cầu mới được nâng cấp, mà cuộc sống nơi đây dần thay đổi, và tạo hiệu ứng phát triển cho đến nay. Nhiều người dân nơi đây biết ơn tướng Hiệu, mỗi khi thấy ông đi qua, họ đều kính trọng chào hỏi, chia sẻ tình cảm của mình khi được ông hỏi han.

Đây không phải cây cầu duy nhất mà tướng Hiệu góp công, góp ý dựng xây trong cuộc đời ông. Không chỉ bắc những cây cầu thực thể, ông còn bắc những cây cầu kết nối người với người, để đoàn kết, hợp tác hỗ trợ nhau cùng phát triển. Ngày nay, tuy đã nghỉ hưu, nhưng tướng Hiệu bên cạnh việc nghiên cứu khoa học quân sự, vẫn liên tục kết nối mọi người trong các ngành khoa học, thông tin, quân sự để chia sẻ kiến thức, hợp tác, giải quyết các vấn đề trong lao động, cuộc sống. Các bữa trưa của ông luôn ăm ắp tiếng nói, tiếng cười của bạn bè.

Dường như ông áp dụng chiêu thức “Không ăn trưa một mình”, nên trong các bữa trưa của tướng Hiệu, ông tranh thủ kết nối các nhà báo, nhà văn, với sỹ quan quân đội, giới khoa học, doanh nhân, để cùng chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội phát triển. Từ bữa trưa của tướng Hiệu, tinh hoa các giới được kết nối với nhau, chia sẻ các khả năng phát triển công việc, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, cùng nhau sáng tạo, hợp tác trong các dự án mới. Nhờ đó mà họ nâng nhau lên không ngừng, và tuyệt vời nhất là trở thành anh em, đồng đội, đồng chí trong cuộc đời. Ông đã truyền cho họ một bài học lớn về tình đồng đội, về sự kết nối vững bền để cùng nhau phát triển bản thân và phát triển đất nước.

Tướng Hiệu đã bắc cây cầu tình nghĩa, dù vô hình, nhưng mang lại sự ấm áp tình người, và mãi mãi phát triển. Cầu ông Hiệu, cây cầu vô hình ấy được những người quen ông, và qua ông mà biết thêm bạn hữu, đối tác, đồng chí, mãi mãi khắc ghi và biết ơn ông.

Kiều Bích Hậu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cau-ong-hieu-ket-noi-phat-trien-636512.html