Cầu Trần Hưng Đạo thiết kế lai căng, chẳng giống Tây cũng chẳng giống Ta
TS.KTS Trần Minh Tùng nhận xét kiến trúc của cầu Trần Hưng Đạo không ra kiến trúc Đông Dương, nó cũng không ra kiến trúc Tây, cũng chẳng mang kiến trúc Ta.
Tranh cãi về kiến trúc Đông Dương
Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng các công trình giao thông Hà Nội đã trình UBND thành phố kết quả phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng.
Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông đề xuất UBND TP Hà Nội phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng với phương án 3 - kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương, mang dáng vẻ cổ điển, thơ mộng, gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính.
Một số ý kiến cho rằng, lịch sử kiến trúc Việt Nam chưa từng ghi nhận cái gọi là phong cách xứ Đông Dương, đây là sai lầm về nhận thức.
Ngay khi được công bố, nhiều chuyên gia trong lĩnh đã có nhiều ý kiến trái chiều về phong cách kiến trúc “xứ Đông Dương”. Một số ý kiến cho rằng, lịch sử kiến trúc Việt Nam chưa từng ghi nhận cái gọi là phong cách xứ Đông Dương, đây là sai lầm về nhận thức.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, TS.KTS Trần Minh Tùng, Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng: Thực tế, kiến trúc Đông Dương là một dòng kiến trúc có trong lịch sử, nhưng nó đang gây ra nhiều tranh cãi.
Theo TS.KTS Trần Minh Tùng, kiến trúc Đông Dương là một câu chuyện tương đối nhạy cảm, dòng kiến trúc này không thuần túy là một phong cách mỹ thuật hoàn toàn, mà nó còn mang màu sắc của chính trị.
Bởi vì, vào thời kỳ thuộc địa, khi Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, người Pháp đã đưa kiến trúc Pháp sang Việt Nam, với mục đích là mị dân. Quá trình này được chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn đầu, người Pháp mang kiến trúc đặc trưng của Pháp sang, thể hiện sự hấp dẫn của kiến trúc Pháp, ví dụ như Nhà Hát Lớn Hà Nội.
Về sau, người Pháp nhận thấy những công trình này không phù hợp với khí hậu Việt Nam, và làm cho người Việt Nam xa lạ. Vì vậy, người Pháp chuyển sang phong cách kiến trúc khác, thân thiện với người Việt Nam hơn. Từ đó, người Pháp tạo ra kiến trúc Đông Dương.
Trên thực tế, Đông Dương gồm 3 nước, bao gồm Việt Nam, Lào và Campuchia. Cả ba quốc gia này đều có kiến trúc Đông Dương đặc trưng bởi sự kết hợp giữa kiến trúc Pháp và kiến trúc bản địa. Nên hiện nay chúng ta có kiến trúc Đông Dương tại Việt Nam, kiến trúc Đông Dương tại Lào hay tại Campuchia.
“Xuất phát từ hành động mị dân, nên có một thời gian, kiến trúc Đông Dương không được xem là một phong cách kiến trúc. Tuy nhiên, thời điểm này, xã hội cởi mở hơn, nên mọi người mới nhắc đến kiến trúc Đông Dương”, KTS Trần Minh Tùng nói.
Cầu Trần Hưng Đạo thiết kế lai căng, chẳng giống Tây cũng chẳng giống Ta
Quay trở lại vấn đề thiết kế cầu Trần Hưng Đạo mang kiến trúc Đông Dương, TS.KTS Trần Minh Tùng cho rằng, đơn vị thiết kế đã có dụng ý, đưa một cây cầu vượt sông Hồng mang màu sắc Đông Dương, đặt trong khu phố Pháp (khu vực quận Hoàn Kiếm) là điều đáng trân trọng.
Xung quanh cầu Trần Hưng Đạo, chúng ta có thể thấy công trình mang bản sắc của kiến trúc Đông Dương rõ nhất, là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Như vậy, khi đặt cầu Trần Hưng Đạo tại khu vực này sẽ tạo ra sự hài hòa nhất định.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, nếu xét về giá trị thẩm mỹ kiến trúc, thì rất khó có thể coi cầu Trần Hưng Đạo mang kiến trúc Đông Dương.
Cũng theo TS.KTS Trần Minh Tùng, hiện nay, Việt Nam có hiện tượng nhại lại kiến trúc của người Pháp. Một số người gọi là kiến trúc Pháp cổ, nhà cổ hoặc lặp lại cái cổ. Một số kiến trúc sư tự ý kết hợp một chút đặc trưng của kiến trúc Pháp, kết hợp với mái nhà của người Việt, rồi tự nhận đó là kiến trúc Đông Dương, như vậy nó gây ra sự oan uổng cho dòng kiến trúc này.
