Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 sẽ như thế nào?

Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 được nhận định giữ nguyên so với đề thi minh họa Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 và đề thi chính thức của các năm gần đây.

Ngày mai (27/6), Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 chính thức bắt đầu với bài thi nghị luận môn Ngữ văn.

Theo nhận định, cấu trúc đề thi sẽ giữ nguyên hai phần đọc hiểu (3 điểm), làm văn (7 điểm) bao gồm hai câu: Nghị luận xã hội (2 điểm) và Nghị luận văn học (5 điểm).

Trước đó, trong tháng 3/2024, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố đề thi minh họa cho các môn trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia 2024.

 Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 là kỳ thi cuối cùng của lứa học sinh theo học chương trình giáo dục phổ thông 2006 (ảnh Trinh Phúc).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 là kỳ thi cuối cùng của lứa học sinh theo học chương trình giáo dục phổ thông 2006 (ảnh Trinh Phúc).

Nhìn chung, đề thi minh họa tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản giữ ổn định cấu trúc như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Cụ thể, phần Đọc hiểu gồm ngữ liệu đọc hiểu là một đoạn thơ, nằm ngoài chương trình sách giáo khoa phổ thông là bài “Những đám mây cuối trời” của nhà thơ Đoàn Văn Mật, sau đó là 4 câu hỏi đọc hiểu, được phân loại theo các cấp độ tăng dần.

Còn câu Nghị luận văn học yêu cầu thí sinh phân tích đoạn trích trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Từ đó, nhận xét tình cảm của Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đối với sông Hương được thể hiện trong đoạn trích.

 Đề thi minh họa Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Đề thi minh họa Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Cô giáo Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) từng chia sẻ, phần đọc hiểu trong đề thi môn Ngữ văn luôn gồm một ngữ liệu đọc hiểu và 4 câu hỏi đọc hiểu được sắp xếp theo các cấp độ nhận thức từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng tới vận dụng cao.

Vì vậy thí sinh cần nhận ra những tín hiệu của từng loại câu hỏi để có phương pháp trả lời phù hợp, tránh trả lời thừa hoặc thiếu.

Câu hỏi vận dụng cao thường yêu cầu thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, thái độ và nhất là quan điểm cá nhân trước một nhận định, thông điệp, vấn đề đặt ra trong văn bản đọc hiểu.

Với dạng câu hỏi yêu cầu thể hiện cảm xúc, suy nghĩ về một hiện tượng, sự việc… học sinh cần trả lời ngắn gọn, chân thành, trung thực những suy nghĩ, xúc cảm cá nhân, tránh khuôn mẫu, sáo rỗng, hô khẩu hiệu…

Bài nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất trong đề thi, đòi hỏi các em dành nhiều nhất thời gian và tâm sức; Cần xác định chính xác yêu cầu nghị luận thể hiện trong câu lệnh của đề bài, và theo mô hình đề những năm gần đây, đề bài thường có hai câu lệnh.

Câu lệnh chính thường yêu cầu phân tích hoặc cảm nhận một đoạn văn bản đã học trong chương trình sách giáo khoa lớp 12, câu lệnh phụ thường yêu cầu từ sự phân tích, cảm nhận đó, rút ra nhận xét một giá trị về nội dung hoặc nghệ thuật cụ thể trong văn bản, đoạn văn bản.

Sau khi đã xác định yêu cầu nghị luận, các em nên phác thảo sơ lược hướng triển khai nội dung nghị luận để quá trình viết không lan man hoặc sơ sài, thiếu ý.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cau-truc-de-thi-mon-ngu-van-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2024-se-nhu-the-nao-post300945.html