Cây cầu 'thanh niên' trên suối Nậm Có
ĐBP - Sau bao năm tháng mong chờ, nhóm dân cư Nậm Có (đội 7, xã Hua Thanh, huyện Ðiện Biên) sắp có cây cầu kiên cố để yên tâm qua suối Nậm Có cả 4 mùa. Cây cầu bê tông cốt thép đó là bao tâm huyết, công sức của đoàn viên thanh niên trên địa bàn.
Ðoàn Thanh niên xã Hua Thanh thi công mặt cầu dân sinh qua suối Nậm Có.
Ký ức khó khăn
Cách quốc lộ 12 chưa đầy 1km song để đến được nhóm dân cư Nậm Có khá khó khăn bởi con đường dân sinh nhỏ hẹp và suối Nậm Có. Nhóm dân cư Nậm Có gồm 6 hộ dân với 30 nhân khẩu. Trong ký ức của người dân ở đây, con suối Nậm Có là nỗi ám ảnh mỗi khi mùa mưa đến. Vào mùa mưa, nước suối dâng cao, chảy xiết cuốn phăng tất cả những gì trên đường chúng chảy qua. Hàng trăm mét vuông ao cá; hàng nghìn mét vuông vườn rau, ngô của người dân, cả cây cầu tạm qua suối từng bị nước cuốn trôi. Nhóm dân cư Nậm Có trở thành một ốc đảo “nội bất xuất, ngoại bất nhập” mỗi khi mùa lũ về.
Anh Lò Văn Tính, người dân nhóm dân cư Nậm Có cho biết: Tôi sống ở đây, gắn bó với con suối Nậm Có hơn 20 năm. Mùa khô, suối hiền hòa nhưng đến mùa mưa, dòng suối trở nên hung dữ và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khôn lường. Cứ mùa mưa hàng năm, chúng tôi luôn phải nghĩ cách đối phó với sự dữ dằn của nó để ổn định sinh hoạt và sản xuất. Sau những lần bị thiệt hại, chúng tôi đã rút kinh nghiệm và bố trí lịch sản xuất để nuôi cá và trồng rau có thể thu hoạch trước cao điểm mùa mưa. Toàn bộ phương tiện phục vụ đi lại, dụng cụ sản xuất đều được gửi ở nhà người quen, người thân dọc quốc lộ 12 bên kia suối, rồi hàng ngày, mọi người dắt díu nhau lội qua suối mỗi khi có việc ra ngoài. Sinh hoạt, sản xuất của các hộ dân ở đây cứ lặp đi, lặp lại như thế suốt những tháng mùa mưa.
Nhóm dân cư Nậm Có chỉ có 30 nhân khẩu nhưng có 18 nhân khẩu là học sinh các cấp: Mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Do đó, việc đưa con em vượt suối đến trường luôn là khó khăn của người dân nơi đây.
Anh Quàng Văn Hoán, nhóm dân cư Nậm Có chia sẻ: “Nhà tôi có 2 con, 1 cháu đang học mầm non và 1 cháu học tiểu học. Mùa mưa, nước suối Nậm Có dâng cao, chảy xiết nên việc đưa, đón các cháu đi học rất khó khăn. Tôi thường phải cõng từng đứa lội qua suối. Nhiều hôm nước suối chảy mạnh tưởng như có thể cuốn trôi cả hai bố con.”
Ông Quàng Văn Biên, đội trưởng đội 7 - bản Tâu, xã Hua Thanh cho biết: Mùa mưa nước suối dâng cao, chảy mạnh gây thiệt hại về nông nghiệp và ảnh hưởng cuộc sống 6 hộ nhóm dân cư Nậm Có. Ðặc biệt, tiềm ẩn tai nạn đuối nước. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với UBND xã, UBND huyện đầu tư xây dựng cầu dân sinh, song do kinh phí hạn hẹp nên cây cầu vẫn chưa được đầu tư xây dựng.
Xây dựng “cầu thanh niên”
Ông Lê Ngọc Hoàn, Phó Bí thư phụ trách Huyện đoàn Ðiện Biên cho biết: Chào mừng Ðại hội Ðảng bộ huyện Ðiện Biên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện đoàn Ðiện Biên phát động phong trào thi đua trong toàn huyện lập thành tích chào mừng Ðại hội. Trong đó, trọng tâm là kêu gọi, quyên góp để đầu tư xây dựng công trình dân sinh tại các xã vùng cao, khó khăn. Qua rà soát tại các xã, công trình được lựa chọn là cầu dân sinh qua suối Nậm Có. Sau khi xác định được địa điểm, Huyện đoàn lên kế hoạch kêu gọi, kết nối với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài huyện ủng hộ kinh phí. Sau hơn 1 tháng vận động, Huyện đoàn đã xã hội hóa được tổng kinh phí 50 triệu đồng. Ðồng thời phối hợp với chính quyền xã vận động, kêu gọi, huy động sức dân trong toàn xã để đủ kinh phí thực hiện công trình. Ông Quàng Văn Biên, chia sẻ thêm: Hưởng ứng phong trào, đội 7 đã tổ chức họp đội, phổ biến chủ trương và vận động người dân hưởng ứng; 100% hộ dân đều đồng thuận và đóng góp 50.000 đồng/hộ để xây cầu. Ðến ngày 13/6/2020, cầu dân sinh bắc qua suối Nậm Có được khởi công xây dựng với kết cấu bê tông cốt thép rộng 2,1m; dài 10m, tổng kinh phí gần 100 triệu đồng.
14 giờ 30 phút chiều ngày 24/6, 50 đoàn viên thanh niên xã Hua Thanh và 6 hộ dân nhóm Nậm Có, mỗi người mỗi việc, tất cả đều khẩn trương chuẩn bị cho công đoạn đổ bê tông mặt cầu. Mùa nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời khoảng gần 40oC, mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm những chiếc áo xanh tình nguyện. Công việc hoàn thành, ai cũng mệt rã rời song nụ cười thì rạng rỡ trên khuôn mặt mỗi đoàn viên.
Anh Quàng Văn Kim, Bí thư Ðoàn xã Hua Thanh cho biết: Từ ngày khởi công đến nay, ngoài lực lượng thanh niên xung kích và các hộ dân, UBND xã đã chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ xã xuống hỗ trợ thi công cầu.
Ông Lò Văn Dung, nhóm dân cư Nậm Có không giấu được xúc động cho biết: “Mùa mưa năm nay, 6 hộ dân chúng tôi sẽ có cây cầu kiên cố để qua suối. Chúng tôi rất vui mừng và cảm ơn Huyện đoàn Ðiện Biên, chính quyền xã Hua Thanh; đoàn thanh niên xã và toàn bộ nhân dân đội 7 đã hỗ trợ xây dựng cầu bê tông cốt thép. Có cây cầu mới, từ nay 6 hộ dân chúng tôi có thể đi lại thuận tiện cả 4 mùa”.