Cấu trúc lại hệ thống GD quốc dân để nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa

Nhìn chung, cơ cấu nhân lực hiện nay chưa hợp lý và thiếu tính đồng bộ, dẫn đến năng suất lao động trung bình của Việt Nam còn thấp so với thế giới và khu vực.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đánh giá là một quá trình có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế và xã hội của một quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Sau nhiều năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, đất nước ta đã vượt qua giai đoạn thử thách gay go, bước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và đang có những bước đi vững vàng.

Bước sang thời kỳ mới, một số Văn kiện Đại hội Đảng nhiều khóa, cụ thể như Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để từng bước thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Trước đó, trong báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (2006) đã nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế 05 năm từ 2006-2010 với mục tiêu tổng quát là: “Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. Tạo được nền tảng để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”.

Để đạt được mục tiêu này, báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (2016) chỉ rõ: ”Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu; phương hướng chung của lĩnh vực giáo dục và đào tạo là phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Bên cạnh đó, Điều 17 Luật Giáo dục sửa đổi 2019 cũng nêu “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Đầu tư trong lĩnh vực giáo dục là hoạt động đầu tư thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và được ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật".

Tuy nhiên, nếu tính đến thời điểm năm 2020, đất nước ta vẫn chưa thể đạt được mục tiêu này vì tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nêu: “Đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại”.

Chất lượng nguồn nhân lực chưa đạt do đâu?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân liên quan đến việc nước ta không thể hoàn thành mục tiêu đưa đất nước cơ bản trở thành công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020.

Bên cạnh đó, cơ cấu đội ngũ nhân lực còn rất bất hợp lý và thiếu tính đồng bộ dẫn đến việc làm cho năng suất lao động trung bình của lao động Việt Nam bị kém nhiều lần so với thế giới và khu vực.

“Trên thực tế, không ít nhà hoạch định chính sách đã vin vào lý do “thừa thầy thiếu thợ" để biện minh cho cơ cấu nhân lực còn nhiều hạn chế. Theo đó, đã có những đề xuất hạ thấp chỉ tiêu tuyển sinh đại học hàng năm chứ không chịu thừa nhận thực tế và tìm cách cải thiện để đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nếu cứ tìm lý do để biện minh và giữ cơ cấu nhân lực như vậy thì xã hội sẽ còn thiếu cả thầy lẫn thợ", Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.

 Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Lã Tiến

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Lã Tiến

Trên cơ sở đó, thầy Khuyến đã chỉ ra 2 yếu điểm của lực lượng lao động Việt Nam hiện nay.

Đầu tiên là cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân còn nhiều bất cập, được thể hiện tại các luật về giáo dục và nhiều văn bản dưới luật hiện hành.

Theo đó, cơ cấu hệ thống giáo dục hiện nay về cơ bản không đáp ứng được những định hướng quan trọng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo khi toàn hệ thống không có sự nhất quán do khối giáo dục nghề nghiệp (đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, đào tạo nghề) được tách riêng biệt.

Mặt khác, vì khối giáo dục nghề nghiệp không phải là một bậc học nên không thể xem khối này nằm ở vị trí trên giáo dục trung học và dưới giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, ngay giữa các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng cũng không có sự liên thông thật sự.

Thầy Khuyến nêu ví dụ: Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định, muốn được dự tuyển vào cao đẳng thì thí sinh phải đồng thời vừa có bằng trung cấp vừa có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc đã học và đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa Trung học phổ thông.

Từ cao đẳng chuyển lên đại học lại càng không dễ dàng chút nào vì có sự khác nhau về mục tiêu và cấu trúc chương trình đào tạo do 2 cơ quan quản lý Nhà nước khác nhau quy định. Chưa kể đến xu hướng hạ chuẩn các trình độ trung cấp và cao đẳng, xóa bỏ chức danh kỹ thuật viên để thu hút nguồn tuyển, triển khai các chương trình đào tạo…

"Giáo dục chuyên nghiệp có nhiệm vụ đào tạo những kỹ thuật viên cho các lĩnh vực kinh tế quốc dân. Hệ thống dạy nghề lại có nhiệm vụ đào tạo những công nhân kỹ thuật và nhân viên nghiệp vụ lành nghề.

