Cay cay bánh cáy tiến vua

Tiết trời se lạnh, mưa lất phất bay thì người ta thường hay nghĩ đến rồi ước có cái gì bùi bùi cay cay mà nhẩn nha nhấm nháp.

Bánh cáy là thức quà biểu tượng của vùng đất Thái Bình.

Bánh cáy là thức quà biểu tượng của vùng đất Thái Bình.

Thật là sống đời một con người, để viên mãn thì cũng phải biết gạt bỏ phần nào tất bật mà nhớ đến bánh cáy.

Đất ăn chơi

Bánh cáy thì có gì ngon mà phải nhớ thương vương vấn? Đấy, hẳn có người sẽ nói vậy về món bánh của làng Nguyễn ở đất Thái Bình. Có nhiều nhẽ để người ta nghĩ nó không ngon, hay vì lẽ gì đó kể cả lỗi của người làm ra bánh hoặc tội của kẻ cất hàng không đúng nơi đúng chốn mà để cho lữ khách ăn phải “bánh cay”.

Thôi thì trăm ngàn lý do để người ta ưa và không ưa một thức nào đó trên đời, vì đó là quyền và sự hợp khẩu vị chăng? Ông bà xưa nói cấm có sai, yêu nên tốt mà ghét thì nên xấu, nhưng đúc kết ấy sao mà cũng đầy cảm tính thiên vị.

Nhưng mà đã đánh giá một món ăn, thì sự thiên vị chẳng có nghĩa lý gì. Bởi vì, cái vị giác của mỗi người, cái sở thích của mỗi người nó chi phối hết cả con người lẫn đầu óc anh. Nếu người ta nói ngon mà anh nói không ra gì, thì y rằng không “choạc” nhau bằng miệng cũng thâm thù vì “nó dám trái với mình”.

Cho nên miếng ăn lại cũng là miếng nhục khi con người không có cách hành xử đúng mực. Nếu cứ thầy bói xem voi thì hẳn là cơm nhà anh không ngon bằng nhà tôi, không khí quê tôi mát lành hơn hẳn quê anh?...

Những căng thẳng trong đời sống, có lẽ số nhiều bắt nguồn từ “miếng ăn” mà ra cả. Nhưng cũng lại chính “miếng ăn” mà làm cho người ta sống một cách văn minh và nhiều ý nghĩa hơn. Không thế mà thế giới người ta đề ra ngày ẩm thực với nào là tôn vinh quốc hồn quốc túy…

Cứ hẵng gạt bỏ ra sau những yêu – ghét mà đến vùng đất lúa Thái Bình. “Thái Bình là đất ăn chơi/Tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành/Tung hoành đến tận trời xanh/Ngọc Hoàng thủ thỉ tớ quê Thái Bình”, ông Bút Tre và hậu nhân chế câu thơ vui ấy mà thực tình được người quê lúa tụng ca.

Nhưng cũng chỉ Bút Tre mới thấu một thời đau thương của vùng đất khó. Nào giặc nước, nào giặc lũ, giặc gió thi nhau cướp đoạt cả những hạt thóc cuối cùng, đẩy người dân đến chốn lầm than cơ cực.

Cơ cực mà vẫn giữ được phẩm giá, giữ được truyền thống đầy ngạo nghễ thì mới hay mới quý. Nào đền Trần, nào chùa Keo, nào hào kiệt như Trần Lãm, Thái úy Lưu Khánh Đàm, Tô Trung Từ đến Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, nhà bác học Lê Quý Đôn…

Người làng Nguyễn làm món bánh cáy với bí quyết cổ truyền hơn 200 năm.

Người làng Nguyễn làm món bánh cáy với bí quyết cổ truyền hơn 200 năm.

Giấc mơ con cáy

Dài dòng như vậy để thấy món bánh cáy chứa chan biết bao ý nghĩa thời cuộc. Và chỉ có bánh cáy mới đủ tư cách đại diện cho đặc sản vùng đất Thái Bình, mới thấy được những yêu thương tô thắm văn hóa quê.