“Nếu nhận xét về kiến trúc của cầu Trần Hưng Đạo, tôi đánh giá nó không ra kiến trúc Đông Dương, nó cũng không ra kiến trúc Tây, cũng chẳng mang kiến trúc Ta. Tức là nó chẳng dựa trên quy luật nào cả. Đơn vị thiết kế, đơn giản vẽ 1 cái nhà, sau đó có cửa số giống người Pháp, có thêm cái mái giống Việt Nam, và họ gọi là kiến trúc Đông Dương”, ông Tùng thẳng thắn chia sẻ.
Cầu Trần Hưng Đạo thiết kế lai căng, chẳng giống Tây cũng chẳng giống Ta
Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng cho rằng, kiến trúc Đông Dương giống như một đứa con lai, giữa kiến trúc Pháp và kiến trúc Việt Nam. Do đó, nó phải có nét đặc trưng của cả 2 phong cách kiến trúc này, thậm chí “con lai” nhiều khi còn phải đẹp hơn “bố mẹ”.
“Nhưng khi nhìn vào cầu Trần Hưng Đạo, tôi lại liên tưởng đến hình ảnh một người Việt nhuộm tóc vàng, đeo lens mắt màu xanh, và họ gọi đó là con lai. Người như vậy là lai căng, chứ không phải là con lai thuần túy. Dựa trên ví dụ này, tôi không tin cầu Trần Hưng Đạo mang kiến trúc Đông Dương”, ông Tùng chia sẻ thêm.
Thời kỳ nào phải mang thiết kế của thời đó
Bên cạnh thiết kế chẳng giống ai của cầu Trần Hưng Đạo, TS.KTS Trần Minh Tùng nhìn nhận, mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn đều có ngôn ngữ thiết kế riêng của giai đoạn đó. Vậy tại sao, đơn vị thiết kế lại lựa chọn kiến trúc Đông Dương, một phong cách kiến trúc xưa cũ áp dụng vào thời kỳ hiện đại.
“Ví dụ, tại thời điểm này, một đôi vợ chồng nọ thay vì xưng hô anh - em, họ lại gọi nhau bằng chàng - thiếp, liệu có còn phù hợp hay không. Dù đây là một cách xưng hô của người Việt trong quá khứ, nhưng hiện nay không còn ai dùng nữa. Như vậy, thời kỳ nào thì nên có ngôn ngữ của thời kỳ đó, chứ không nên dùng ngôn ngữ quá khứ để nói về hiện tại”, ông Tùng nhận xét.
Với cầu Trần Hưng Đạo, nhiều ý kiến cho rằng, thiết kế của cầu giống như cầu tháp London, bắc qua sông Thames nước Anh.
Bên cạnh đó, nếu mọi ý kiến đều đồng ý xây dựng cầu Trần Hưng Đạo theo phong cách kiến trúc Đông Dương, thì đơn vị thiết kế phải làm cho rõ kiến trúc Đông Dương, chứ không thể làm hời hợt như bản thiết kế hiện tại được. Nó khó có thể gọi là kiến trúc Đông Dương.
Ngoài ra, TS.KTS Trần Minh Tùng đặc biệt nhấn mạnh, trong ngành kiến trúc, điều tối kỵ khi thiết kế công trình, là khiến mọi người liên tưởng công trình này với công trình khác.
Với cầu Trần Hưng Đạo, nhiều ý kiến cho rằng, thiết kế của cầu giống như cầu tháp London, bắc qua sông Thames nước Anh.
“Tôi cho rằng, Hà Nội và đơn vị thiết kế cần xem xét lại có cần thiết đưa kiến trúc Đông Dương không. Và nếu có đồng ý làm theo phương án đó, thì phải xem đó có phải là kiến trúc Đông Dương hay không”, ông Tùng nói thêm.
Theo TS.KTS Trần Minh Tùng, việc Hà Nội quyết tâm làm cầu vượt sông Hồng là điều đáng ghi nhận. Nó giúp kết nối 2 bờ sông Hồng với nhau, tạo điều kiện cho khu vực Long Biên phát triển.
Tuy nhiên, cách làm cầu không ổn lắm. Tại sao đơn vị vẫn bắt chước quá khứ, ở thời hiện đại. Đây là điều khó hiểu.