Vậy nên, kỹ thuật viên và công nhân kỹ thuật sẽ có sự khác biệt do có phương thức đào tạo khác nhau. Cụ thể, kỹ năng, kỹ xảo thực hành nghề là phần cơ bản của đào tạo nghề và thường chiếm 55 - 70% tổng số thời gian của toàn bộ chương trình đào tạo nghề.

Trong khi đó tỷ lệ các học phần thực hành trong chương trình đào tạo của các trường chuyên nghiệp chỉ chiếm khoảng 40 - 45% tổng số thời gian đào tạo toàn khóa", thầy Khuyến phân tích.

 Giáo dục chuyên nghiệp có nhiệm vụ đào tạo những kỹ thuật viên cho các lĩnh vực kinh tế quốc dân. Ảnh minh họa: Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định.

Giáo dục chuyên nghiệp có nhiệm vụ đào tạo những kỹ thuật viên cho các lĩnh vực kinh tế quốc dân. Ảnh minh họa: Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định.

Đánh giá từ thực tế, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay, Việt Nam chưa thật sự đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo.

Theo Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế của UNESCO (ISCED 2011) thì các trình độ sơ cấp và trung cấp ở Luật Giáo dục nghề nghiệp không tương ứng với bất kỳ một cấp độ nào của ISCED 2011.

Ngoài ra ISCED-2011 cũng quy định trình độ cao đẳng phải tương ứng với cấp độ 5 (thuộc về giáo dục đại học) trong khi theo Luật Giáo dục Nghề nghiệp thì cao đẳng chỉ được xem nằm ở cấp độ 4 (dưới giáo dục đại học).

Chưa kể đến thực trạng không có sự phân luồng học sinh sau trung học cơ sở cũng như sau trung học phổ thông.

Thầy Khuyến cho rằng, việc rẽ nhánh học sinh sau trung học cơ sở để vào trung cấp nghề là lối đi vào “ngõ cụt” vì người học khi ra trường còn chưa đủ độ tuổi lao động, thêm vào đó là yêu cầu muốn học lên cao đẳng còn cần phải có cả bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Do đó nếu nhìn theo xu hướng chung như từ trước đến nay, sau khi học xong bậc trung học cơ sở, người học đều cố gắng thi vào các Trường Trung học phổ thông.

Còn sau khi kết thúc chương trình đào tạo trung học phổ thông, người học thường có xu hướng thi vào đại học vì nếu đi vào cao đẳng thì sau này sẽ rất khó học tiếp lên đại học, bởi thực tế cấu trúc chương trình và định hướng ở hai trình độ không giống nhau nên rất khó để liên thông với nhau.

“Đây mới là nguyên nhân chủ yếu trước quan điểm về tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, thầy Khuyến nhấn mạnh.

Trong khi đó, tại Tọa đàm "Chính sách và nhân lực ngành Công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ: Hiện trạng và giải pháp" do Câu lạc bộ khối trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công Thương (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 2/8, Tiến sĩ Lê Việt Long - Chánh Thanh tra Bộ Công Thương đã chia sẻ về thực trạng sinh viên đại học sau khi ra trường vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc trong thực tiễn, dù nhu cầu nhân sự của một số ngành vô cùng lớn.

 Tọa đàm "Chính sách và nhân lực ngành Công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ: Hiện trạng và giải pháp" diễn ra tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp (cơ sở Nam Định). Ảnh: Lã Tiến

Tọa đàm "Chính sách và nhân lực ngành Công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ: Hiện trạng và giải pháp" diễn ra tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp (cơ sở Nam Định). Ảnh: Lã Tiến

Theo Tiến sĩ Lê Việt Long, hiện nay, tình trạng sinh viên yếu kỹ năng, thiếu định hướng nghề nghiệp vô cùng phổ biến và chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt đối với sinh viên ở trình độ giáo dục đại học.

