Cây cảnh bonsai: Tạo giá trị kinh tế từ nghệ thuật
Thú chơi bonsai đang ngày càng được nhiều người Hà Nội ưa chuộng bởi phù hợp với những không gian nhỏ, lại mang giá trị kinh tế cao cho người chơi cây và người trồng.
Là một trong những nghệ nhân có tác phẩm tại khu trưng bày 70 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đặc sắc đang diễn ra tại Hội Quán Quảng Đông, ông Lưu Trường Sơn, chủ vườn bonsai Lưu Trường Sơn chia sẻ về xu thế chơi cây cảnh bonsai đang ngày càng mở rộng và có giá trị về kinh tế: "Ngày xưa chúng ta chỉ dùng từ “chơi” thôi, nhưng bây giờ bonsai có thị trường riêng rồi. Đặc biệt thú chơi này bây giờ liên thông khắp thế giới và rất nhiều vùng miền khắp cả nước. Ở các nước như Hàn Quốc, Nhật bản,… nó đã thành một nền kinh tế, có giá trị, vì bây giờ đối tượng sử dụng rất đa dạng".
Theo giới chuyên môn, cùng với xu thế đô thị hóa, không gian sống và không gian dành cho cây xanh ngày càng hẹp lại, từ đó xu hướng chơi bonsai để cân bằng môi trường trở thành xu thế tất yếu của thế giới. Do vậy, việc định hướng phát triển loại hình này đang ngày càng được quan tâm.
Ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho biết: "Rõ ràng nhiều nước đã chơi cây bonsai này và hiện nay đã có những giao lưu quốc tế giữa các bạn bonsai sang Nhật Bản, Trung Quốc,… Ở đó cũng có những thành tựu, sắc thái riêng, và rõ ràng để trồng bonsai bây giờ cũng phải tiếp thu khoa học công nghệ sinh học quốc tế thì mới mang lại giá trị đẹp hơn và bền vững".
70 tác phẩm tại triển lãm ở Hội Quán Quảng Đông năm nay đã tái hiện nét đẹp văn hóa lịch sử nghệ thuật Hà Nội 36 phố phường, mang đến một không gian trải nghiệm hài hòa giữa nghệ thuật sắp đặt, hội họa, kiến trúc và thư pháp. Mỗi cây bonsai ẩn chứa một ý nghĩa câu chuyện mà người tạo tác muốn gửi gắm qua việc chắt lọc, loại bỏ những nét dư thừa của thân cây, gốc rễ, cành lá, hoa…và sáng tạo nên những tác phẩm có thần.