Cầu vượt sông Sài Gòn và niềm mong mỏi của người dân TP.HCM

Người dân TP.HCM chưa nghĩ đến viễn cảnh tận mục sở thị những cây cầu nguy nga bắc qua sông Sài Gòn mà mới nghĩ đến việc thoát khỏi áp lực giao thông do các cây cầu này mang lại trong tương lai.

Việc Sở GTVT TP.HCM có văn bản về nghiên cứu, hoàn thiện phương án đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 và cầu vượt sông Sài Gòn (thuộc dự án đường vành đai 4) đem lại niềm phấn khởi cho những ai yêu mến và kỳ vọng vào sự phát triển vượt bậc của TP nghĩa tình này

Nhiều năm trước, khi thực hiện tuyến đề tài quen thuộc “khơi dậy nội lực để TP.HCM bứt tốc”, tôi được một học giả nước ngoài chia sẻ rằng điều ông nhận thấy ngay khi quan sát và nghiên cứu về TP là cần nâng cao trách nhiệm với mảnh đất này.

Tín hiệu đầu tiên để đi đến nhận định này là: Như nhiều đại đô thị trên thế giới, TP hình thành và phát triển từ một con sông lớn gắn với cảng. Nhờ đó, TP có con sông hào hiệp và duyên dáng vắt ngang. Nhưng điều kỳ lạ là TP có quá ít cây cầu, trong khi những cây cầu bắc qua sông giữa lòng đô thị là biểu tượng của sự phát triển hài hòa, thịnh vượng.

Những cây cầu bắc qua sông Sài Gòn

Những cây cầu bắc qua sông Sài Gòn

Điểm qua một loạt đại đô thị hình thành từ sông lớn trên thế giới như Paris, London, Budapest, New York, Thượng Hải… có thể thấy hệ thống cầu qua sông không chỉ giải quyết bài toán giao thông mà còn là điểm nhấn về kiến trúc, góp phần quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu địa phương, thu hút du khách và nhà đầu tư. Gọi là hệ thống cầu vì đó là tổng thể kiến trúc hài hòa, vừa thống nhất vừa đa dạng.

Xin không nhắc lại vì sao TP.HCM đến bây giờ vẫn còn ít cầu bắc qua sông Sài Gòn, mà chỉ chia sẻ cảm giác vừa phấn khởi vừa đôi chút băn khoăn khi việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 và cầu vượt sông Sài Gòn (thuộc dự án đường vành đai 4) được nhắc tới. Cảm giác phấn khởi không đến từ việc nhìn những mô hình cầu khang trang được thể hiện qua hình vẽ mà từ trải nghiệm mỗi sáng chiều len lỏi giữa dòng xe container tại khu vực cảng Tân Thuận.

Phương án di dời cảng đi cùng với đó là xóa bỏ hình ảnh những chiếc xe siêu trường, siêu trọng gầm gừ trong các con đường nhỏ chỉ đáng dành cho xe hai bánh đã được công bố từ hàng chục năm trước nhưng đến nay vẫn là kế hoạch được lùi thời hạn. Chưa kể mấy năm trước, để giải tỏa áp lực, xe container đã tràn từ đường Huỳnh Tấn Phát về đường Trần Xuân Soạn (quận 7) với chiều rộng mà chỉ một cú cua cũng làm tắc một quãng.

Nhiều người dân TP có lẽ chưa nghĩ đến viễn cảnh tận mục sở thị những công trình nguy nga, mà mới nghĩ đến việc thoát khỏi áp lực giao thông do hai cây cầu này mang lại. Xa hơn chút nữa là được trải nghiệm hoặc chiêm ngưỡng việc di chuyển sang Thủ Thiêm dễ dàng, nhanh chóng hơn, bớt cảm giác xa vời mỗi khi nhắc đến đô thị tương lai với trung tâm tài chính, trung tâm thương mại… tạo lập cực tăng trưởng mới.

Trách nhiệm mà vị học giả đề cập được hiểu là trách nhiệm từ nhiều phía và người mong mỏi trách nhiệm ấy là những ai yêu mến TP.HCM.

Họ mong mỏi kinh nghiệm từ những dự án đảm bảo tiến độ như cầu Phú Mỹ được áp dụng cho những dự án mới này. Họ mong mỏi các khâu thực hiện dự án theo đúng quy định, lời tuyên bố và kế hoạch. Họ mong mỏi những giải thích cho việc chậm tiến độ, vướng mắc ngày một giảm bớt, thay vào đó là hành động quyết liệt, hiệu quả trên tinh thần trách nhiệm.

PHẠM CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/cau-vuot-song-sai-gon-va-niem-mong-moi-cua-nguoi-dan-tphcm-post703280.html