"Quy định về giáo dục đại học hiện nay đang thiết kế, sắp xếp số tiết dạy thực hành chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số tiết của chương trình đào tạo. Với nhu cầu thời kỳ hội nhập quốc tế, các cơ sở giáo dục đại học phải gấp rút thay đổi, chú trọng nhiều hơn việc đào tạo kỹ năng cho sinh viên. Không thể để đơn vị tuyển dụng rơi vào thế cần người mà không dám tuyển, hoặc chuyển hướng tuyển dụng sang lao động nước ngoài trong khi lao động nước ta có đủ sức cạnh tranh.

Trên thực tế, một số trường đại học dừng tuyển sinh nhiều ngành đào tạo do chưa thu hút được thí sinh hoặc do chất lượng đầu ra không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Do đó, cần phải tích cực hơn trong việc khảo sát nhu cầu xã hội khi mở ngành hoặc hình thành mô hình đào tạo mới. Đẩy mạnh việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ quá trình học tập của sinh viên, qua đó triển khai đào tạo các kỹ năng mềm, kỹ năng bổ trợ..

Ngoài ra, chú trọng tuyển dụng, đào tạo giáo viên, chuyển dịch cơ cấu giáo viên cơ hữu từ các ngành nghề giảm sút sang các ngành nghề mới. Thuê nhiều giảng viên, chuyên gia chất lượng về trường giảng dạy để sinh viên có kiến thức và kinh nghiệm thực tế", Chánh Thanh tra Bộ Công Thương chia sẻ.

Cần cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân để phát triển sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Để cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân cho đồng bộ với thực trạng phát triển của chính mình và phù hợp với xu hướng quốc tế, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho hay: Trước mắt, phải thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, đây chính là giải pháp cấp bách để đồng bộ cơ cấu lao động.

Theo đó, Nhà nước tập trung chỉ đạo ở tầm vĩ mô kết hợp với phân cấp hợp lý cho các địa phương, bộ, ngành; Điều tra, xác định lại thành phần, cơ cấu và trình độ lực lượng lao động đất nước; Lập Quy hoạch nhân lực tổng thể và xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đào tạo cho nửa đầu thế kỷ 21 đủ tầm và khả thi.

Phục hồi loại hình trường cao đẳng chuyên nghiệp đào tạo kỹ thuật viên và xóa bỏ việc thí điểm triển khai các chương trình cao đẳng “siêu tốc”. Thay vào đó bổ sung các môn học nghề từ chương trình trung cấp nghề (do Tổng cục giáo dục nghề nghiệp ban hành) vào các nội dung tự chọn của chương trình phổ thông 2018 để mở ra cơ hội cho các trường trung học phổ thông chủ động xây dựng các tổ hợp môn học mang định hướng nghề nghiệp sâu hơn, đa dạng hơn.

Ngoài ra, tổ chức xây dựng hệ thống trường trung học nghề, trung học kỹ thuật bảo đảm học sinh tốt nghiệp vừa có trình độ học vấn vừa có kỹ năng thành thạo.

Thông qua các giải pháp cần đổi tên và chức năng trường trung cấp nghề thành trường trung học nghề, chuyển đổi các trường trung cấp chuyên nghiệp thành trường cao đẳng thực hành hoặc trường trung học nghề,trung học kỹ thuật, hợp nhất một bộ phận Trường Trung học phổ thông với các trung tâm dạy nghề địa phương thành trường trung học nghề, trung học kỹ thuật.

"Trường dạy nghề trung học là một hình đào tạo sẽ phát triển mạnh trong tương lai, hướng đến học sinh vừa tốt nghiệp bậc Trung học cơ sở và được đào tạo trong 3-4 năm học.

Trường dạy nghề song song với dạy văn hóa phổ thông để sau khi tốt nghiệp, người học sẽ trở thành công nhân có trình độ nghề nghiệp cao và trình độ văn hóa tốt.

Với tiềm năng đó, học sinh tốt nghiệp có thể nhanh chóng trở thành công nhân lành nghề và những học sinh năng lực giỏi có thể được thi ngay vào các trường đại học cùng ngành đào tạo", thầy Khuyến chia sẻ.

LÃ TIẾN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/cau-truc-lai-he-thong-gd-quoc-dan-de-nhan-luc-dap-ung-yeu-cau-cong-nghiep-hoa-post244560.gd