Văn hóa làm nên món ăn, nhưng chính món ăn làm dày thêm tầng văn hóa. Mà bánh cáy lại là thức quà mà chính người làng Nguyễn vô cùng tôn kính.

Có chuyện kể rằng, vào năm Canh Tý có một quan đại thần kinh lý qua làng Nguyễn, được một người phụ nữ đem biếu thứ bánh gọi là có chút quà quê. Quan đem thứ bánh ngon về dâng vua. Vua ăn xong khen lắm và hỏi bánh ấy tên gì? Không biết tên bánh nhưng ăn thơm thơm, cay cay nên quan trả lời là “bánh cay”.

Thế là bánh cay được cả nước biết đến, người phụ nữ làng Nguyễn cũng được ban thưởng. Một hôm, trong giấc mơ kỳ lạ, bà nhìn thấy hai mẹ con con cáy ôm nhau, bà liền rẽ biển đi tới nhưng cáy cứ gọi bà rồi khuất bóng.

Trước khi qua đời, bà dặn con cháu đưa bà về biển. Khi thi hài của bà xuống tới bờ biển thì lạ thay, một lối nước từ từ rẽ ra đón bà đi. Thế là từ đấy, người ta gọi bánh cay là bánh cáy – thứ bánh Thần Cáy ban cho.

Một giải thích khác về tên gọi bánh cáy bởi các màu vàng, trắng xen lẫn màu hồng giống như trứng cáy. Nhưng quả tình, bánh này chẳng liên quan gì đến con cáy cả, dù cáy có thể làm mắm hay nấu canh.

Để làm ra thứ bánh lạ này, người làng Nguyễn chọn gạo nếp ngon, một nửa đồ với nước quả gấc để lấy màu đỏ thắm, nửa còn lại đồ với nước quả dành dành lấy màu vàng tươi. Hai phần nếp xôi kia được giã đều tay theo kinh nghiệm của làng.

Phần nếp đã giã ấy không phải làm bánh ngay mà cất đi chờ đủ sáu tuần trăng mới đem ra rán trên chảo lớn. Người làng Nguyễn quả quyết, phải như thế thì bánh cáy mới ngon, mới xốp mà lại giòn. Chứ lấy xôi giã làm ngay thì vứt, ăn được đấy nhưng không phải là bánh cáy nữa.

Thật là, phàm những thứ ngâm ủ cẩn thận thì khi đem ra thưởng thức bao giờ cũng đậm vị như thể đã được đủ men vậy. Mà nào đã xong, phải có bí quyết nữa chứ, trước khi thành bánh cáy thì thứ ngâm ủ kia cứ phải quằn quại, ngụp lặn trong chảo dầu đang đầy khí thế trên một điệu lửa không vui không buồn.

Hoa nẻ từ thóc rang trộn với nha đường và củ gừng góc vườn được “nên duyên” mứt bí, hạt lạc, hạt lựu… làm cho bánh cáy được gọi tên theo cách đầy dân dã. Nào ai có thể nhịn được vài giây lịch sự mà không nhanh nhón lấy một miếng bánh cáy mà cho vào miệng.

Nhiều người bảo bánh cáy ngon nhất vào mùa đông. Đúng vậy, nhưng từ giữa thu món bánh ấy đã đủ độ ngon cho thế gian thêm một thức quà. Giữa tiết trời se lạnh lất phất mưa bay, ngồi trong quán nhỏ ven đường thì cũng mặc vì trời đất là đây, ngọc thực là đây – một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp!

Có chuyện kể sự ra đời của bánh cáy gắn liền với bà Nguyễn Thị Tần. Vua Lê Hiển Tông thấy bà đàn giỏi, hát hay mới cho làm nhũ mẫu, dạy thái tử Lê Duy Vỹ.

Năm 1769, Trịnh Sâm vu oan cho thái tử, bắt hạ ngục. Nhũ mẫu Nguyễn Thị Tần là người duy nhất được ra vào thăm thái tử. Bà liền dùng kinh nghiệm làm chè lam ở quê nhà và thêm hương vị tạo ra loại bánh gọi là bánh cáy cho thái tử ăn thay cơm.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/cay-cay-banh-cay-tien-vua-iWIZkdtMR.html